Nội dung tài liệu
Bài 13: Đặc điểm của sinh vật và vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học
1. Đa dạng sinh vật ở Việt Nam
a) Nguyên nhân: Do nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên sinh vật nước ta phong phú và đa dạng.
b) Biểu hiện:
* Đa dạng về thành phần loài:
- Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới.
- Ở nước ta đã phát hiện hơn 50.000 loài sinh vật, trong đó có khoảng 20.000 loài thực vật, 10.500 loài động vật trên cạn. Ngoài ra, còn có rất nhiều loài động vật biển, vi sinh vật,…
* Đa dạng về nguồn gen di truyền: Trong mỗi loài lại có số lượng cá thể rất lớn, tạo nên sự đa dạng của nguồn gen di truyền.
* Đa dạng về hệ sinh thái:
- Trong hệ sinh thái tự nhiên trên cạn:
+ Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa chiếm phần lớn diện tích, bao gồm: rừng kín thường xanh, rừng thưa, rừng tre nứa, rừng trên núi đá vôi,...
+ Ở một số nơi còn có các hệ sinh thái rừng ôn đới trên núi, trảng cỏ, cây bụi,...
- Trong hệ sinh thái tự nhiên dưới nước:
+ Hệ sinh thái nước mặn điển hình ở các vùng ven biển, cửa sông là rừng ngập mặn; ở các độ sâu khác nhau lại chia thành các vùng nước với nhiều loài sinh vật biển.
+ Hệ sinh thái nước ngọt có ở sông, suối, ao, hồ, đầm,...
- Các hệ sinh thái nông nghiệp:
+ Được hình thành do hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản của con người.
+ Các hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng mở rộng, chiếm dần diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên.
2. Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam
a) Đa dạng sinh học của nước ta đang bị suy giảm
- Suy giảm hệ sinh thái: các hệ sinh thái trên cạn và dưới nước của nước ta bị suy giảm đáng kể về diện tích, số lượng và chất lượng.
+ Các hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn lại rất ít, chủ yếu là rừng thứ sinh.
+ Các hệ sinh thái rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô cũng bị giảm đáng kể do tác động của con người.
- Suy giảm số lượng cá thể, loài sinh vật:
+ Một số loài thực vật có nguy cơ cạn kiệt như các loài gỗ quý (đinh, lim, sến, táu,...).
+ Nhiều loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng như: tê giác, voi, hổ,... và một số loài chim như: vẹt ngũ sắc, sếu đầu đỏ, gà lam đuôi trắng,...
- Suy giảm nguồn gen: Sự suy giảm các hệ sinh thái đã làm giảm số lượng loài, số lượng cá thể, từ đó làm suy giảm các nguồn gen quý hiếm trong tự nhiên.
b) Nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học
- Các yếu tố tự nhiên bất lợi cho sinh vật thường là các thiên tai như bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng,...
- Tác động của con người:
+ Việc khai thác rừng để lấy gỗ, phá rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, du canh du cư,... đã làm cho diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp.
+ Việc săn bắt động vật hoang dã để phục vụ cho các nhu cầu của con người đã khiến nhiều loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.
c) Ý nghĩa của việc bảo tồn đa dạng sinh học
- Đa dạng sinh học là yếu tố quyết định tính ổn định của các hệ sinh thái tự nhiên, là cơ sở sinh tồn của sự sống trong môi trường.
- Bảo vệ đa dạng sinh học chính là bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
d) Một số biện pháp bảo vệ đa dạng sinh học ở nước ta
- Thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học ở nước ta.
- Tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Tích cực trồng cây để bảo vệ môi trường.
- Xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia nhằm bảo vệ và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên, rừng nguyên sinh và động thực vật quý hiếm.
- Xử lí chất thải của các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống của con người và các loài sinh vật,...