Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bình giảng SVIP
ĐỘC TIỂU THANH KÍ
Đề bài: Bàn về tiếng khóc của Nguyễn Du trong “Độc Tiểu Thanh kí”, có ý kiến cho rằng “Đó là tiếng khó xót thương cho số phận người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh.” Ý kiến khác lại cho rằng “Đó là tiếng khóc Nguyễn Du dành cho chính mình và khát khao tri âm”.
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về hai ý kiến trên.
Mở bài:
Trong tiết thanh minh, đứng trước nấm mộ Đạm Tiên lạnh lùng hương khói, Thúy Kiều ngậm ngùi, băn khoăn:
Rằng hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu
Nỗi niềm tưởng thế mà đâu
Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
Viết “Truyện Kiều”, Nguyễn Du nói lên mối đồng cảm sâu xa với những người phụ nữ hồng nhan đa truâ, tài hoa bạc mệnh, Chủ đề này còn nhiều lần trở đi trở lại trong thơ chữ Hán của ông. Trong đó cò bài “Độc Tiểu Thanh kí”. Đó là nỗi niềm của chính Nguyễn Du với cuộc đời nhiều nước mắt của Tiểu Thanh. Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh cũng định mệnh như Thúy Kiều đến với Đạm Tiên. Thúy Kiều và Đạm Tiên là cuộc gặp gỡ của hai người cùng có tên trong sổ đoạn trường. Nguyễn Du và Đạm Tiên cách biệt âm dương, sự cách biệt về khoảng thời gian vời vợi: ba tram năm lẻ nhưng họ lại có cùng một tâm thế, cùng một cảnh ngộ. Bởi vậy, tiếng khóc của Nguyễn Du trong “Độc Tiểu Thanh kí” vừa là tiếng khóc cho người vừa là tiếng khóc cho mình và khát khao tri âm.
Thân bài
1. Giới thiệu khái quát
Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa lớn của thế kỉ XVIII-XIX, toàn bộ sáng tác của ông đều chan chứa tình yêu thương đối với con người, nhất là những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh. Nguyễn Du đã từng đi sứ Trung Quốc (trong khoảng 1813-1814). Có nhiều giả thiết cho rằng Nguyễn Du viết bài thơ khi ông qua Hàng Châu, đứng trước cảnh Tây Hồ, trước mộ nàng Tiểu Thanh, cũng có ý kiến lại cho rằng bài thơ chỉ là cảm hứng từ việc đọc sách viết về thân thế của nàng. Tương truyền Tiểu Thanh là một cô gái Trung Quốc có tài và có sắc, sống vào đầu thời Minh. Vốn thông minh, từ nhỏ cô đã thông hiểu nhiều môn nghệ thuật như thi ca, âm nhạc. Năm 16 tuổi, cô làm lẽ một nhà quyền quý. Vợ cả là người hay ghen, bắt cô sống trên Cô Sơn, cạnh Hồ Tây. Vì đau khổ, cô sinh bệnh rồi chết khi mới ở tuổi 18. Cô gửi gắm nỗi uất ức vào thơ nhưng nhiều bài thơ đã bị vợ cả đốt, may mắn có một số bài còn sót lại.
2. Giải thích
“Độc Tiểu Thanh kí” là bài thơ gửi gắm tâm sự đồng cảm dành cho những người phụ nữ có tài, có sắc nhưng có số phận đau khổ. Cùng với Tiểu Thanh, đó là Dương Quý Phi, là Đạm Tiên, là Thúy Kiều, là người phụ nữ gảy đàn ở thành Thăng Long… Nhưng đề tài người phụ nữ lại nằm trong một phạm vi quan tâm rộng hơn đó là vấn đề thân phận những người tài năng nói chung. Nguyễn Du cũng từng viết về những con người tài năng nói chung. Nguyễn Du cũng từng nói về những con người bất hạnh mà có tài trong lịch sử như Đỗ Phủ, Khuất Nguyên, Giả Nghị… Vì thế, từ chỗ tương đồng với số phận của những người phụ nữ tài sắc mà cụ thể là nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du thấy được số phận của chính bản thân ông – một con người tài năng văn chương mà cuộc đời cũng trải qua nhiều thăng trầm biến chuyển, phải chịu cảnh lưu bạt khắp nơi suốt 10 năm. Nhà thơ khóc cho Tiểu Thanh cũng là cách thương cảm cho chính mình, cho những nhà nho như mình. Có thể nói Nguyễn Du là nhà thơ thuộc thế hệ những nhà thơ đầu tiên của Việt Nam nghĩ về thân phận những người nghệ sĩ trong xã hội phong kiến. Ông bắt đầu quan tâm đến con người ở phương diện tinh thần, con người với tư cách là chủ nhân của những giá trị tinh thần như thi ca, âm nhạc… Chia sẻ thân phận bất hạnh của họ, Nguyễn Du thực chất đã đòi xã hội phải biết trân trọng tài năng, trân trọng những người làm ra các giá trị văn hóa tinh thần. Những thân phận phụ nữ tài hoa, nhan sắc không chỉ là đối tượng để nhà thơ cảm thông mà còn là đối tượng để nhà thơ kí thác những nỗi niềm của mình, của lớp nghệ sĩ như mình.
3. Phân tích, chứng minh
3.1. Tiếng khóc xót thương cho số phận người phụ nữ có tài văn chương mà bất hạnh
Đọc bài thơ, bất cứ ai cũng nhận thấy tiếng khóc Nguyễn Du trước hết hướng tới số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh với nỗi niềm cảm thương dào dạt:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Tây Hồ trước đây vốn là nơi huy hoàng, thịnh vượng. Câu thơ thể hiện triết lí, sự nhìn nhận khái quát về thời cuộc: sự suy tàn, đổ nát của thời đại (xưa là vườn hoa đẹp, nay thành gò hoang trơ trụi, tiêu điều, tang thương). Sự biến dạng triệt để này được diễn đạt xót xa qua từ “tẫn”: biến đổi hết đến tận cùng, triệt để, thay đổi hết không còn xót lại một dấu vết gì. Sự đối nghịch gay gắt giữa quá khứ và hiện tại gợi lẽ đời dâu bể, đồng hiện quá khứ và hiện tại làm tăng thêm tính chất đối lập giữa sắc đẹp dồi dào và sự sống quá ngắn ngủi diễn ra như một thứ vòng quay vô thức mà nghiệt ngã vô cùng. Câu thơ thể hiện nỗi buồn thương thế thái nhân tình, sự biến đổi cảnh vật trong dòng chảy thời gian. Chứa đựng sự xót xa, thương cảm cho cái đẹp bị tàn phá, vùi dập, hủy hoại phũ phàng. Câu thơ mang màu sắc triết lí mà chính Nguyễn Du đã trải nghiệm trong “Truyện Kiều”:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Sự biến thiên dâu bể thật nghiệt ngã. Theo điển cố “thương hải tang điền”, cứ ba mươi năm biển lại biến thành bãi dâu một lần, ba mươi năm sau bãi dâu lại biến thành biển. Nguyễn Du đứng trước cảnh Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang, ông cũng không thể không xót xa cho sự biến thiên dửng dung lạnh lùng của tạo hóa. Đặc biệt, sự biến thiên ấy lại nhằm vào cái đẹp. Viết câu thơ này, chắc chắn Nguyễn Du không chỉ thổn thức trước vẻ đẹp của quá khứ bị tiêu tan, tàn lụi trước năm tháng thời gian. Dường như nhà thơ còn ngầm ý muốn đặt bi kịch, số phận người con gái trong mối quan hệ gắn kết với sự tàn lụi của thời đại. Điều này được triển khai cụ thể ở các dòng tiếp theo:
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tiếng khóc của Nguyễn Du khởi phát từ nhất chỉ thư (mảnh giấy). Mảnh giấy là vật chứng lưu kí bao tâm sự của một con người. “Mảnh giấy” khác so với “quyển”. Mảnh giấy tàn trước cửa sổ ám chỉ số phận chóng tàn, mỏng manh, khái quát về số phận, giá trị tinh thần bị hủy hoại, quên lãng, vùi dập, đương nhiên, trong đó có Tiểu Thanh. Qua “mảnh giấy tàn” Nguyễn Du thấy được một cuộc đời, một số phận, hiểu được sự oan khuất của Tiểu Thanh khi còn sống, và khi đã chết, nghe được tiếng khóc của nàng sau ba trăm năm. Người nghệ sĩ đa mang không khóc thương cho những cái trọn vẹn, đầy đặn mà lại xúc động trước cái mong manh, dở dang gắn liền với số phận của con người bạc mệnh. Chữ “độc” đứng đầu dòng thơ nhấn mạnh tâm thế của tác giả - đó là tâm thế xót thương trong nỗi cô đơn. Người chết cô đơn, người đến viếng cũng cô đơn. Ở một phương diện nào đó, dường như số phận hai con người không quen biết ấy vô tình đến với nhau trong phút tri ngộ tâm giao. Con người trong trang sách và con người đang đọc sách dường như đang âm thầm lắng nghe trong những tiếng nức nở thổn thức tự trong lòng. Cái thổn thức của Nguyễn Du cất lên không chỉ ở lòng thương người mà còn chính là sự đồng điệu tâm hồn, tạo nên sự ứng nghiệm, giao cảm giữa âm và dương, xưa và nay. Chỉ riêng một mình nhà thơ thấm thía về cuộc đời, thân phận mong manh của con người. Suy cho rộng, Tiểu Thanh chính là cái cớ để Nguyễn Du thể hiện triết lí của mình về tài mệnh tương đố. Nói như vậy cũng có nghĩa Nguyễn Du không chỉ khóc thương riêng cho người con gái họ Phùng mà còn khóc cho biết bao thân phận phụ nữ khác.
Nếu như dòng thơ đầu khái quát về sự hoang tàn, đổ nát của thời đại thì dòng thơ thứ hai nói lên thân phận của con người trong thời đại ấy. Đó chính là mỗi tương liên giữa số phận, cuộc đời người con hái này với cuộc biến thiên dâu bể. Từ quy luật mang tầm khái quát lớn lao, Nguyễn Du đã đi vào trường hợp cụ thể của cuộc đời nàng:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Tiếng khóc của Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh hướng tới hai giá trị cụ thể là chi phấn (son phấn) và văn chương biểu trưng cho vẻ đẹp hình sắc và cái đẹp tâm hồn. Khi ở Tây Hồ, trong đau đớn uất ức nàng vẫn gẩy đàn làm một số bài thơ để kí thác tâm tình. Trước khi chết Tiểu Thanh có nhờ một họa sĩ đến vẽ một bức chân dung. Tiểu Thanh bảo họa sĩ cầm bút đứng cạnh còn nàng đọc sách, ngâm thơ, ngắm cảnh để họa sĩ truyền hết được vào tranh cái thần thái diễm lệ, mảnh mai khiến bức tranh vừa có thần vừa sinh động. Họa sĩ ra về, nàng bật khóc, lệ rơi tầm tã mà rằng: Tiểu Thanh ơi Tiểu Thanh, chẳng nhẽ duyên phận ngươi lại ở chốn này sao? Nàng gào khóc một thôi thì tắt thở. Khi đó nàng mới 18 tuổi. Tiểu Thanh là người con gái có nhan sắc và hết sức tài hoa để rồi son phấn có thần nên vẫn phải ôm hận kể cả sau khi chết, văn chương không có thân mệnh cụ thể nhưng phải chịu sự hành hạ, phải mang lụy. Đó là cách chúng ta diễn giải để hiểu hơn về hai dòng thơ này. Son phấn là thân xác, nó phải chịu nỗi đau tinh thần sau khi chết, văn chương là tinh thần nhưng phải chịu nỗi đau thể xác. Như vậy, cái đẹp nói chung đều phải chịu đựng sự chà đạp. Nỗi đau thể xác và bi kịch tinh thần được đồng nhất trong số phận oan nghiệt của một cuộc đời. Lời thơ đong đầy nỗi niềm tiếc thương, xót xa, đau đớn. Phép đối càng khiến nỗi đau trở nên dai dẳng, đớn đau.
3.2. Tiếng khóc Nguyễn Du dành cho chính mình và khao khát tri âm
Sức khái quát của lời thơ, tình yêu thương mênh mông Nguyễn Du dành cjo những cuộc đời bất hạnh không chỉ dừng lại ở đó:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kì oan ngã tự cư
Cổ kim hận sự là nỗi hờn về sự bất công của số phận. Nhà thơ khó hỏi trời được và hướng sự lí giải ngay trong cuộc sống. Mệnh trời là một lẽ, yếu tố quan trọng còn là lòng người. Cái tài, cái sắc ấy có được xã hội ưng thuận thì mới được “thanh cao”, nếu đã làm mất lòng rồi thì lập tức sẽ bị triệt tiêu, vùi dập. Tài mệnh tương đố, hay chính lòng người đố kị, hồng nhan bạc mệnh hay chính nhân tình bạc bẽo. Kẻ muốn vươn lên ắt hẳn sẽ bị đạp xuống, kẻ muốn phá hoại trật tự, ắt sẽ bị cái trật tự ấy phá hủy. Trời không muốn và lòng người cũng không dung thứ cho những tài, sắc và tình phi thường. Nhà thơ nhận thức về quy luật tài hoa bạc mệnh, tài tử đa cùng, người có tài hoa, trí tuệ thì số phận long đong. Đó là nỗi vấ công ngự trị từ xưa đến nay, là bi kịch đã được khái quát hóa, được đồng nhất. Đến đây, có thể cảm nhận rất rõ ràng: tiếng khóc của Nguyễn Du trong “Độc Tiểu Thanh kí” không chỉ hướng tới cuộc đời, số phận cụ thể là nàng Tiểu Thanh mà còn hướng tới tất cả những người tài hoa, phong nhã, không phân biệt nam hay nữ. Tiếng khóc ấy không chỉ chan chứa yêu thương mà còn rất chân thành, xúc động bởi lẽ tác giả đã tự đặt mình vào thế giới của những kẻ phong vận kia. Điều đó chứng tỏ người nghệ sĩ của chúng ta ý thức rất rõ về bản thân mình. Ông nhận mình cũng là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh. Số phận của Nguyễn Du, Tiểu Thanh đều bất hạnh như nhau. Tự nhận là người cùng hội cùng thuyền cũng có nghĩa là nhà thơ thừa nhận sự tri âm, đồng điệu giữa những con người tài hoa bạc mệnh. Chứng kiến những bi kịch của con người tài hoa, nhan sắc thì càng truân chuyên, bất hạnh nên tiếng khóc của Nguyễn Du không phải là tiếng khóc của đấng tu mi nam tử đoái thương cho số phận đàn bà mà là tiếng khóc của người trong cuộc, của những người cùng một lứa bên trời lận đận. Chưa ai trả lời cho Nguyễn Du được nguyên nhân của bi kịch đó để rồi khóc cho người thiên cổ, nhà thơ đoái thương cho chính bản thân mình:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Từ hiện tại, Nguyễn Du khóc thương cho quá khứ, cho người trong quá khứ. Và bất chợt nhà thơ tự hỏi ba trăm năm sau ai sẽ khóc thương mình. Thương người, ngẫm bi kịch của người khác, khóc cho người rồi thương chính bản thân mình, điều đó cho thấy nhà thơ đã tự đặt mình vào số phận chung của những tấn bi kịch. Tiểu Thanh bạc mệnh nhưng ba trăm năm sau cũng có người cùng hội cùng thuyền là Nguyễn Du thương xót. Nỗi đau của nàng đã được xoa dịu một chút nơi chín suối. Nhưng liệu rằng điều đó có lặp lại với ông? Ba trăm năm chỉ là con số ước lệ. Tri âm, tri kỉ đâu cần đến ba trăm năm mới xuất hiện? Đọc thơ văn Nguyễn Du, cảm nhận sâu sắc tấm lòng vị tha, đa mang của nhà thơ trước cuộc đời, trước con người, bất cứ ai chẳng đồng điệu, chẳng muốn tri âm với ông. Phải chăng trong thực tại ông bơ vơ cô đơn không người tri âm tri kỉ, ôm mối hận của những người tài hoa bạc mệnh giữa cõi đời. Bởi xã hội phong kiến thời đó đã chà đạp lên nhân phẩm, tha hóa mọi tính cách và làm tan rã mọi giá trị cao đẹp của con người. Chính vì vậy, Nguyễn Du phải hướng về tương lai để hi vọng, để tìm kiếm một tấm lòng tri kỉ, để cảm thông, để hiểu tận cùng nỗi xót xa của ông như ông đã từng hiểu tận cùng nỗi đau của Tiểu Thanh vậy. Lời thơ vừa hi vọng vừa tuyệt vọng, vừa cô đơn vừa kiếm tìm. Mở đầu bài thơ là thương người, kết thúc bài thơ là thương thân. Ông đã dành cho mình một câu hỏi lớn. Nhà thơ đang hỏi mình, hỏi đời hay chính là nhà thơ đang đưa ra một lời phê phán về tính chất phi lí của những thân phận tài hoa. Tấm lòng nhân đạo lớn lao, con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời của Nguyễn Du. Bởi ông không những khóc thương cho những kiếp tài hoa bạc mệnh đương thời, trong đó có cả chính ông mà còn khóc cho người đời sau phải khóc mình (kiếp tài hoa bạc mệnh vẫn còn trong tương lai). Nỗi băn khoăn đó đã tìm được sự tri âm của bao thế hệ người Việt Nam sau này. Đặc biệt Tố Hữu nhà thơ của thế kỉ XX đã có những tiếng khóc đồng cảm với tâm sự của đại thi hào:
Nhân tình nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như
“Độc Tiểu Thanh kí” là bài thơ xúc động. Người đọc được lắng nghe một tiếng khóc đầy đớn đau, nhức nhối, được chứng kiến một tấm lòng nhân đạo hết sức cao cả của người nghệ sĩ tài hoa đa truân. Nguyễn Du đâu chỉ khóc cho Tiểu Thanh, ông còn khóc cho bao số kiếp hồng nhan bạc mệnh, tài tử đa cùng như nàng, khóc cho quá khứ, hiện tại, tương lai, và khóc cho chính bản thân mình. Trái tim người nghệ sĩ đa cảm này dường như cả cuộc đời chỉ biết đập cho người khác vậy.
Kết luận
Từ mối hận của Tiểu Thanh, Nguyễn Du bàn về nỗi oán hận triền mien và bế tắc của những kiếp tài hoa xưa và nay, coi đó là một định mệnh mà họ phải gánh chịu, đồng thời thấy mình cũng mang mối oán hận của người trong cuộc, tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã. Nguyễn Du đã chuyển cảm xúc về tự thương – nét mới mang tinh thần nhân bản của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn thế kỉ XVIII- nửa đầu thế kỉ XIX – thời đại con người không chỉ ý thức về nhân phẩm, về tài năng cá nhân mà còn thức tỉnh về nỗi đau của chính mình, dấu hiệu của cái tôi cá nhân. Quy luật vận động tâm lí đó cho thấy Nguyễn Du có sự đồng cảm đến mức tri âm với Tiểu Thanh và những người tài hoa bạc mệnh bất hạnh nói chung.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây