Nội dung tài liệu
1. Các dạng địa hình chính
a. Núi
- Núi là dạng địa hình nhô cao rõ rệt trên mặt đất, có độ cao thường trên 500 m so với mực nước biển.
- Núi có phần đỉnh núi, sườn núi và chân núi.
- Dưới chân núi là thung lũng – nơi tích tụ các sản phẩm bị xâm thực được vận chuyển từ sườn núi xuống.
- Phân loại núi:
+ Dựa vào độ cao, người ta chia ra thành núi thấp, núi trung bình và núi cao.
+ Dựa vào thời gian hình thành, người ta chia ra thành núi già và núi trẻ.
b. Đồi
- Đồi là dạng địa hình nhỏ cao, đỉnh tròn, sườn thoải, có độ cao tính từ chân đồi đến đỉnh đồi không quá 200 m.
- Ở vùng chuyển tiếp giữa núi với đồng bằng thường có nhiều đồi.
- Đồi thường tập trung thành vùng.
c. Cao nguyên
- Cao nguyên là vùng rộng lớn, địa linh tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng, có độ cao từ 500 m đến 1000 m so với mực nước biển.
- Cao nguyên thường có ít nhất một sườn dốc đổ xuống vùng đất thấp hơn.
d. Đồng bằng
- Đồng bằng là dạng địa hình thấp, bề mặt tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng, có độ cao thường dưới 200 m so với mực nước biển. Đồng bằng có độ cao từ 200 m đến 500 m gọi là đồng bằng cao.
- Đồng bằng có hai nguồn gốc hình thành chính là bóc mòn và bồi tụ:
+ Đồng bằng bóc mòn phần lớn là do băng hà.
+ Đồng bằng bồi tụ có thể do phù sa sông, cũng có thể do phù sa biển.
2. Khoáng sản
a. Khoáng sản
- Khoáng sản: Là những khoáng vật và đá có ích được con người khai thác sử dụng.
- Mỏ khoáng sản: Là nơi tập trung nhiều khoáng sản có khả năng khai thác.
b. Phân loại khoáng sản
- Khoáng sản được phân ra làm 3 loại
+ Khoáng sản năng lượng (nhiên liệu)
+ Khoáng sản kim loại
+ Khoáng sản phi kim loại