Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 4 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
DẠI KHỜ
Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lòng không kìm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.
Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc.
(Xuân Diệu, theo thivien.net)
Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.
Câu 2. Xác định chủ đề của bài thơ.
Câu 3. Cấu trúc nào được tác giả lặp lại nhiều lần trong bài thơ? Hãy phân tích tác dụng của việc lặp lại đó.
Câu 4. Phát biểu nội dung của bài thơ.
Câu 5. Nhận xét cảm nhận của tác giả về tình yêu trong bài thơ.
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Thể thơ: tám chữ.
Câu 2.
Chủ đề: những dại khờ trong tình yêu.
Câu 3.
- Cấu trúc được lặp lại nhiều lần trong bài thơ: Người ta khổ vì...
- Tác dụng: khắc họa những lầm tưởng, dại khờ, sự cố chấp trong tình yêu, qua đó nhấn mạnh nỗi đau khổ mà tình yêu mù quáng mang lại.
Câu 4.
Nội dung bài thơ: Dại khờ viết về những lầm tưởng, cố chấp trong tình yêu của nhân vật trữ tình. Qua bài thơ này, tác giả Xuân Diệu đã rất tinh tế, khéo léo khi khắc họa những dại khờ trong tình yêu qua những hình ảnh thơ thi vị, giàu sức biểu cảm để nhấn mạnh những tổn thương mà tình yêu mù quáng mang lại.
Câu 5.
- HS căn cứ vào nội dung bài thơ, hình ảnh thơ để nhận xét về cảm nhận của tác giả về tình yêu. Gợi ý:
+ Tình yêu có vô vàn sắc thái, kiểu loại và Xuân Diệu chọn khắc họa tình yêu đơn phương, da diết, chân thành, mãnh liệt: vì đơn phương, chân thành cho nên người ta chấp nhận trao đi tất cả những gì có; vì da diết, mãnh liệt cho nên người ta chấp nhận những tổn thương, cố chấp lao vào tình yêu ấy như một con thiêu thân lao mình vào ngọn lửa và kết cục là tự mình chuốc lấy những đau thương.
+ Cảm nhận của Xuân Diệu rất sâu sắc, tinh tế, bình dị khi ông khắc họa những "dại khờ" của tình yêu tương tư. Người ta dại khờ vì người ta yêu, bởi phải yêu chân thành, da diết lắm mới có thể chấp nhận những "dại khờ" để mà biến nó thành hành động "cố chen ngõ chật", "càng quyết xông vào" được. Và rồi, chính họ đã đẩy mình vào hoàn cảnh bế tắc, mình đầy thương tích lại chẳng buồn chữa lành cho chính mình.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nhân vật Dần trong đoạn trích dưới đây.
Dần đi ở từ năm chửa mười hai. Khi ấy, đầu nó còn để hai cái trái đào. Nó mới biết cầm vững cái chối để quét nhà và thỗi một niêu cơm con con không sống, không khê. Mẹ nó vốn nghèo từ trong trứng nghèo ra, nên hay liệu, hay lo. [...] Thị nhất định cho Dần đi ở để học cho quen công việc cửi vải, ruộng vườn, sau này độ cái thân: ấy là cái lợi xa xôi. Nhưng lại còn cái lợi nhãn tiền: nhà đỡ một miệng ăn. Nếu bớt được mỗi ngày vài lẻ gạo, thì ít ra các em Dần cũng được no hơn. Rồi có được đồng công nào cũng là hay. Mà chẳng được thì mỗi năm người ta cũng thí bỏ cho cái quần, cái áo. Bố mẹ, nếu chẳng được nhờ con thì cũng chẳng còn phải lo lắng gì vào thân nó.
Dần đi ở. Nó ở cho nhà bà chánh Liễu. Nhà bà chánh dệt chín mười khung cửi. Bà thuê Dần, với hai con bé nữa, để chúng dọn vặt và trông nom ống suốt: Năm đầu, công cả năm có một đồng, với một cái áo cánh vải to, một cái quần sồng, một cái thắt lưng. Nhưng nếu chịu khó và ngoan thì bà sẽ cho hơn. Còn cái sự ăn (bà giao hẹn cả với người ta vì tính bà rất phân minh) thì bà cũng không dám nói chắc rằng đói hay no, bởi vì tiếng rằng giàu, nhưng nhà bà cũng cơm chia sáng, mỗi người một lùm, trưa, ba lượt thật đầy; tối, củ khoai, củ ráy, bụng trẻ con, như vậy, thì có lẽ cũng không phải đói. Mẹ Dần cho như thế đã là hậu quả. Bởi vì thật ra, ở nhà Dần, Dần có được ăn ba bữa thế đâu? Mỗi ngày, chỉ bữa trưa. Mà hiếm họa lắm mới có bữa được mỗi người ba vực chặt. Thường thường là hai vực, hơn hai vực. Có khi một. Cũng có khi chẳng vực nào, phải ăn ráy, ăn khoai trừ bữa. Thế mà Dần chịu được, thì vào nhà bà chánh, cố nhiên là Dần chịu được, Dần sung sướng là khác nữa. Con người ta, có cơm vào là có da, có thịt ngay. Chẳng lâu đâu. Người mẹ nghĩ và mừng. Thị chắc chỉ vài, ba tháng sau, nếu Dần được một ngày rỗi rãi về chơi với các em, cả nhà sẽ ngạc nhiên thấy nó béo như con cun cút. Mà trắng, mà đẹp, mà lành lặn, ra phết cô con gái lắm!...
Mơ ước hão! Bởi vì ít lâu nay, Dần có về thật, nhưng nó vẫn gầy như một cái que. Nó khóc hu hu. Nó đòi ở nhà với các em, muốn cho ăn thế nào thì cho, muốn bắt làm gì thì bắt, chỉ đừng bắt nó ở cho nhà bà chánh nữa. Cơm nhà giàu khó nuốt. Ăn của họ mà không làm lợi cho họ được thì họ làm cho đến phải mửa ra mà giả họ. Dần chân yếu tay mềm lắm. Nó thà nhịn đói mà ở cửa, ở nhà còn hơn. Mẹ Dần nhất định không nghe. Thương con thì để bụng. Nuông con thà giết con đi. Trẻ con đứa nào chả thích ở nhà với bố, với mẹ để chẳng người nào động đến thân? Đi ở cho nhà người ta, ăn cơm của người ta, lấy công của người ta, thì cố nhiên là phải làm cho đáng cơm, đáng công của người ta. Làm không được người ta thiệt thì người ta xót. Người ta xót thì người ta phải nói. Nói, mình nghe thì chớ, không nghe thì người ta phải chửi, phải đánh. Người ta đánh chửi cho là phúc nhà mình đấy, không đánh, không chửi, sao có nên thân người được? Thị bảo Dần: "Mày có hư thì người ta mới đánh; đánh thế chứ đánh nữa tao cũng không thương chút nào; mày muốn sống, thì về nhà bà chánh mà ở, không về thì đi đâu mặc kệ! Tao không chứa, tao không lấy gì nuôi được mày...".
[...] Nghĩ đến mẹ lúc nào, Dần cũng ngậm ngùi. Bởi vì bà nói thế, nhưng bà chẳng nghĩ thế đâu. Khi đã cố làm ra mặt hắt hủi để cho Dần chịu đi rồi, bà ôm mặt khóc hu hu. Bà bảo chồng rằng: "Nghĩ đến con lúc nào thì thương con đứt ruột. Nhưng biết làm sao? Trời bắt tội mình nghèo. Nó ở nhà mình thì ăn cũng chẳng bao giờ được bữa no. Đã đành ăn không no, nó cũng còn sướng hơn ở nhà bà chánh, được ăn no. Nhưng mình liệu có nuôi được nó suốt đời không? Rồi chỉ vài ba tuổi nữa, có ai thương đến nó, xin nó cho con nhà người ta, mình đừng gả hay sao? Về nhà chồng mà thổi cơm không chín, quét nhà chẳng nên thì liệu người ta có khỏi đào ông, bới cha không? Vả lại cái đời nó còn dài. Không bắt nó ép mình, ép xác cho quen, rồi khổ ngay vào chính cái thân của nó. Mình nghĩ đến nó nhiều chứ có phải bắt nó đi ở để hòng được lợi mỗi năm một vài đồng bạc công đâu?".
(Nam Cao, trích Một đám cưới)
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ quan điểm của anh/chị về ý kiến sau đây: Hãy nhìn sâu vào thiên nhiên, bạn sẽ thấu hiểu mọi thứ rõ ràng hơn. (Albert Einstein)
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích nhân vật Dần trong đoạn trích của văn bản Một đám cưới.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Hoàn cảnh của Dần: sinh ra trong gia đình nghèo khó, buộc phải đi ở cho nhà bà chánh Liễu khi chưa đầy 12 tuổi.
+ Mặc dù bà chánh đã hứa hẹn những lời tốt đẹp với mẹ Dần nhưng cô bé Dần phải làm lụng vất vả, bị nhà chủ mắng chửi và vẫn gầy còm như cái que.
+ Dần thương mẹ, thương gia đình cho nên cố gắng cam chịu khi làm người ở nhà bà chánh bởi em hiểu hoàn cảnh nhà em quá nghèo, và mẹ thì lại muốn em nên người.
+ Nhận xét, đánh giá về nhân vật: con người nhỏ bé đáng thương, phải làm lụng vất vả, cơ cực và bị đối xử tàn tệ; dù vậy ở nhân vật này vẫn toát lên tấm lòng hiếu thảo, yêu thương dành cho cha mẹ và các em.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: những giá trị, ý nghĩa của việc thấu hiểu thiên nhiên.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Nêu quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến của Einstein.
+ Nhìn sâu vào thiên nhiên chính là việc thấu hiểu các giá trị của đời sống; nhận ra mối quan hệ giữa cạnh tranh và cộng sinh để cùng sinh tồn và phát triển; thể hiện sự tôn trọng dành cho thiên nhiên.
+ Nhìn sâu vào thiên nhiên chúng ta có thể hiểu rõ hơn về con người và cuộc đời: con người sẽ thấy mình thật nhỏ bé, thấy bản thân thật "vô minh" khi nhân loại coi giống loài mình là "thượng đẳng" và đối xử thô bạo với thiên nhiên; hiểu được lợi ích của việc sống hài hòa với thiên nhiên.
+ Nhìn sâu vào thiên nhiên, chúng ta có thể nhận thấy thiên nhiên chính là cái đẹp - một đối tượng thẩm mỹ bao thế kỉ qua đã đi vào nghệ thuật, tô điểm cho đời sống văn hóa, tinh thần của con người.
* Khẳng định lại bài học rút ra: cách nhìn và ứng xử phù hợp với thiên nhiên.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.