CẢM NGHĨ VỀ BÀI THƠ BÁNH TRÔI NƯỚC
Hồ Xuân Hương là một nữ thi sĩ tài hoa của nước ta cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Bà đã gởi gắm vào thơ những điều suy tư, trăn trở trước hiện thực phức tạp của xã hội phong kiến. Đặc biệt, bà viết rất nhiều về phụ nữ với lòng cảm thông sâu sắc và ngợi ca những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của họ. Và “Bánh trôi nước” là một bài thơ như thế.
Bánh trôi nước là một bài vịnh độc đáo: vịnh một món ăn truyền thống của dân tộc. Trước hết, Hồ Xuân Hương đã vịnh về bánh trôi một cách rất tài tình:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”.
Đây là lời chiếc bánh trôi nước tự giới thiệu mình trước bàn dân thiên hạ: từ hình dáng, cấu tạo và cách chế tạo. Để làm được chiếc bánh trôi, người ta phải xay bột nếp, nhào bột với nước cho nhuyễn, rồi nặn thành hình tròn nho nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, bọc lấy nhân bằng đường đen, nước sôi thì bỏ vào luộc, khi chín thì bánh nổi lên. Người nặn bột làm bánh phải khéo tay thì bánh mới đẹp, nếu vụng thì bánh có thể bị rắn hay bị nhão. Nhưng dù thế nào thì bánh vẫn phải có nhân. Thiếu nhân, bánh sẽ rất nhạt nhẽo. Đọc bài thơ, ta thấy hiện lên đúng là bánh trôi nước, không sai một li.
Hình ảnh trong bài thơ là bánh trôi nước. Nhưng bài thơ đâu phải là tác phẩm quảng cáo cho một món ăn dân gian. Thơ vịnh chỉ thực sự có ý nghĩa khi có sự gửi gắm tình cảm, tư tưởng của nhà thơ. Bài thơ của Hồ Xuân Hương, vì thế, còn là lời tự bộc bạch của một tấm lòng phụ nữ. Có thể nói, nhà thơ mượn lời của bánh trôi để nói lên thân phận và tấm lòng người phụ nữ. Bánh trôi là một hình ảnh gợi cảm hứng, một ẩn dụ mà thôi:
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn”
Từ “trắng” vừa tả cái bánh bằng bột trắng, đồng thời ta có thể liên tưởng đến nước da trắng đẹp, phẩm hạnh trong trắng của người phụ nữ Việt Nam. Từ “tròn” vừa có nghĩa là em được phú cho cái hình dáng tròn, lại vừa có nghĩa là em làm tròn mọi bổn phận của em. Do đó, chỉ qua câu thơ thứ nhất, người phụ nữ đã hiện lên đầy đủ với vẻ đẹp bên ngoài và vẻ đẹp từ bên trong tâm hồn. Vì thế, người phụ nữ xứng đáng có được cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Nhưng không, cuộc đời bất công lắm, dẫu đẹp người đẹp nết thế đó nhưng cuộc đời vẫn vùi dập họ. Ta có thể thấy điều này qua câu thơ thứ hai: “Bảy nổi ba chìm với nước non”. “Bảy nổi ba chìm” là một thành ngữ giàu tính biểu tượng, chỉ sự trôi nổi, lênh đênh giữa cuộc đời của người phụ nữ. “Nước non” là sông, là biển, là núi, là non, chỉ hoàn cảnh sống, suy rộng ra là cuộc đời con người. Việc nhà thơ đảo từ “bảy nổi” lên đầu thành ngữ càng nhấn mạnh hơn sự truân chuyên, lận đận của cuộc đời người phụ nữ trong xã hội xưa.
Thân phận người phụ nữ càng đáng thương hơn qua câu thơ thứ ba: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”. Nếu chiếc bánh trôi mềm - rắn phụ thuộc vào tay của kẻ nặn thì trong xã hội cũ, người phụ nữ không có quyền định đoạt cuộc đời mình. Quan hệ từ “mặc dầu” càng cho thấy sự phụ thuộc của họ vào xã hội. Cuộc đời người phụ nữ vô định cũng như trái bần trôi trôi nổi giữa con nước mênh mông trong bài ca dao kia:
“Thân em như trái bần trôi
Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”
Câu ca dao thể hiện một ý thức an phận, cam chịu của họ, điều duy nhất họ làm chủ được là giữ tấm lòng mình: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. “Tấm lòng son” có thể hiểu là lòng sắt son, thủy chung của người phụ nữ. Dẫu cho cuộc đời có lắm trái ngang, có vùi dập như thế nào đi chăng nữa, người phụ nữ vẫn giữ trọn vẹn tấm lòng kiên trinh của mình. Câu thơ còn thể hiện niềm tự hào kín đáo về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, cả bài thơ vẫn thấm đượm nỗi cảm thương cho thân phận nhỏ bé, mong manh của người phụ nữ.
Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc, nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với thân phận lênh đênh, lận đận của người phụ nữ Việt Nam đồng thời ca ngợi những phẩm chất sáng ngời của họ. Qua đó, chúng ta càng thêm yêu mến và trân trọng hơn những người phự nữ xung quanh mình.
1. Bài văn trên gồm có mấy phần? Chỉ rõ các phần đó.
2. Xác định các yếu tố: liên tưởng, tưởng tượng, suy ngẫm trong bài văn trên?
Thực tế cho thấy rằng có rất nhiều bạn học sinh học tập với hình thức đối phó và việc soạn văn cũng vậy, các em không tự mình làm để tìm hiểu, lĩnh hội kiến thức mà chỉ đối phó với thầy cô giáo bằng việc chép lại sách giải, hoặc mượn vở bài chép cho xong chuyện. Nhưng thực chất lượng kiến thức các em tìm hiểu hoàn toàn không có, không có sự chuẩn bị bài bằng tư tuy vì thế khi cô giáo giảng bài khó có thể tiếp nhận và lĩnh hội hết được các kiến thức.
Vậy cách soạn văn như thế nào để học tập hiệu quả?
Bước 1: Đọc kỹ các phần trong sách giáo khoa
Sách giáo khoa là kênh thông tin quan trọng và bắt buộc cho tất cả các em học sinh trong học tập. Để có thể soạn văn tốt điều cơ bản đầu tiên của mỗi em học sinh chính là đọc tác phẩm, đọc phần tìm hiểu chung về kiến thức liên quan đến tác giả, tác phẩm. Đây là các kiến thức văn bản cơ bản của các tác phẩm văn học. Các em còn phải đọc các kiến thức chung về tiếng việt, về làm văn.
Cần phải đọc như thế nào để hiểu được nội dung cơ bản của tác phẩm, các vấn đề chính trong tiếng việt, kiến thức gì trong làm văn.
– Đọc kỹ văn bản: có nhiều người cho rằng việc đọc văn bản là thực sự không cần thiết, bởi vì chỉ cần có sách học tốt, chỉ cần chép mà không cần đọc. Nhưng đối với học sinh việc soạn văn mà không đọc văn bản là điều ảnh hưởng xấu tới quá trình học. Ngoài ra một số bạn học sinh chỉ thích đọc thơ, hoặc truyện có đối thoại mà không thích đọc tác phẩm dài, ít tình tiết, thiên về độc thoại, kể… Tuy vậy cần phải đọc tác phẩm để nắm được nội dung chính của tác phẩm hướng tới đó là gì.
– Đọc kỹ phần chú thích trong sách giáo khoa: Câu hỏi đặt ra tại sao cần như vậy? Vì phần chú thích chính là phần giải thích các từ khóa trong văn bản đó, các em khi đọc kỹ phần chú thích sẽ hiểu thêm về văn bản, có thêm vốn từ phong phú như từ Hán Việt.
Ví dụ: Khi đọc tác phẩm “Bàn về phép học” của Nguyễn Thiếp nếu chúng ta không đọc kỹ chú thích làm sao chúng ta biết đến “tam cương, ngũ thường” là gì?
– Đọc kỹ về tác giả, tác phẩm, thể loại của văn bản đó: Đây là việc không thể thiếu trong khi soạn bài, ghi nhớ các kiến thức về tác giả, tác phẩm để tìm ra hoàn cảnh sáng tác, các ý chính về thời đại, phong cách sáng tác, quan điểm sáng tác… Vì mỗi tác giả, tác phẩm được viết trong các thời đại khác nhau, gắn với hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên ở mỗi tác phẩm đều có những thông điệp riêng mà tác giả gửi đến bạn đọc.
Ví dụ: Bài “Ánh trăng” viết sau khi giải phóng đất nước được 3 năm, còn bài “Mùa xuân nho nhỏ” viết khi tác giả sắp qua đời
Bước 2: Trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa
– Trả lời hệ thống câu hỏi trong phần đọc hiểu
Có thể nói hệ thống các câu hỏi trong phần đọc hiểu chính là nền tảng quan trọng trong việc học sinh tiếp cận với nội dung cơ bản trong các văn bản. Vì vậy việc trả lời lần lượt các câu hỏi trong sách giáo khoa là phương pháp tốt nhất đối với học sinh ở việc tiếp cận và chuẩn bị kiến thức về tác phẩm. Các câu hỏi trong sách giáo khoa cùng với các từ khóa chính đã giúp học sinh tự tìm tòi, khám phá, xác định cho mình những vùng kiến thức cơ bản. Hơn nữa khi học sinh có sự chuẩn bị bài trước khi đến lớp, kết hợp với giáo viên giảng bài sẽ giúp cho các em dễ dàng hơn trong khi tiếp thu.
Ví dụ: Khi soạn bài “Làng” của Kim Lân, các em sẽ phải trả lời câu hỏi về diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai trải qua mấy giai đoạn, cách giai đoạn đó diễn ra như thế nào, có gì đặc sắc…? Chính việc trả lời các câu hỏi này các em đã có thể nắm cơ bản về diễn biến tâm trạng của nhân vật ông Hai.
– Trả lời các câu hỏi phần tiếng việt
Phần chuẩn bị các câu hỏi tiếng việt là một điều khá khó đối với học sinh vì các em chỉ biết chuẩn bị các kiến thức trong phần văn bản. Các em không biết cụ thể mình cần làm gì trước khi học các giờ tiếng việt. Vì thế việc giúp đỡ của giáo viên là thực sự cần thiết. Cụ thể giáo viên cần có các yêu cầu cụ thể rõ ràng đối với học sinh trong việc các em phân tích các ví dụ mẫu trong sách giáo khoa, từ đó rút ra kết luận và lấy các ví dụ khác tương tự ngoài đời sống.
Ví dụ: Cho hai ví dụ
Giàu! Tôi đã giàu rồi.
Đối với tôi, sách là tài sản quan trọng nhất.
Hai từ giàu, đối với tôi chính là chủ đề trong câu. Về vị trí: đều đứng trước chủ ngữ.
⇒ Đây chính là khởi ngữ, vậy khởi ngữ là gì? (Học sinh tự trả lời)
– Trả lời các câu hỏi trong phần tập làm văn.
Giờ tập làm văn chính là một giờ để hình thành các kiến thức kỹ năng cho các em trong việc tạo lập văn bản. Cũng giống như hai giờ đọc hiểu và tiếng việt, muốn học tốt giờ này cần có sự chuẩn bị trước khi đến lớp. Để chuẩn bị tốt phần làm văn các em cũng cần phải phân tích văn bản mẫu, từ ví dụ đi đến lí thuyết. Khi phân tích kỹ các vấn đề trong văn bản mẫu, tự rút ra bài học, nội dung chính làm văn cần học. Hay một số tiết luyện nói trong làm văn, nhiều học sinh khá khó khăn khi nói nếu như chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đến lớp.
Ví dụ: Khi có tiết luyện nói về văn bản nghị luận với đề tài tự chọn.
Học sinh cần chuẩn bị
– Tìm hiểu lại văn nghị luận, tìm đề tài cần viết.
– Lập dàn ý cho bài viết.
– Bài viết cụ thể về văn bản thuyết minh
Bước 3: Sưu tầm các tài liệu kiến thức khác ở sách tham khảo.
Bên cạnh việc trả lời các câu hỏi trong sách giáo khoa để tìm hiểu kiến thức, các em còn thể đọc, tìm các sách, báo tài liệu khác nhau để nâng cao hiểu biết của mình. Nguồn các em tìm hiểu có thể ở nhiều kênh khác nhau: sách, báo, thơ, văn mẫu, internet…Điều quan trọng chính là việc lựa chọn, chọn lọc các kiến thức phù hợp để tự nâng cao khả năng của bản thân. Ngoài ra các em nên nhờ thầy cô giáo, gia sư Văn tại nhà giới thiệu một số tên sách, báo, trang điện tử tham khảo để các em dễ tìm hiểu.