Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề số 1 SVIP
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4 ĐIỂM)
Đọc đoạn trích sau:
Sáng nay cũng là Chủ nhật, trời cũng sau một cơn mưa. Không gian êm ả, nếu không có tiếng máy bay thô bạo xé nát bầu trời thì không có gì khác đâu ngoài tiếng suối rì rào chảy! Nơi mình ở lại vừa qua một trận bom – chiều hôm kia hai chiếc Moran hai thân quần mãi rồi phóng rocket xuống… Nghe rocket nổ mọi người vội lật đật xuống hầm, nghe bom rít trên đầu mình tưởng chúng thả ở quả đồi trước mặt, nhưng sau bốn loạt bom, mọi người mới hốt hoảng nhận ra rằng bom nổ cách mình chỉ không đầy hai mươi mét. Cả một vùng cây trơ trọi, nylon che trên nhà rách tan nát và bay tơi tả từng mảnh. Từng cây cột bị mảnh bom tiện xơ xác. Đất đá rơi đầy hầm! May mắn là không ai bị thương. Sau trận bom, mọi người nhận định điểm này đã bị lộ, vội lập tức triển khai tìm điểm khác làm nhà để chuyển đi.
Số lực lượng mạnh khoẻ đã đi hết, để lại năm thương binh nặng cố định và bốn chị em nữ. Chiều hôm qua trời mưa như trút nước, bọn mình đem nylon trải kín mặt nền nhà vậy mà nước vẫn đổ xuống giàn giụa. Trong nhà lênh láng nước, đứa nào đứa nấy ướt sũng, luôn tay hứng mưa dột và đổ nước ra ngoài. Mấy thương binh ngồi co ro ướt lướt thướt.
Nhìn những cảnh đó mình cười mà nước mắt chực trào ra trên mi. Tiếng chị Lãnh hỏi mình: “Có ai biết cảnh này cho không?”. Ai biết? Chắc nhiều người biết nhưng cũng không ai biết cho tường tận. Và mình, mình cũng không biết hết còn bao nhiêu cảnh khổ hơn nữa trong cuộc kháng chiến quyết liệt này. Sinh tử không thể nào mà ghi hết, mà có lẽ cũng không nên nói hết để làm gì. Những lá thư mình viết cũng không bao giờ kể hết với những người thân yêu về tất cả nỗi khổ mình đã trải qua. Kể để làm gì cho người thân yêu của mình thêm lo lắng.
(Trích Nhật kí Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể loại của đoạn trích trên.
Câu 2. Trong đoạn trích trên, cảnh vật và con người hiện lên như thế nào sau “bốn loạt bom”?
Câu 3. Nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn trích trên.
Câu 4. Nhận xét một phẩm chất nổi bật của Đặng Thùy Trâm trong đoạn trích trên.
Câu 5. Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với hoà bình dân tộc.
Hướng dẫn giải:
Câu | Nội dung | Điểm |
1 | Thể loại: Nhật kí. | 0.5 |
2 | Qua "bốn loạt bom", cảnh vật và con người hiện lên như sau: Cả một vùng cây trơ trọi, nylon che trên nhà rách tan nát và bay tơi tả từng mảnh. Từng cây cột bị mảnh bom tiện xơ xác. Đất đá rơi đầy hầm! May mắn là không ai bị thương. | 0.5 |
3 |
HS chỉ ra được các từ ngữ, hình ảnh, câu văn thể hiện biện pháp tu từ. HS nêu được tác dụng của biện pháp tu từ đó. Ví dụ: – Biện pháp tu từ so sánh: Chiều hôm qua trời mưa như trút nước, bọn mình đem nylon trải kín mặt nền nhà vậy mà nước vẫn đổ xuống giàn giụa. – Tác dụng: + Khắc hoạ sự vất vả, khó khăn của những chiến sĩ trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. + Qua đó khẳng định sự dũng cảm, can đảm, tấm lòng yêu nước, căm thù giặc của những người chiến sĩ Việt Nam. |
1.0 |
4 | HS chỉ ra và nhận xét một phẩm chất nổi bật của Đặng Thuỳ Trâm trong đoạn trích, có thể theo hướng: Phẩm chất kiên cường, dũng cảm là một phẩm chất nổi bật của Đặng Thuỳ Trâm. Chị cùng đồng đội hứng chịu những trận mưa bom bão đạn, chị không dám kể cho những người thân yêu vì sợ họ lo lắng. Phẩm chất này đã chứng minh chị là một người chiến sĩ thực thụ, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. | 1.0 |
5 | HS trình bày suy nghĩ của mình về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với hoà bình dân tộc, có thể theo hướng: Ngày nay, đất nước đã hoà bình nhưng vẫn còn rất nhiều thế lực thù địch lăm le xâm lược nước ta. Thế hệ trẻ cần ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với hoà bình dân tộc. Trách nhiệm đó thể hiện ở tinh thần yêu chuộng hoà bình, tích cực tham gia các hoạt động vì hoà bình,... | 1.0 |
II. PHẦN VIẾT (6 ĐIỂM)
Câu 1. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận của anh/chị về nhân vật “tôi” trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu.
Câu 2. Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề áp lực đồng trang lứa đối với giới trẻ hiện nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn: – Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn. – Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu cảm nhận nhân vật “tôi” trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu. | 0.25 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: – Xác định được các phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: + Nhân vật “tôi” là một chiến sĩ dũng cảm; có khát vọng sống, cống hiến mãnh liệt; có những nhận thức sâu sắc về sự hi sinh thầm lặng,… + Nghệ thuật miêu tả nhân vật: thể loại nhật kí chân thực; giọng văn trữ tình, giàu cảm xúc; ngôn ngữ mộc mạc, giản dị,… – Sắp xếp được hệ thống ý phù hợp với đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn. |
0.5 |
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. |
0.5 |
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn. | 0.25 |
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.25 |
Câu 2.
Nội dung | Điểm |
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội. | 0.25 |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: áp lực đồng trang lứa đối với giới trẻ hiện nay. | 0.5 |
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận: – Xác định được các ý chính của bài viết. – Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận: * Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề. * Triển khai vấn đề nghị luận: + Giải thích vấn đề nghị luận: Thế nào là áp lực đồng trang lứa? (Áp lực đồng trang lứa là cảm giác tự ti, áp lực khi cảm thấy mình thua kém hơn bạn bè cùng trang lứa.) + Thể hiện quan điểm của người viết: ++ Nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa. (mong muốn được thể hiện bản thân, được công nhận; tâm lí sợ hãi, lo ngại khi thua kém người khác;…) ++ Tính hai mặt của áp lực đồng trang lứa. (tích cực: thúc đẩy mỗi người luôn không ngừng nỗ lực; tiêu cực: tạo ra tâm lí lo âu, tự ti; bất chấp tất cả để chạy theo những điều không đáng,…) ++ Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa. (luôn tin vào bản thân, xây dựng các mối quan hệ đồng trang lứa lành mạnh, tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh,…) |
1.0 |
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: – Lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận. – Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý. – Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng. Lưu ý: Thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. |
1.5 |
đ. Diễn đạt: đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết trong đoạn. | 0.25 |
e. Sáng tạo: thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. | 0.5 |