Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 3 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
Nghe lời khuyên nhủ thong dong,
Đành lòng Sinh mới quyết lòng hồi trang.
Rạng ra gửi đến xuân đường,
Thúc ông cũng vội giục chàng ninh gia.
Tiễn đưa một chén quan hà,
Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.
Sông Tần một dải xanh xanh,
Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.
Cầm tay dài ngắn thở than,
Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời.
Nàng rằng: "Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Dễ lòa yếm thắm, trôn kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng!
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà, trước liệu nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất bình,
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
Lại mang những tiếng tày trời đến sau.
Thương nhau xin nhớ lời nhau,
Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy!
Chén đưa nhớ bữa hôm nay,
Chén mừng xin đợi bữa này năm sau!"
Người lên ngựa, kẻ chia bào,
Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.
Dặm hồng bụi cuốn chinh an,
Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Vầng trăng ai xẻ làm đôi?
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Đoạn trích trên kể về sự việc gì?
Câu 3. Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ dưới đây.
Người về chiếc bóng năm canh,
Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.
Câu 4. Cảm hứng chủ đạo trong văn bản trên là gì?
Câu 5. Hãy đặt nhan đề cho đoạn trích và giải thích lí do.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: lục bát.
Câu 2.
Sự việc được kể: Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều, về gặp Hoạn Thư để trình bày việc mình đã cưới vợ lẽ.
Câu 3.
- HS xác định được biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong hai dòng thơ là biện pháp tu từ đối.
- Tác dụng: Nhấn mạnh sự lê thê của thời gian và sự dằng dặc, vô cùng của không gian trong cảm nhận của Thúy Kiều và Thúc Sinh.
Câu 4.
Cảm hứng chủ đạo: tác giả thể hiện sự đồng cảm, xót thương trước khát vọng hạnh phúc nhỏ nhoi mà mong manh, bấp bênh, nhiều bất trắc của nàng Kiều.
Câu 5.
- HS đặt nhan đề cho đoạn trích cần căn cứ vào nội dung chính và sự việc được kể trong đoạn trích.
- HS đưa ra lí giải của bản thân sao cho logic, phù hợp với nội dung, ý nghĩa, thông điệp của đoạn trích.
- Ví dụ: Ta có thể đặt tên cho đoạn trích trên là "Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều" hoặc "Vầng trăng ai xẻ làm đôi?" vì những nhan đề này thể hiện trọn vẹn nội dung chính của văn bản, đồng thời gợi lên cảm xúc buồn rầu của Thúy Kiều trước cảnh phu thê chia ly.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích trên.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về lí tưởng của thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích trên.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Thúy Kiều là người chủ động khuyên nhủ Thúc Sinh về quê để tỏ rõ sự thật với vợ cả (Hoạn Thư), chủ động dặn dò Thúc Sinh không nên giấu giếm. Điều này cho thấy nàng là người thấu tình đạt lí, có suy nghĩ sâu sắc, đàng hoàng, muốn mọi chuyện được minh bạch, rõ ràng, không muốn lừa dối người khác.
+ Lời dặn dò và tâm trạng của nàng trong cuộc chia tay với Thúc Sinh cũng cho thấy nàng niềm mong ước, hi vọng có được một thân phận rõ ràng, một niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của phận làm lẽ. Tuy nhiên, trong niềm mong ước nhỏ bé ấy cũng ẩn chứa những dự cảm về một tương lai đầy sóng gió, cô đơn và đau khổ.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: lí tưởng của thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Biểu hiện: sống và cống hiến hết mình vì xã hội, Tổ quốc; ra sức rèn đức luyện tài để hoàn thiện bản thân,...
+ So sánh lí tưởng của thế hệ trẻ ngày nay so với lí tưởng của thế hệ trẻ ngày trước để tìm ra những điểm gặp gỡ và khác biệt.
+ Vai trò của lí tưởng đối với thế hệ trẻ: là động lực giúp thế hệ trẻ cố gắng, nỗ lực; là ngọn đuốc soi đường giúp thế hệ trẻ không lầm đường, lạc lối,...
- Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện.
* Khẳng định lại tầm quan trọng của việc xác định lí tưởng đúng đắn đối với thế hệ trẻ hiện nay.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.