Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Đề tham khảo giữa học kì I - Đề số 4 SVIP
Đọc văn bản và thực hiện yêu cầu từ 1 đến 5.
TRÀNG GIANG - DÒNG SÔNG CỦA NỖI NIỀM NHÂN THẾ
(1) Là một người thuộc lớp Tây học, nhưng tâm hồn tác giả Lửa thiêng lại thấm đẫm Đường thi. Nên không gian Tràng giang cứ lãng đãng thơ Đường. Thơ cổ Trung Hoa thật tinh diệu trong việc diễn tả các trạng thái "tĩnh" của thế giới. Có lẽ vì triết học nơi đây đã quan niệm "tĩnh" là gốc của "động", "tĩnh" là cội nguồn của thế giới. Cùng với nó, "tĩnh tại" và "thanh vắng" cũng trở thành tiêu chuẩn mĩ học phổ biến của cái đẹp trong thiên nhiên và nghệ thuật về thiên nhiên. Tái tạo cái "tĩnh vắng mênh mông" trong nghệ thuật được xem là tái tạo hư không - một hư không chứa đầy âm nhạc, chứ không phải hư không trống rỗng. Huy Cận cũng tái tạo như thế, nhưng thi sĩ muốn đi xa hơn. Cái thanh vắng của thơ xưa được cảm nhận bằng sự an nhiên tự tại. Còn sự trống vắng của Tràng giang được cảm nhận bằng nỗi cô đơn, bơ vơ. Có lẽ vì thế mà Tràng giang còn là một thế giới quạnh hiu, cơ hồ tuyệt đối hoang vắng. Đối diện với không gian vô biên, trống trải, cái tôi ấy đi tìm kiếm sự cảm thông. Nhưng con người hoàn toàn vắng bóng. [...]
Và sự phủ định cuối cùng "không khói hoàng hôn..". Vậy là ở đây không còn là cái thanh vắng cổ điển của "Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén. Ngày vắng xem hoa bợ cây" (Nguyễn Trãi), "Lác đác bên sông chợ mấy nhà" (Bà huyện Thanh Quan), hay "Ngõ trúc quanh co khách vắng teo" (Nguyễn Khuyến) nữa. Tràng giang hiện ra như một thế giới hoang sơ. Có lẽ từ thuở khai thiên lập địa đến giờ vẫn thế! Thi sĩ như một kẻ lữ thứ lạc vào giữa một hoang đảo. Trơ trọi cô đơn đến tuyệt đối. Và nỗi nhớ nhà dâng lên như một tiếng gọi tự nhiên. Đứng trước cảnh thế này, hơn nghìn năm trước, Thôi Hiệu cũng chạnh lòng nhớ quê:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?)
Có lẽ đó chỉ là nỗi hoài hương của lòng sầu xứ. Và nó cần có khói sóng để làm duyên cớ. Nỗi nhớ của Huy Cận là thường trực, có cần đến thứ khói nào để làm duyên cớ đâu! Nhớ nhà như là để vượt thoát, để trốn chạy khỏi nỗi cô đơn cố hữu mà thôi:
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Dòng sông chảy mênh mang giữa trời đất đến đây như bỗng dội lên những tiếng sóng khác: tiếng sóng của lòng quê! Hay chính lòng quê cũng đang xao xuyến dâng lên để thành một dòng tràng giang của tâm hồn mà nhập vào tràng giang của trời đất?
(2) Đứng trước dòng sông lớn, ta có cảm tưởng như đang đối diện với sự trường tồn, trường cửu. Nghìn năm trước khi chưa có ta nó vẫn chảy thế này. Nghìn năm sau, khi ta đã tan biến khỏi mặt đất này, nó vẫn chảy thế kia. Tràng giang vẫn điềm nhiên, dửng dưng không thèm biết đến sự có mặt của con người. Sự lặng lẽ của tràng giang là miên viễn và hình như trong bài thơ, Huy Cận đã thâu tóm được nhịp chảy trôi miên viễn ấy rồi thể hiện một cách tinh vi trong âm hưởng chảy trôi thao thiết của ngôn từ. Những từ láy nằm rải trong chiều dài bài thơ, nhất là láy nguyên: điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn... không chỉ gợi được sự đường bệ, mà còn gợi được nhịp triền miên. Những cặp câu tương xứng như trùng lặp, nối tiếp, đuổi nhau không ngừng nghỉ: "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song". Các vế câu vừa cắt rời, vừa kết nối lên tiếp như một chuỗi dài tạo ra nhịp chảy trôi, rong ruổi, miên man: "Nắng xuống/ trời lên/ sâu chót vót. Sông dài/ trời rộng/ bến cô liêu". Rồi những từ, cụm từ chỉ sự trùng điệp, nối tiếp ở cuối các câu: "hàng nối hàng", "Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng",... tất cả những yếu tố ngôn từ ấy như những bè khác nhau, kết lại với nhau, phụ họa lẫn nhau, tạo thành một âm hưởng trôi xuôi vô tận miên viễn cứ ngầm chảy trong lòng bài thơ này khiến cho ta có một cảm tưởng thật rõ rệt: có một dòng tràng giang thầm chảy trong âm điệu. Và ta như nghe thấy dòng tràng giang không chỉ chảy trong không gian, mà còn chảy trong thời gian - từ thuở khai thiên lập địa, chảy miết qua các thời đại mà về đây! Phải chăng đây là chiều thứ tư đầy mơ hồ và hư ảo của không gian Tràng giang?
(3) Tôi đọc bài thơ bao nhiêu lần và không sao xóa được khỏi lòng mình cái cảm giác bâng quơ này: mình là cái cành củi khô luân lạc trên dòng Tràng giang kia hay mình là cánh chim nhỏ lạc lõng dưới lớp lớp mây cao đùn núi bạc đó?... Nó là cảm tưởng của một đứa trẻ? Mà dường như cũng là của một người già? Bởi vì tràng giang là dòng sông mà cũng là dòng đời chăng?
(Theo Thơ Huy Cận - Tác phẩm và lời bình, NXB Văn học, Hà Nội, 2007, tr. 356 - 361)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Cảm xúc, thái độ của người viết được thể hiện ở phần (3) của văn bản là gì?
Câu 3. Trong phần (1) của văn bản, tác giả đã chỉ ra nét khác biệt nào của Tràng giang so với thơ xưa khi cùng tái tạo cái "tĩnh vắng mênh mông"?
Câu 4. Trong phần (2) của văn bản, tác giả đã phân tích những yếu tố ngôn ngữ nào của bài thơ để làm sáng tỏ "nhịp chảy trôi miên viễn" của tràng giang?
Câu 5. Em ấn tượng nhất với đặc điểm nào của bài thơ Tràng giang được phân tích trong văn bản? Vì sao?
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
Phương thức biểu đạt chính của văn bản là nghị luận.
Câu 2.
Cảm xúc, thái độ của người viết được thể hiện ở phần (1) của văn bản là nỗi cô đơn và nỗi nhớ nhà thường trực.
Câu 3.
Trong phần (1) của văn bản, tác giả đã chỉ ra nét khác biệt của Tràng giang so với thơ xưa khi cùng tái tạo cái "tĩnh vắng mênh mông" thông qua "cảm nhận bằng nỗi cô đơn, bơ vơ" của nhân vật trữ tình (Cái thanh vắng của thơ xưa được cảm nhận bằng sự an nhiên tự tại. Còn sự trống vắng của "Tràng giang" được cảm nhận bằng nỗi cô đơn, bơ vơ.).
Câu 4.
Trong phần (4) của văn bản, để làm sáng tỏ "nhịp chảy trôi miên viễn", tác giả đã phân tích những từ láy (điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn), những cặp câu tương xứng, các vế câu vừa cắt rời, vừa kết nối (Những cặp câu tương xứng như trùng lặp, nối tiếp, đuổi nhau không ngừng nghỉ: "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song".).
Câu 5.
- HS nêu đặc điểm ấn tượng nhất và lí giải hợp lí. Gợi ý: Tràng giang dựng lên một không gian quạnh hiu, cơ hồ tuyệt đối hoang vắng. Đặc điểm này đã được tác giả bài viết phân tích và so sánh để chỉ ra nét gặp gỡ và nét riêng của ngòi bút Huy Cận so với thơ Đường.
Câu 1. (2 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích, đánh giá hình ảnh "Hoa chanh nở giữa vườn chanh" trong bài thơ dưới đây.
CHÂN QUÊ
Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?
Nói ra sợ mất lòng em,
Van em! Em hãy giữ nguyên quê mùa.
Như hôm em đi lễ chùa,
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.
Hoa chanh nở giữa vườn chanh,
Thầy u mình với chúng mình chân quê.
Hôm qua em đi tỉnh về,
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
(Nguyễn Bính, theo thivien.net)
Câu 2. (4 điểm)
Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ quan điểm của anh/chị về ý kiến sau đây: Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với tương lai của nhân loại. (Barack Obama)
Hướng dẫn giải:
Câu 1.
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn
- Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng (khoảng 200 chữ) của đoạn văn.
- Về kiểu đoạn văn, HS có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: phân tích, đánh giá hình ảnh "Hoa chanh nở giữa vườn chanh" trong bài thơ Chân quê của Nguyễn Bính.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý:
+ Tóm tắt nội dung bài thơ: Chân quê nói về sự thay đổi của em sau khi lên tỉnh về trong một thời gian ngắn. Điều này khiến cho người chồng vô cùng phiền muộn vì người vợ của mình đã làm mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
+ Hình ảnh "Hoa chanh nở giữa vườn chanh":
~ Đây là hình ảnh ẩn dụ để nói về mối quan hệ của con người với môi trường sống: sống ở môi trường nào, địa phương nào cần có lối sống phù hợp với môi trường ấy.
~ Nhân vật em sống ở thôn quê, lẽ ra cần biết giữ gìn văn hóa, nếp sống giản dị của quê hương mình, nhưng mới lên "tỉnh" chơi một hôm quay về, cô đã xúng xính trong áo quần của "tỉnh" mà quên rằng mình cần phải biết ăn mặc cho phù hợp với nơi mình đang sống.
~ Hình ảnh này như một lời nhắc nhở mà người chồng muốn nhắn nhủ với người vợ của mình, rằng em hãy giữ gìn nếp sống, văn hóa truyền thống của quê hương mình.
- Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2.
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài
- Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: bày tỏ quan điểm của anh/chị về ý kiến của Barack Obama: Biến đổi khí hậu là thách thức lớn nhất đối với tương lai của nhân loại.
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận
- Xác định được các ý chính của bài viết.
- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục 3 phần của bài văn nghị luận:
* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.
* Triển khai vấn đề nghị luận:
- Giải thích vấn đề nghị luận.
- Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:
+ Nêu quan điểm đồng tình hoặc không đồng tình với ý kiến của Barack Obama.
+ Khẳng định sự quan trọng của tự nhiên đối với đời sống con người.
+ Hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một trầm trọng hơn. Một số dẫn chứng có thể kể đến: hiệu ứng El Nino, La Nina ảnh hưởng nhiều đến sự biến đổi khí hậu ở nhiều quốc gia trên thế giới; xuất hiện nhiều cơn bão lớn; kèm theo đó là những hệ quả nghiêm trọng như lũ lụt, sạt lở,...
+ Hệ quả: gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh mạng của con người; gây thiệt hại về kinh tế, cản trở quá trình phát triển của các quốc gia;...
+ Từ tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, hành động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường hiện nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta cần nhận thức lại vấn đề, tìm ra những phương pháp tích cực, phù hợp hơn với điều kiện của từng địa phương, quốc gia, khu vực;...
- Bàn luận mở rộng với những quan điểm trái chiều để bài viết thêm sâu sắc.
* Khẳng định lại sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và những hệ quả của nó; từ đó nhấn mạnh nhận thức, hành động của con người.
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau
- Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.
- Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.
- Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.
Lưu ý: HS có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
đ. Diễn đạt
Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.