Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 3 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
TƯƠNG TƯ
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi...
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?
Hoàng Mai, 1939
(Nguyễn Bính, theo thivien.net)
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Cụm từ "chín nhớ mười mong" diễn tả nỗi nhớ như thế nào?
Câu 3. Xác định và phân tích biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông.
Câu 4. Những dòng thơ Bao giờ bến mới gặp đò? / Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau? đem đến cho em cảm nhận gì?
Câu 5. Nội dung của bài thơ là gì?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: lục bát.
Câu 2.
Cụm từ "chín nhớ mười mong" diễn tả một nỗi nhớ thương khắc khoải, da diết và sâu sắc.
Câu 3.
- HS xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: biện pháp tu từ hoán dụ khi dùng địa danh để chỉ người sống trên địa danh đó.
- HS chỉ ra tác dụng của biện pháp hoán dụ: thể hiện cách biểu đạt tình cảm kín đáo, tế nhị của chàng trai dành cho cô gái.
Câu 4.
- HS diễn giải cảm nhận của mình về hai dòng thơ Bao giờ bến mới gặp đò? / Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau? sao cho phù hợp. Gợi ý:
+ Trong văn học dân gian, hình ảnh bến, hoa biểu trưng cho người con gái; đò, bướm biểu trưng cho người con trai. Nguyễn Bính đã thổi vào những hình ảnh ấy chất lãng mạn của thời đại.
+ Hai dòng thơ này diễn tả sự vô vọng của nhân vật trữ tình trước mộng tưởng xa xôi về tình yêu.
Câu 5.
Nội dung: Tương tư của Nguyễn Bính đã thể hiện rất đỗi sâu sắc tình yêu đơn phương trong sáng, da diết của một chàng trai thôn quê qua ngôn ngữ thơ, hình ảnh thơ bình dị, mộc mạc và đậm chất thôn quê.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá hình ảnh "giầu" và "cau" trong khổ thơ cuối của bài thơ Tương tư.
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ quan điểm của anh/chị về ý kiến sau đây: Hành tinh của chúng ta là nơi duy nhất mà chúng ta có thể sống, chúng ta cần bảo vệ nó. (Leonardo DiCaprio)
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích, đánh giá hình ảnh "giầu" và "cau" trong khổ thơ cuối của bài thơ Tương tư.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Trong văn hóa người Việt, trầu cau là biểu tượng kết đôi, lứa đôi hạnh phúc. Nhưng trong Tương tư, dẫu có trầu và cau nhưng chưa đủ để "thắm" lại thành duyên. Tình yêu của nhân vật trữ tình vẫn chỉ là nỗi nhớ đơn phương, do đó, tình yêu ấy cứ khắc khoải, tương tư, day dứt mãi không nguôi.
+ Điểm khác biệt giữa Nguyễn Bính với các nhà thơ hiện đại khác đó là ông rất coi trọng nhân duyên. Cặp hình ảnh cau - trầu chưa đủ để thắm lại, mà vẫn ở dạng tiềm năng, để ngỏ. Chỉ khi nào tình yêu của chàng trai được cô gái đáp lại, chuyện trăm năm ấy mới trọn vẹn, bệnh tương tư sẽ được cứu chữa, nỗi khổ kia mới hết giày vò. Điều này cho thấy sự mong đợi, khát khao được hồi đáp lại trong tình yêu của chàng trai.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bày tỏ quan điểm của anh/chị về ý kiến của Leonardo DiCaprio: Hành tinh của chúng ta là nơi duy nhất mà chúng ta có thể sống, chúng ta cần bảo vệ nó.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Nêu quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến của Leonardo DiCaprio.
+ Mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, sâu sắc vì đời sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.
+ Ngày nay, thiên nhiên ngày càng bị khai thác, tàn phá nặng nề. Điều này đòi hỏi con người cần nhìn nhận lại và rút ra những bài học về nhận thức và hành động trong việc cải tạo, bảo vệ thiên nhiên như: giảm bớt lượng rác thải tiêu dùng; tái sử dụng nhiều sản phẩm làm từ nhựa, nilon; tích cực trồng cây xanh; khích lệ con người thực hành lối sống "xanh" hòa hợp với thiên nhiên;...
- Bàn luận mở rộng với những quan điểm trái chiều để bài viết thêm sâu sắc.
* Khẳng định lại tầm quan trọng của thiên nhiên và nhấn mạnh thông điệp riêng muốn gửi gắm qua bài viết.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.