Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Trắc nghiệm - Đề số 2 SVIP
Yêu cầu đăng nhập!
Bạn chưa đăng nhập. Hãy đăng nhập để làm bài thi tại đây!
Thư gửi các học sinh
(trích)
Các em học sinh,
Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hi sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao?
Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em. Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.
Chào các em thân yêu.
Hồ Chí Minh
Ngày khai trường tháng 9 năm 1945 có gì đặc biệt so với những ngày khai trường khác?
Nghìn năm văn hiến
Đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Thủ đô Hà Nội, ngôi trường được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, khách nước ngoài không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng từ năm 1075, nước ta đã mở khoa thi tiến sĩ. Ngót 10 thế kỉ, tính từ khoa thi năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, các triều vua Việt Nam đã tổ chức được 185 khoa thi, lấy đỗ gần 3000 tiến sĩ, cụ thể như sau:
Ngày nay, khách vào thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn thấy bên giếng Thiên Quang, dưới những hàng muỗm già cổ kính, 82 tấm bia khắc tên tuổi 1306 vị tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến khoa thi năm 1779 như chứng tích về một nền văn hiến lâu đời.
(Nguyễn Hoàng)
Truyền thống tốt đẹp nào của dân tộc ta đã được thể hiện qua văn bản này?
Lòng dân
Nhân vật: Dì Năm - 29 tuổi
An -12 tuổi, con trai dì Năm
Lính
Cai
Cảnh trí: Một ngôi nhà nông thôn Nam Bộ. Cửa nhà quay vào phía trong sân khấu. Bên trái kê một cái bàn, hai cái ghế. Bên phải là một chõng tre, trên có mâm cơm.
Thời gian: Buổi trưa. Má con dì Năm đang ăn cơm thì một chú cán bộ bị địch rượt bắt chạy vô. Dì Năm chỉ kịp đưa chú một chiếc áo để thay, rồi bảo chú ngồi xuống chõng vờ ăn cơm. Vừa lúc ấy, một tên cai và một tên lính chạy tới.
Cai: - Anh chị kia!
Dì Năm: - Dạ, cậu kêu chi?
Cai: - Có thấy một người mới chạy vô đây không?
Dì Năm: - Dạ, hổng thấy.
Cán bộ: - Lâu mau rồi cậu?
Cai: - Mới tức thời đây.
Cai: - Thiệt không thấy chớ? Rõ ràng nó quẹo vô đây (vẻ bực dọc). Anh nầy là...
Dì Năm: - Chồng tui. Thằng nầy là con.
Cai: - (Xẵng giọng) Chồng chị à?
Dì Năm: - Dạ, chồng tui.
Cai: - Để coi. (Quay sang lính) Trói nó lại cho tao (chỉ dì Năm). Cứ trói đi. Tao ra lịnh mà (lính trói dì Năm lại).
An: - (Ôm dì Năm, khóc òa) Má ơi má!
Cán bộ: - (Buông đũa đứng dậy) Vợ tôi...
Lính: - Ngồi xuống! (Chĩa súng vào chú cán bộ) Rục rịch tao bắn.
Dì Năm: - Trời ơi! Tui có tội tình chi?
Cai: - (Dỗ dành) Nếu chị nói thiệt, tôi thưởng. Bằng chị nhận anh này là chồng, tôi bắn chị tức thời, đốt luôn cái nhà này nữa.
Dì Năm: - Mấy cậu... để tui...
Cai: - Có thế chớ! Nào, nói lẹ đi!
Dì Năm: - (nghẹn ngào) An... (An "dạ"). Mầy qua bà Mười... dắt con heo về..., đội luôn năm giạ lúa. Rồi ... cha con ráng đùm bọc lấy nhau.
(còn nữa)
Theo Nguyễn Văn Xe
Em thấy dì Năm có phẩm chất gì tốt đẹp?
Những con sếu bằng giấy
Ngày 16-7-1945, nước Mĩ chế tạo được bom nguyên tử. Hơn nửa tháng sau, chính phủ Mĩ quyết định ném cả hai quả bom mới chế tạo xuống Nhật Bản.
Hai quả bom ném xuống các thành phố Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki đã cướp đi mạng sống của gần nửa triệu người. Đến năm 1951, lại có thêm gần 100 000 người ở Hi-rô-si-ma bị chết do nhiễm phóng xạ nguyên tử.
Khi Hi-rô-si-ma bị ném bom, cô bé Xa-xa-cô Xa-xa-ki mới hai tuổi đã may mắn thoát nạn. Nhưng em bị nhiễm phóng xạ. Mười năm sau, em lâm bệnh nặng. Nằm trong bệnh viện nhẩm đếm từng ngày còn lại của đời mình, cô bé ngây thơ tin vào một truyền thuyết nói rằng nếu gấp đủ một nghìn con sếu bằng giấy treo quanh phòng, em sẽ khỏi bệnh. Em liền lặng lẽ gấp sếu. Biết chuyện, trẻ em toàn nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới đã tới tấp gửi hàng nghìn con sếu giấy đến cho Xa-xa-cô. Nhưng Xa-xa-cô chết khi em mới gấp được 644 con.
Xúc động trước cái chết của em, học sinh thành phố Hi-rô-si-ma đã quyên góp tiền xây một tượng đài tưởng nhớ những nạn nhân bị bom nguyên tử sát hại. Trên đỉnh tượng đài cao 9 mét là hình một bé gái giơ cao hai tay nâng một con sếu. Dưới tượng đài khắc dòng chữ: "Chúng tôi muốn thế giới này mãi mãi hòa bình".
(theo Những mẩu chuyện lịch sử thế giới)
Đọc văn bản Những con sếu bằng giấy và trả lời câu hỏi:
Cô bé hi vọng kéo dài cuộc sống của mình bằng cách nào?
Nội dung của bài Những con sếu bằng giấy là gì?
Ê - mi - li, con ...
(trích)
Ngày 2-11-1965, một công dân Mĩ tên là Mo-ri-xơn đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ ở Việt Nam. Xúc động trước hành động của anh, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Ê-mi-li, con ... Bài thơ gợi lại hình ảnh Mo-ri-xơn bế con gái là bé Ê-mi-li 18 tháng tuổi đến trụ sở Bộ Quốc Phòng Mĩ, nơi anh tự thiêu vì hòa bình ở Việt Nam.
***
Ê - mi - li, con đi cùng cha
Sau khôn lớn, con thuộc đường, khỏi lạc ...
- Đi đâu cha?
- Ra bờ sông Pô - tô - mác
- Xem gì cha?
- Không, con ơi, chỉ có Lầu Ngũ Giác.
Giôn - xơn! Tội ác bay chồng chất
Nhân danh ai
Bay mang những B52
Những napan, hơi độc
Đến Việt Nam
Để đốt những nhà thương, trường học
Giết những con người chỉ biết yêu thương
Giết những trẻ em chỉ biết đến trường
Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá
Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa?
Ê - mi - li con ôi!
Trời sắp tối rồi...
Cha không bế con về được nữa!
Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa
Đêm nay mẹ đến tìm con
Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn
Cho cha nhé
Và con sẽ nói giùm với mẹ:
Cha vui đi, xin mẹ đừng buồn!
Oa - sinh - tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn, mất?
Đã đến phút lòng ta sáng nhất!
Ta đốt thân ta, cho ngọn lửa sáng lòa
Sự thật.
(Tố Hữu)
Vì sao chú Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ?
Sự sụp đổ của chế độ a-pác-thai
Nam Phi là một nước nổi tiếng nhiều vàng, kim cương, nhưng cũng nổi tiếng về nạn phân biệt chủng tộc. Chế độ phân biệt chủng tộc ở đây được toàn thế giới biết đến với tên gọi a-pác-thai.
Ở nước này, người da trắng chỉ chiếm 1/5 dân số nhưng lại nắm gần 9/10 đất trồng trọt, 3/4 tổng thu nhập và toàn bộ hầm mỏ, xí nghiệp, ngân hàng,... Ngược lại, người da đen phải làm những công việc nặng nhọc, bẩn thỉu, lương chỉ bằng 1/7 hay 1/10 lương của công nhân da trắng. Họ phải sống, chữa bệnh, đi học ở những khu riêng và không được hưởng một chút quyền tự do, dân chủ nào.
Bất bình với chế độ a-pác-thai, người da đen đã đứng lên đòi bình đẳng. Cuộc đấu tranh dũng cảm và bền bỉ của họ được sự ủng hộ của những người yêu chuộng tự do và công lí trên toàn thế giới, cuối cùng đã giành được thắng lợi. Ngày 17-6-1991, chính quyền Nam Phi buộc phải hủy bỏ sắc lệnh phân biệt chủng tộc. Ngày 27-4-1994, cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên được tổ chức. Luật sư da đen Nen-xơn Man-đê-la, người từng bị giam cầm suốt 27 năm vì đấu tranh chống chế độ a-pác-thai, được bầu làm tổng thống. Chế độ phân biệt chủng tộc xấu xa nhất hành tinh đã chấm dứt trước khi nhân loại bước vào thế kỉ XXI.
(Theo Những mẩu chuyện lịch sử thế giới)
Vì sao cuộc đấu tranh chống chế độ a-pác-thai được đông đảo nhân dân trên thế giới ủng hộ?
Tác phẩm của Si-le và tên phát xít
Trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, một lần có tên sĩ quan cao cấp của bọn phát xít lên một chuyến tàu ở Pa-ri, thủ đô nước Pháp. Hắn bước vào toa tàu, giơ thẳng tay và hô to: "Hít-le muôn năm!" Một người cao tuổi ngồi bên cửa sổ, tay cầm cuốn sách, ngẩng đầu, lạnh lùng đáp bằng tiếng Pháp: "Chào ngài". Tên sĩ quan lừ mắt nhìn ông già người Pháp. Bỗng hắn nhìn vào cuốn sách ông cụ đang đọc và thấy đó là một tác phẩm của Si-le viết bằng tiếng Đức. Bực mình vì ông cụ biết tiếng Đức nhưng không thèm chào bằng tiếng Đức, hắn liền hỏi:
- Lão thích nhà văn Đức hơn lời chào của người Đức chăng?
- Sao ngài lại nói thế? Si-le là một nhà văn quốc tế chứ ! - Ông già điềm đạm trả lời.
Nhận thấy vẻ ngạc nhiên của tên sĩ quan, ông già nói tiếp:
- Ngài thử xem Si-le đã dành những tác phẩm của mình cho ai nào? Nhà văn đã viết Vin-hem Ten cho người Thụy Sĩ, Nàng dâu ở Mét-xi-na cho người I-ta-li-a, Cô gái Oóc-lê-găng cho người Pháp,...
Càng nghe nói, tên sĩ quan phát xít càng ngây mặt ra. Cuối cùng, hắn hỏi:
- Chẳng lẽ Si-le không viết gì cho chúng tôi hay sao?
Ông già mỉm cười trả lời:
- Có chứ, Si-le đã dành cho các ngài vở Những tên cướp!
(Nguyễn Đình Chính sưu tầm)
Em hiểu thái độ của ông cụ đối với người Đức và tiếng Đức như thế nào?
Cái gì quý nhất?
Một hôm, trên đường đi học về, Hùng, Quý và Nam trao đổi với nhau xem ở trên đời này, cái gì quý nhất.
Hùng nói: "Theo tớ, quý nhất là lúa gạo. Các cậu có thấy ai không ăn mà sống được không?"
Quý và Nam cho là có lí. Nhưng đi được mươi bước. Quý vội reo lên: "Bạn Hùng nói không đúng. Quý nhất phải là vàng. Mọi người chẳng thường nói quý như vàng là gì! Có vàng là có tiền, có tiền sẽ mua được lúa gạo!"
Nam vội tiếp ngay: "Quý nhất là thì giờ. Thầy giáo thường nói thì giờ quý hơn vàng bạc. Có thì giờ mới làm ra được lúa gạo, vàng bạc!"
Cuộc tranh luận thật sôi nổi, người nào cũng có lí, không ai chịu ai. Hôm sau, ba bạn đến nhờ thầy giáo phân giải.
Nghe xong, thầy mỉm cười rồi nói:
- Lúa gạo quý vì ta phải đổ bao mồ hôi mới làm ra được. Vàng cũng quý vì nó rất đắt và hiếm. Còn thì giờ đã qua thì không ai lấy lại được, đáng quý lắm. Nhưng lúa gạo, vàng bạc, thì giờ vẫn chưa phải là quý nhất. Ai làm ra lúa gạo, vàng bạc, ai biết dùng thì giờ? Đó chính là người lao động các em ạ. Không có người lao động thì không có lúa gạo, không có vàng bạc, nghĩa là tất cả mọi thứ đều không có, và thì giờ cũng trôi qua một cách vô vị mà thôi.
Vì sao thầy giáo cho rằng người lao động mới là quý nhất?
Đất Cà Mau
Cà Mau là đất mưa dông. Vào tháng ba, tháng tư, sớm nắng chiều mưa. Đang nắng đó, mưa đổ ngay xuống đó. Mưa hối hả, không kịp chạy vào nhà. Mưa rất phũ, một hồi rồi tạnh hẳn. Trong mưa thường nổi cơn dông.
Cà Mau đất xốp. Mùa nắng, đất nẻ chân chim, nền nhà cũng rạn nứt. Trên cái đất phập phều và lắm gió, dông như thế, cây đứng lẻ khó mà chống nổi với những cơn thịnh nộ của trời. Cây bình bát, cây bần cũng phải quây quần thành chòm, thành rặng; rễ phải dài, phải cắm sâu vào trong lòng đất. Nhiều nhất là đước. Đước mọc san sát đến tận mũi đất cuối cùng, thẳng đuột như hằng hà sa số cây dù xanh cắm trên bãi. Nhà cửa dựng dọc theo những bờ kênh, dưới những hàng đước xanh rì. Nhà nọ sang nhà kia phải leo trên cầu bằng thân cây đước...
Sống trên cái đất mà ngày xưa, dưới sông "sấu cản mũi thuyền", trên cạn "hổ rình xem hát" này, con người phải thông minh và giàu nghị lực. Họ thích kể, thích nghe những huyền thoại về người vật hổ, bắt cá sấu, bắt rắn hổ mây. Tinh thần thượng võ của cha ông được nung đúc và lưu truyền để khai phá gìn giữ mũi đất tận cùng này của Tổ quốc.
Theo MAI VĂN TẠO
Truyền thống tốt đẹp nào của cha ông được người Cà Mau phát huy?
Người công dân số một
(trích)
Nhân vật: Anh Thành
Anh Lê
Anh Mai
Cảnh trí: Một ngôi nhà ở Xóm Chiếu, Sài Gòn. Dưới ngọn đèn dầu lù mù, anh Thành đang ngồi ghi chép. Anh Lê vào.
Lê: - Anh Thành! Mọi thứ tôi thu xếp xong rồi. Sáng mai anh có thể đến nhận việc đấy.
Thành: - Có lẽ thôi, anh ạ.
Lê: - Sao lại thôi? Anh chỉ cần cơm nuôi và mỗi tháng một đồng. Tôi đã đòi thêm cho anh mỗi năm hai bộ quần áo và mỗi tháng thêm một hào... (Nói nhỏ) Vì tôi nói với họ: anh biết chữ Tàu, lại có thể viết phắc - tuya bằng tiếng Tây.
Thành: - Nếu chỉ cần miếng cơm manh áo thì tôi ở Phan Thiết cũng đủ sống...
Lê: - Vậy anh vào Sài Gòn này làm gì?
Thành: - Anh Lê này! Anh học trường Sa-xơ-lu Lô-ba... thì.... ờ... anh là người nước nào?
Lê: - Anh hỏi lạ thật. Anh người nước nào thì tôi là người nước ấy.
Thành: - Đúng! Chúng ta là đồng bào. Cùng máu đỏ da vàng với nhau. Nhưng... anh có khi nào nghĩ đến đồng bào không?
Lê: - Sao lại không? Hôm qua ông đốc học nhắc lại nghị định của giám đốc Phú Lãng Sa tháng 5 năm 1881 về việc người bản xứ muốn vào làng Tây....
Thành: - À... Vào làng Tây để có tên Tây, đi lại, ăn ở, làm việc, lương bổng như Tây... Anh đã làm đơn chưa?
Lê: - Không bao giờ! Không bao giờ tôi quên dòng máu chảy trong cánh tay này là của họ Lê, anh hiểu không? Nhưng tôi chưa hiểu vì sao anh thay đổi ý kiến, không định xin việc làm ở Sài Gòn này nữa.
Thành: - Anh Lê ạ, vì đèn dầu ta không sáng bằng đèn hoa kì. Đèn hoa kì lại không sáng bằng đèn tọa đăng. Hôm qua, tôi đi xem chớp bóng lại thấy ngọn đèn điện mới thật là sáng nhất. Sáng như ban ngày mà không có mùi, không có khói.
Lê: - Anh kể chuyện đó để làm gì?
Thành: - Vì anh với tôi... chúng ta là công dân nước Việt...
Theo HÀ VĂN CẦU - VŨ ĐÌNH PHÒNG
Không nghĩ đến chuyện xin việc, thực chất anh Thành nghĩ đến chuyện gì?
Trí dũng song toàn
Mùa đông năm 1637, thám hoa Giang Văn Minh được vua Lê Thần Tông cử đi sứ Trung Quốc. Chờ rất lâu mà vẫn không được vua nhà Minh cho tiếp kiến, ông vờ khóc lóc rất thảm thiết. Vua Minh liền hạ chỉ mời ông đến hỏi cho ra lẽ.
Thám hoa vừa khóc vừa than rằng:
- Hôm nay là ngày giỗ cụ Tổ năm đời của thần, nhưng thần không có mặt ở nhà để cúng giỗ. Thật là bất hiếu với tổ tiên.
Vua Minh phán:
- Không ai phải giỗ người đã chết từ năm đời. Sứ thần khóc lóc như vậy thật không phải lẽ!
Giang Văn Minh nghe vậy, bèn tâu:
- Vậy, tướng Liễu Thăng tử trận đã mấy trăm năm, sao hằng năm nhà vua vẫn bắt nước tôi cử người mang lễ vật sang cúng giỗ?
Biết đã mắc mưu sứ thần, vua Minh vẫn phải nói:
- Từ nay trở đi, nước ngươi không phải góp giỗ Liễu Thăng nữa.
Từ đó nước ta mới thoát khỏi nạn mỗi năm cống nạp một tượng vàng để đền mạng Liễu Thăng.
Lần khác, khi Giang Văn Minh vào yết kiến, vua Minh sai một đại thần ra vế đối:
- Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc.
Biết họ ngạo mạn nhắc chuyện Mã Viện dẹp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng, Giang Văn Minh cứng cỏi đối lại ngay:
- Bạch Đằng thuở trước máu còn loang.
Thấy sứ giả Việt Nam dám lấy việc quân đội cả ba triều đại Nam Hán, Tống và Nguyên đều thảm bại trên sông Bạch Đằng để đối lại, vua Minh giận quá, sai người ám hại ông.
Thi hài Giang Văn Minh được đưa về nước. Vua Lê Thần Tông đến tận linh cữu ông, khóc rằng:
- Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ.
Điếu văn của vua Lê còn có câu: “Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống”.
Theo ĐINH XUÂN LÂM – TRƯƠNG HỮU QUÝNH và TRUNG LƯU
Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống. Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống.
Câu trên là lời điếu văn của ai dành cho Giang Văn Minh?
Lập làng giữ biển
Nhụ nghe bố nói với ông:
- Lần này con sẽ họp làng để đưa đàn bà và trẻ con ra đảo. Con sẽ đưa thằng Nhụ ra trước. Rồi nhà con cũng ra. Ông cũng sẽ ra.
- Tao chết ở đây thôi. Sức không còn chịu được sóng.
- Ngay cả chết, cũng cần ông chết ở đấy.
Ông đứng lên, tay giơ ra như cái bơi chèo:
- Thế là thế nào? – Giọng ông bỗng hổn hển. Người ông bỗng tỏa ra hơi muối.
Bố Nhụ vẫn nói rất điềm tĩnh:
- Ở đấy đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần. Chả còn gì hay hơn cho một làng biển. Ngày xưa, lúc nào cũng mong có đất để dân chài phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền. Bây giờ đất đấy, rộng hết tầm mắt. Đất của nước mình, mình không đến ở thì để cho ai?
Ông Nhụ bước ra võng. Cái võng làm bằng lưới đáy vẫn buộc lưu cữu ở ngoài hàng hiên. Ông ngồi xuống võng vặn mình. Hai má phập phồng như người súc miệng khan. Ông đã hiểu những ý tưởng hình thành trong suy tính của người con trai ông quan trọng nhường nào.
- Để có một ngôi làng như một ngôi làng ở trên đất liền, rồi sẽ có chợ, có trường học, có nghĩa trang…
Bố Nhụ nói tiếp như trong một giấc mơ, rồi bất ngờ, vỗ vào vai Nhụ:
- Thế nào con, đi với bố chứ?
- Vâng! Nhụ đáp nhẹ.
Vậy là việc đã quyết định rồi. Nhụ đi và sau đó cả nhà sẽ đi. Đã có một làng Bạch Đằng Giang do những người dân chài lập ra ở đảo Mõm Cá Sấu. Hòn đảo đang bồng bềnh đâu đó ở mãi tận chân trời…
TRẦN NHUẬN MINH
Tại sao cần phải lập làng ngoài đảo?
Hộp thư mật
Hai Long phóng xe về phía Phú Lâm tìm hộp thư mật.
Người đặt hộp thư lần nào cũng tạo cho anh sự bất ngờ. Bao giờ hộp thư cũng được đặt tại một nơi dễ tìm mà lại ít bị chú ý nhất. Nhiều lúc, người liên lạc còn gửi gắm vào đây một chút tình cảm của mình, thường bằng những vật gợi ra hình chữ V mà chỉ anh mới nhận thấy. Đó là tên Tổ quốc Việt Nam, là lời chào chiến thắng. Đôi lúc Hai Long đã đáp lại.
Anh dừng xe trước một cột cây số ven đường, giữa cánh đồng vắng. Tháo chiếc bu-gi ra xem, nhưng đôi mắt anh không nhìn chiếc bu-gi mà chăm chú quan sát mặt đất phía sau một cây số. Nó kia rồi! Một hòn đá hình mũi tên (lại hình chữ V quen thuộc) trỏ vào một hòn đá dẹt chỉ cách anh ba bước chân.
Hai Long tới ngồi cạnh hòn đá, nhìn trước nhìn sau, một tay vẫn cầm chiếc bu-gi, một tay bẩy nhẹ hòn đá. Hộp thư lần này cũng là một chiếc vỏ đựng thuốc đánh răng. Anh nhẹ nhàng cạy đáy hộp thuốc, rút ra một mảnh giấy nhỏ, thay vào đó thư báo cáo của mình, rồi thả hộp thuốc về chỗ cũ.
Công việc thế là xong. Một giờ nữa sẽ có người đến lấy thư. Anh trở lại bên xe, lắp bu-gi vào rồi đạp cần khởi động máy. Tiếng động cơ nổ giòn. Chưa đầy nửa giờ sau, anh đã hòa lẫn vào dòng người giữa phố phường náo nhiệt.
HỮU MAI
Qua những vật có hình chữ V nói lên những phẩm chất gì của những người làm nhiệm vụ liên lạc bí mật?
Công việc đầu tiên
Một hôm, anh Ba Chẩn gọi tôi vào trong buồng, đúng cái nơi anh giao việc cho ba tôi ngày trước. Anh lấy từ mái nhà xuống bó giấy lớn, rồi hỏi tôi:
- Út có dám rải truyền đơn không?
Tôi vừa mừng vừa lo, nói:
- Được, nhưng rải thế nào anh phải chỉ vẽ, em mới làm chớ!
Anh Ba cười, rồi dặn dò tôi tỉ mỉ. Cuối cùng, anh nhắc:
- Rủi địch nó bắt tận tay thì em một mực nói rằng có một anh bảo đây là giấy quảng cáo thuốc. Em không biết chữ nên không biết giấy gì.
Nhận công việc vinh dự đầu tiên này, tôi thấy trong người cứ bồn chồn, thấp thỏm. Đêm đó, tôi ngủ không yên, lục đục dậy từ nữa đêm, ngồi nghĩ cách giấu truyền đơn. Khoảng ba giờ sáng, tôi giả đi bán cá như mọi hôm. Tay tôi bê rổ cá, còn bó truyền đơn thì dắt trên lưng quần. Tôi rảo bước và truyền đơn cứ từ từ rơi xuống đất. Gần tới chợ thì vừa hết, trời cũng vừa sáng tỏ.
Độ tám giờ, nhân dân xì xào ầm lên: “Cộng sản rải giấy nhiều quá!”
Mấy tên lính mã tà hớt hải xách súng chạy rầm rầm.
Về đến nhà, tôi khoe ngay kết quả với anh Ba. Anh tôi khen:
- Út làm khá lắm, cứ làm như vậy rồi quen, em ạ!
Lần sau, anh tôi lại giao rải truyền đơn tại chợ Mỹ Lồng. Tôi cũng hoàn thành. Làm được một vài việc, tôi bắt đầu ham hoạt động. Tôi tâm sự với anh Ba:
- Em chỉ muốn làm thật nhiều việc cho Cách mạng. Anh cho em thoát li hẳn nghe anh!
Theo HỒI KÍ CỦA BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH
Nhân vật Út đã thể hiện được phẩm chất gì?