Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài giảng SVIP
I. Tiểu dẫn
1. Tác giả
a. Cuộc đời
- Sống khoảng thế kỉ XVI, chưa rõ năm sinh năm mất.
- Quê quán: huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
- Xuất thân trong gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha là Nguyễn Tường Phiêu từng đỗ Tiến sĩ và làm quan dưới triều Lê Thánh Tông từ năm 1496, nhưng không bao lâu thì từ quan lui về ẩn dật.
- Bản thân ông từng là học trò giỏi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Dữ thi đỗ Hương tiến, ra làm quan một năm rồi cũng từ quan về ở ẩn.
b. Sự nghiệp sáng tác
- Để lại tập truyện “Truyền kì mạn lục” (ghi chép tản mạn về những chuyện kì lạ lưu truyền trong dân gian)
2. Tác phẩm
a. Thể loại “truyền kì”:
- Truyền kì là thể văn xuôi tự sự thời trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ, hoang đường.
- Đặc trưng:
+ Thế giới con người và thế giới cõi âm với những thánh thần, ma quỷ có sự tương giao.
+ Đằng sau đó là những chi tiết phi hiện thực là cốt lõi của hiện thực xã hội và quan niệm, thái độ của tác giả được gửi gắm trong đó.
b. Xuất xứ:
- Nằm trong tập “Truyền kì mạn lục”
- Gồm 20 truyện ngắn – nửa đầu thế kỉ XVI.
- Nội dung:
+ Vạch trần, phê phán những tệ trạng của xã hội phong kiến đương thời.
+ Sự đồng cảm, thương xót với số phận bi thảm của con người nhỏ bé trong xã hội, trước những bi kịch tình yêu, mà thiệt thòi thường rơi vào người phụ nữ.
+ Thể hiện tinh thần dân tộc, bộc lộ niềm tự hào về nhân tài, văn hóa nước Việt. Đề cao đạo đức, nhân hậu, thủy chung và khẳng định quan niệm sống lánh đục về trong của lớp trí thức ẩn dật đương thời, trong đó có tác giả Nguyễn Dữ.
- Nghệ thuật: Là mẫu mực của thể loại truyền kì: sử dụng các yếu tố kì ảo đặc sắc.
- Vũ Khâm Lâm ở thế kỉ XVII đã khen tặng tác phẩm là: “Thiên cổ kì bút”. Tác phẩm cũng được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đánh giá cao và được lưu truyền trong văn học của các nước đồng văn.
c. Bố cục:
- Phần 1: từ đầu đến “…. chàng vẫn vung tay không cần gì cả”: Ngô Tử Văn đốt đền tên tướng giặc họ Thôi.
- Phần 2: tiếp theo đến “…. thầy cũng khó lòng thoát nạn”: Cuộc gặp gỡ giữa Ngô Tử Văn với tên tướng giặc họ Thôi và với vị Thổ công.
- Phần 3: tiếp theo đến “…Còn ngôi mộ của tên tướng giặc kia thì tự dưng thấy bị bật tung lên, hài cốt tan tành ra như cám vậy”: Cuộc đấu tranh giành công lí của Tử Văn ở âm cung.
- Phần 4: còn lại: Ngô Tử Văn được tiến cử giữ chức phán sự đền Tản Viên.
II. Tìm hiểu tác phẩm
1. Nhân vật Ngô Tử Văn
a. Sự xuất hiện gián tiếp của nhân vật
Ngô Tử Văn xuất hiện ở phần mở đầu của câu chuyện qua 2 chi tiết:
- Qua lời giới thiệu của tác giả: “Ngô Tử Văn tên là Soạn, người huyện Yên Dũng, đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được…”.
- Qua lời nhận xét của những người cùng thời: “…vùng Bắc người ta vẫn khen là một người cương trực”
-> Qua 2 lời giới thiệu trên đã tạo ấn tượng về nhân vật.
b. Sự xuất hiện trực tiếp của nhân vật
* Sự kiện 1: Ngô Tử Văn đốt đền của tên tướng giặc họ Thôi
- Sự kiện: Vào cuối đời nhà Hồ, có tên tướng giặc Bách hộ họ Thôi của giặc Minh – Bách hộ là chức quan võ chỉ huy 100 quân. Họ Thôi là tên tướng giặc của nhà Minh đã sang nước ta xâm lược cuối thời nhà Hồ. Tên giặc này tử trận gần đền thờ của vị thổ công nước Việt. Hắn đã cướp đền của Thổ công rồi tác oai tác quái trong dân gian, gây nhũng nhiễu khiến nhân dân chịu nhiều khổ cực, oan ức. Vì vậy, Ngô Tử Văn đã châm lửa đốt đền, để tiêu trừ hiểm họa cho nhân dân.
- Đánh giá về nhân vật Tử Văn:
+ Đây là một hành động dũng cảm: dám đốt đền, trừng trị hành động tác yêu tác quái của tên Bách hộ họ Thôi.
+ Đây không phải là biểu hiện của sự hung hăng, liều lĩnh nhất thời vì Tử Văn có sự chuẩn bị: “tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi mới châm lửa đốt đền.” => Tử Văn tin tưởng vào hành động của mình là chính nghĩa.
=> Ngô Tử Văn có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, tất không phải là hành động nông nổi nhất thời.
* Sự kiện 2: Cuộc gặp gỡ với tên hung thần
- Sự kiện: Sau khi đốt đền, Ngô Tử Văn lên cơn sốt nóng, sốt rét -> gặp hồn ma tên tướng giặc bại trận giả danh tên cư sĩ tìm đến. Tìm đến để:
+ Dùng nguyên lí đạo Nho để buộc tội “Nhà ngươi đã theo nghiệp nho, đọc sách vở của thánh hiền, há không biết cái đức của quỷ thần sao, cớ gì lại dám khinh nhờn hủy tượng, đốt đền, khiến cho hương lửa không có chỗ tựa nương, oai linh không có nơi hiển hiện” ->buộc tội theo nguyên lí của đạo nho thì Tử Văn là người có tội.
+ Lấy oai linh của quỷ thần để hăm dọa: “Biết điều thì dựng trả ngôi đền như cũ. Nếu không thì, vô cớ hủy đền Lư Sơn, Cố Thiệu sẽ khó lòng tránh khỏi tai vạ”
-> Mượn điển cố để đe dọa Tử Văn nếu không dựng lại đền sẽ chết như Cố Thiệu.
+ Tử Văn mặc kệ, vẫn cứ ngồi ngất ngưởng, tự nhiên. Không hề run sợ trước lời hăm dọa. -> Tử Văn rất dũng cảm, tự tin.
- Đánh giá về nhân vật Tử Văn:
+ Thái độ ung dung, thản nhiên, coi thường lời buộc tội và đe dọa của Tử Văn không phải là bất cần, liều lĩnh mà đây là thái độ tự tin của người nắm chắc trong tay sức mạnh của chính nghĩa.
+ Khi được vị Thổ Thần can ngăn, Ngô Tử Văn mới hay sức mạnh của hồn ma tên tướng giặc: tác oai tác quái khiến vị thổ thần sống lâu năm ở đây cũng phải ẩn nhẫn, lánh đi nơi khác.
Ngô Tử Văn khi ấy đã đặt câu hỏi trước vị thổ thần “Liệu hắn có thực là tay hung hãn, có thể gieo vạ cho tôi không?”, không phải là biểu hiện của sự hoang mang, sợ hãi mà là sự mưu trí, muốn biết rõ về kẻ thù, để tính kế đối phó. Đây là cơ sở để ta có thể giành chiến thắng.
* Sự kiện 3: Ngô Tử Văn bị đưa xuống cõi âm
- Sự kiện:
+ Tử Văn nhất quyết không dựng lại đền cho hồn ma tên tướng giặc -> đến đêm bệnh càng ngày càng nặng thêm, thấy có hai tên quỷ sứ mang thừng lớn, gông dài đến bắt đi rất gấp, kéo ra ngoài thành về phía Đông, giải qua cõi âm rùng rợn có gió tanh sóng ấm, hơi lạnh thấu xương, có đến mấy vạn quỷ Dạ Xoa đều mắt xanh, tóc đỏ, hình dáng nanh ác. Lẽ thường, người khác sẽ run sợ nhưng Tử Văn thì lại khác, chàng không hề run sợ. -> Tử Văn can đảm kêu to đòi xử công bằng.
“Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng.”
+ Diêm Vương chưa biết sự thật, vẫn nghĩ Tử Văn là người có tội, đã dùng uy lực của kẻ bề trên để quát mắng, đe dọa, buộc tội Tử Văn.
“Kẻ kia là một cư sĩ, trung thuần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên hoàng thiên cho được huyết thực ở một ngôi đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ, sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào?”
+ Tử Văn vẫn rất cứng cỏi tâu trình, kể lại đầu đuôi sự việc: “lời rất cửng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào: - Nếu nhà vua không tin… tôi xin chịu thêm cái tội nói càn”
=> Sau đó, Diêm Vương cho người đi chứng thực lời Tử Văn nói, biết được sự thật và xử án công bằng.
- Đánh giá về Tử Văn:
+ Tử Văn sở dĩ có thể cứng cỏi, bình tĩnh và can đảm như vậy là nhờ sự tiếp sức của vị thổ thần đất Việt.
=> Tuy nhiên sự trợ giúp này chỉ là yếu tố thứ yếu. Vì nếu nó là chính yếu thì vị Thổ Thần đã không phải chủ động đến gặp để giãi bày với Ngô Tử Văn. Chính vị Thổ thần đã phải nương tựa ở đền Tản Viên, ẩn nhẫn ngồi xó một nơi đã nhiều năm.
+ Thái độ đó có được chủ yếu là do sự dũng cảm, cứng cỏi trong bản tính của Tử Văn.
+ Thái độ đó có được xuất phát từ khát vọng muốn thực thi công lí, cũng là khát vọng chung của nhân dân, biến thành quyết tâm sắt đá để từng bước vạch mặt tên hung thần, đòi lại công lí.
c. Chiến thắng cuối cùng
- Diệt trừ tận gốc cái ác, mang lại an lành cho nhân dân.
+ Cái ác: các phán quan hoặc bị lấp tai che mắt, hoặc do làm việc quan liêu hoặc ăn của đút lót… bị Diêm Vương mắng mỏ, kết tội.
“Lũ các ngươi chia tòa sở, giữ chức sự, cầm lệnh chí công, làm phép chí công, thưởng thì xứng đáng mà không thiên vị, phạt thì đích xác mà không nghiệt ngã, vậy mà còn có sự dối trá càn bậy như thế; huống chi về đời nhà Hán, nhà Đường buôn quan bán ngục, thì những mối tệ còn nói sao hết được.”
+ Tên hung thần Bách hộ họ Thôi bị đày xuống ngục Cửu U: “Liền sai lấy lồng sắt chụp vào đầu, khẩu gỗ nhét vào miệng, bỏ người ấy vào ngục Cửu U.”
-> Hình phạt nặng nề nhất cho tội ác ghê gớm nhất.
=> Niềm tin vào chân lí: chính nghĩa nhất định thắng gian tà, kẻ gieo gió ắt gặt bão.
- Diệt trừ tận gốc thế lực xâm lược tàn bạo.
+ Hồn ma tên Bách hộ họ Thôi:
Khi còn sống hắn chính là tên tướng giặc cướp nước.
Khi chết: hồn ma xâm chiếm đền miếu, cướp nơi ở của vị Thổ Thần, hưng yêu tác quái, gây nhũng nhiễu cho nhân dân.
+ Khôi phục lại danh vị cho vị Thổ thần nước Việt.
=> Tác giả tiếp tục thể hiện tinh thần dân tộc sâu sắc.
- Bản thân Tử Văn được đền bù xứng đáng:
+ Được Diêm Vương sai lính đưa trở về cõi dương thế. (Tử Văn chết oan, được DV cho trở về dương thế, gặp lại và kể câu chuyện kì lạ ấy cho con cháu nghe)
+ NTV có công trừ hại -> được chia 1 nửa xôi lợn của dân cúng tế với vị Thổ thần.
+ Được vị Thổ thần tiến cử giữ chức phán sự đền Tản Viên.
-> khẳng định đạo lí: ở hiền gặp lành, gieo nhân nào gặp quả ấy.
-> khiến người đọc hả hê, khơi gợi niềm tin với người đọc.
2. Bức tranh hiện thực và tiếng nói phê phán
a. Bức tranh hiện thực
- Bối cảnh câu chuyện: thời kì giặc Minh sang xâm lược nước ta. (1407 – 1427).
- Thời điểm viết tác phẩm: Nguyễn Dữ viết tác phẩm vào nửa đầu thế kỉ XVI.
+ Triều đình phong kiến bắt đầu đi vào suy thoái.
+ Nội chiến Lê – Mạc: Nhà Mạc ướp ngôi nhà Lê, Tướng của nhà Lê là Nguyễn Kim đã đưa con của vua Lê lên ngôi hòng phù Lê, giặc Minh cũng vin cớ "Phù Lê diệt Mạc" mà kéo quân xâm lược nước ta.
- Phơi bày những bất công ngang trái trong xã hội:
+ Kẻ ác thì lộng hành, sung sướng; người ở hiền, lương thiện lại phải chịu oan khuất.
+ Thánh thần ăn của đút để bênh vực cho kẻ ác: Đền miếu đều tham của đút, bênh vực cho hung thần khiến cho "rễ ác mọc lan".
+ Diêm Vương và các phán quan đại diện cho cán cân công lí bị lấp tai, che mắt.
b. Tiếng nói phê phán
- Hồn ma tên tướng giặc bại trận: tham lam, xảo quyệt, hung ác.
+ Khi sống, là tướng giặc cướp nước.
+ Khi chết, hồn ma vất vưởng ở nước Nam vẫn không từ bỏ giã tâm xâm lược, đã chiếm đền miếu, giả danh thổ thần đất Việt.
+ Khi NTV châm lửa đốt đền đã hắn tìm đến, dùng luận lí đạo nho để kết tội, dùng oai linh thánh thần để hăm dọa. -> Kiện ở âm phủ, đẩy Ngô Tử Văn vào cõi chết, khiến chàng bị xếp vào hàng tội sâu ác nặng, không được khoan giảm.
+ Khi xuống dưới âm phủ, trước Diêm Vương đã buộc tội Tử Văn: “Ấy là trước Vương phủ mà hắn còn ghê gớm như thế, mồm năm miệng mười, đơm đặt bịa tạc. Huống hồ ở một nơi đền miếu quạnh hiu hắn sợ gì mà không dám cho một mồi lửa”.
-> Sau đó hắn tìm cách xoa dịu sự thật khi Tử Văn đưa ra lí lẽ và chứng cứ.
=> Tên hung thần bị kết tội, đày cuống ngục Cửu U.
- Thánh thần ở cõi âm:
+ Tham lam, bao che cho cái ác hoành hành: những thánh thần ở các đèn miếu gần quanh đền của vị Thổ thần.
+ Người nắm giữ cán cân công lí làm việc quan liêu, không biết sự thực, bị lấp tai che mắt. -> Đẩy nhân dân vào tình cảnh khốn cùng.
-> Bài học răn dạy dành cho những người nắm chức quyền trong tay: phải công tâm và làm việc có hiệu quả.
III. Tổng kết
1. Giá trị nội dung
- Đề cao tinh thần khảng khái, cương trực dám đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn – một trí thức nước Việt.
- Thể hiện niềm tin vào công lí, chính nghĩa nhất định thắng gian tà.
2. Đặc sắc nghệ thuật
- Sử dụng kết hợp yếu tố kì và yếu tố thực:
+ Yếu tố kì ảo -> tăng sức hấp dẫn cho câu chuyện. (cõi âm, khi chết Ngô Tử Văn làm quan)
+ Yếu tố thực -> tăng sức thuyết phục cho các sự kiện và nhân vật được kể.
- Xây dựng cốt truyện giàu kịch tính. -> tạo sức lôi cuốn.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây