Nội dung tài liệu
1. Điều kiện tự nhiên
a. Hy Lạp
- Lãnh thổ Hi Lạp cổ đại rộng hơn nước Hi Lạp ngày nay bao gồm miền lục địa Hi Lạp (Nam bán đảo Ban Căng), miền đất ven bờ biển Tiểu Á và những đảo thuộc biển Êgiê. Miền lục địa Hi Lạp có tầm quan trọng nhất trong lịch sử Hi Lạp, chia làm 3 miền: Bắc, Trung và Nam Hi Lạp. Vùng đất liền ven bờ Tiểu Á trù phú, là cầu nối thế giới Hi Lạp với các nền văn minh cổ đại phương Đông.
- Bờ biển Hi Lạp: phía Đông có nhiều vịnh, nhiều cảng tự nhiên, an toàn và thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu, di chuyển. Bờ biển Tây Tiểu Á cũng thuận lợi cho tàu thuyền như vậy. Hi Lạp có nhiều đảo trên biển Êgiê, là nơi dừng chân của các tàu thuyền, tạo cầu nối giữa lục địa Hi Lạp với miền Tiểu Á. Khi các tàu thuyền di chuyển trên biển Êgiê, khoảng cách với đất liền và đảo luôn không lớn.
- Đất đai Hi Lạp nhìn chung kém màu mỡ, chỉ có một số vùng đồng bằng không lớn lắm, đất đai tương đối khô cứng, không phù hợp trồng cây lương thực mà chỉ hợp với các cây công nghiệp như nho, ô liu.
- Có nhiều mỏ kim loại: đồng, bạc, vàng; nhiều gỗ quý.
=> Hy Lạp có điều kiện phát triển nền kinh tế công thương nghiệp mậu dịch hàng hải và tiếp thu những ảnh hưởng của văn minh cổ đại phương Đông.
b. La Mã
- Nơi khởi phát của nền văn minh Roma là bán đảo Italia, một bán đảo dài và hẹp vươn ra Địa Trung Hải, với dãy Alpes về phía Bắc ngăn cách với châu Âu. Bán đảo này trên bản đồ giống như một chiếc ủng, bao bọc ba mặt Đông, Nam và Tây là biển, phía Nam bán đảo là đảo Sicilia, phía Tây là đảo Corsica và đảo Sardinia. Diện tích của bán đảo lớn gấp năm lần lục địa Hi Lạp.
- Bán đảo Italia có những điều kiện thuận lợi cho phát triển trồng trọt và chăn nuôi: những đồng bằng phì nhiêu sông Pô (miền Bắc), đồng bằng Tibrơ (Trung) và các đồng bằng trên đảo Sicilia. Ở đây, nhất là miền Nam, có nhiều đồng cỏ lớn, thuận lợi cho sự phát triển nghề nông và chăn nuôi gia súc.
- Lượng khoáng sản phong phú như đồng, chì, sắt,…, thuận lợi cho sự phát triển của thủ công nghiệp.
- Giao thông biển rất thuận lợi cho việc buôn bán. Ở bờ biển phía Nam và phía Tây có nhiều cảng thuận lợi cho tàu thuyền ra vào.
=> Những đặc điểm về tự nhiên ấy tác động mạnh mẽ tới khuynh hướng phát triển kinh tế của Roma: nền kinh tế thủ công nghiệp và thương mại phát triển, đồng thời khác với Hi Lạp, nền kinh tế nông nghiệp của Roma có nhiều điều kiện thuận lợi và đóng vai trò quan trọng.
2. Nhà nước thành bang và nền dân chủ cổ đại ở Hy Lạp
- Từ thế kỉ VIII đến thế kỉ IV TCN, ở Hy Lạp hình thành hàng trăm nhà nước nhỏ gọi là nhà nước thành bang.
- Mỗi thành bang đều lấy 1 thành thị làm trung tâm, xung quanh là vùng đất trồng trọt. Thành thị có phố xá, lâu đài, đền thờ, sân vận động, nhà hát và bến cảng.
- Aten là thanh bang quan trọng nhất, tiêu biểu cho chế độ dân chủ ở Hy Lạp cổ đại.
- Cơ cấu tổ chức của nhà nước thành bang A-ten gồm 4 cơ quan chính trong đó, cơ quan quyền lực tối cao: Đại hội nhân dân (gồm toàn bộ công dân nam từ 18 tuổi trở lên; có quyển thảo luận và biểu quyết tất cả những vấn đề hệ trọng của đất nước) và chế độ bỏ phiếu bằng vỏ sò.
* Ưu điểm:
- Nhà nước thành bang A-ten được thành lập trên cơ sở liên minh tự nguyện, bình đẳng do đó không có sự áp bức của bộ lạc này đối với bộ lạc kia.
- Tổ chức nhà nước A-ten là một thể chế dân chủ hết sức đề cao và bảo đảm những quyền lợi kinh tế, chính trị của những công dân tự do. Do đó mức độ dân chủ được phát huy cao nhất trong các thành bang của Hy Lạp là chế độ chiếm nô điển hình thời cổ đại. Vì thế, người ta cho rằng, dân chủ là sản phẩm của người Hy Lạp. (Tất cả các nam công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, giám sát, bãi miễn các viên chức trong bộ máy nhà nước qua hình thức bỏ phiếu bằng vỏ sò; tổ chức chế độ bổ nhiệm bằng bốc thăm, trả lương cho viên chức, nên những người nghèo cũng có thể tham gia chính quyền)
* Hạn chế: Nền dân chủ này chỉ dành cho một bộ phận dân cư và dựa trên cơ sở là sự bóc lột nô lệ - lực lượng đông đảo trong xã hội. Chỉ có 1 bộ phận người dân được hưởng quyền công dân, còn đa số nô lệ không có quyền)
3. Nhà nước đế chế La Mã cổ đại
- Thế kỉ I TCN, nhà nước La Mã đã dần mở rộng lãnh thổ và trở thành đế quốc rộng lớn.
- Từ năm 27 TCN, dưới thời vua Ốc-ta-vi-út, La Mã chuyển sang hình thức nhà nước đế chế.
+ Hoàng đế là người đứng đầu nhà nước đế chế và thâu tóm tất cả các quyền lực.
+ Dưới Hoàng đế là Viện nguyên lão: cơ quan quyền lực tối cao, quyết định hầu hết các công việc quan trọng của người La Mã.
+ Dưới Viện nguyên lão là Đại hội nhân dân: được coi là đại hội cổ xưa nhất của người La Mã. Thành viên của Đại hội này gồm tất cả đàn ông của 300 thị tộc, mỗi người đại diện cho một lá phiếu quyết định những vấn đề quan trọng như tuyên chiến hay nghị hòa, xét xử, tế lễ, … (nhưng chỉ là hình thức)
4. Một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của Hy Lạp và La Mã
- Chữ viết: sáng tạo chữ cái La-tinh và chữ số La Mã.
- Văn học: phong phú về thể loại như thần thoại, kịch, thơ…
- Khoa học: là quê hương của các nhà khoa học nổi tiếng như: Pi-ta-go, Ta-lét, Ác-si-mét…
- Pháp lịch: sáng tạo ra dương lịch
- Sử học: nhiều nhà sử học như He-rô-đốt, Tuy-xi-dít… với nhiều bộ sử đồ sộ.
- Điêu khắc: nhiều tác phẩm nổi tiếng như Thần vệ nữ Mi-lô, Lực sĩ ném đĩa, Nữ thần A-tê-na…
- Kiến trúc: những công trình kiến trúc đồ sộ như Đấu trường Cô-li-dê, đền Pác-tê-nông..
=> Đây là những thành tựu văn hóa rất quan trọng, đóng góp to lớn đối với nền văn minh nhân loại.