Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 1 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA
Những cuộc chia lìa khởi tự đây,
Cây đàn sum họp đứt từng dây.
Những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc,
Lần lượt theo nhau suốt tối ngày...
Có lần tôi thấy hai cô bé,
Sát má vào nhau khóc sụt sùi.
Hai bóng chung lưng thành một bóng,
“- Đường về nhà chị chắc xa xôi?”
Có lần tôi thấy một người yêu,
Tiễn một người yêu một buổi chiều,
Ở một ga nào xa vắng lắm!
Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu.
Hai chàng tôi thấy tiễn chân nhau,
Kẻ ở sân toa, kẻ dưới tàu,
Họ giục nhau về ba bốn bận,
Bóng nhoà trong bóng tối từ lâu.
Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài,
Chị mở khăn giầu, anh thắt lại:
“- Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!”
Có lần tôi thấy một bà già,
Đưa tiễn con đi trấn ải xa.
Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng,
Lưng còng đổ bóng xuống sân ga.
Có lần tôi thấy một người đi,
Chẳng biết vì đâu, nghĩ ngợi gì!
Chân bước hững hờ theo bóng lẻ,
Một mình làm cả cuộc phân ly.
Những chiếc khăn mầu thổn thức bay,
Những bàn tay vẫy những bàn tay,
Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
Buồn ở đâu hơn ở chốn này?
(Nguyễn Bính, theo thivien.net)
Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trình bày ngắn gọn):
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Bài thơ viết về đề tài nào?
Câu 3. Xác định biện pháp tu từ được sử dụng xuyên suốt bài thơ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó?
Câu 4. Xác định vần và kiểu vần được gieo trong khổ thơ cuối của văn bản.
Câu 5. Phát biểu chủ đề và mạch cảm xúc của văn bản.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: thơ bảy chữ.
Câu 2.
Đề tài: những cuộc chia ly.
Câu 3.
- HS chỉ ra được biện pháp tu từ liệt kê được tác giả sử dụng xuyên suốt trong văn bản khi chỉ ra những cuộc chia ly trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
- Tác dụng: khắc họa chân thực những cuộc chia ly trong những hoàn cảnh khác nhau, từ đó tô đậm nỗi buồn sâu sắc của những cuộc chia ly trên sân ga.
Câu 4.
- HS chỉ ra được vần được gieo: vần “ay” trong “bay” - “tay” - “này”.
- HS xác định được kiểu vần được gieo: “bay” -“tay” thuộc kiểu vần liền, “tay” - “này” thuộc kiểu vần cách
Câu 5.
- Chủ đề: nỗi buồn của những cuộc chia ly trên sân ga.
- Mạch cảm xúc: xuyên suốt bài thơ là nỗi buồn da diết, sâu sắc của những cuộc đưa tiễn trên sân ga.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích bài thơ Những bóng người trên sân ga.
Câu 2. (4 điểm)
Nhà thơ Mỹ Robert Frost từng viết: Trong rừng có nhiều lối đi/ Và tôi chọn lối đi chưa có dấu chân người. Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về sự chủ động trong việc lựa chọn lối đi riêng, sáng tạo trong cuộc sống.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích bài thơ Những bóng người trên sân ga.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Về hình thức: chú ý phân tích thể thơ, cách gieo vần, giọng thơ, nhịp thơ, các hình ảnh thơ,…
+ Về nội dung:
- Phân tích những cuộc chia ly trên sân ga: đó là cuộc chia ly giữa hai chị em, đôi trai gái, hai vợ chồng, hai mẹ con, thậm chí là có những người không có người đưa tiễn. Cùng chung cảnh ngộ chia ly trên sân ga, những cuộc chia ly đều mang nặng những nỗi buồn da diết.
- Nhận xét về nhan đề, đề tài, chủ đề, cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
- Đánh giá về tài năng nghệ thuật của Nguyễn Bính: cái nhìn tinh tế, tâm hồn rung cảm sâu sắc.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự chủ động trong việc lựa chọn lối đi riêng, sáng tạo trong cuộc sống.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Con người cần chủ động lựa chọn lối đi riêng, mới mẻ vì mỗi người có một cái nhìn riêng về cuộc sống. Việc chủ động chọn lựa con đường không có dấu chân người sẽ giúp cho chúng ta tránh được lối mòn cũ kĩ, lạc hậu, lỗi thời.
+ Cách chọn lựa lối đi riêng: phù hợp với lĩnh vực hoặc năng lực của bản thân.
+ Ý nghĩa của việc lựa chọn lối đi riêng: giúp cho con người trở nên chủ động, linh hoạt, phát huy tối đa năng lực, sở trường, hạn chế sở đoản; tôi rèn bản lĩnh và ý chí; nâng cao khát vọng,… tức là nâng cao giá trị bản thân và giá trị sự sống; góp phần làm cho cuộc sống thêm phong phú và phát triển.
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại tầm quan trọng của việc lựa chọn lối đi riêng đối với học sinh hiện nay.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.