Đề thi thử vào 10 lần 1 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội)
TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ | ĐỀ THI THỬ VÀO LỚP 10 LẦN 1 NĂM HỌC 2017 - 2018 MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút |
Phần I (5,0 điểm): Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB. Giáo dục, 2014).
1. Đoạn thơ trên nằm trong tác phẩm nào? Giới thiệu ngắn gọn về tác giả và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm ấy.
2. Tìm một hình ảnh ẩn dụ trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng của hình ảnh ẩn dụ đó.
3. Tại sao nói hình ảnh những chiếc xe không kính là một sáng tạo độc đáo của Phạm Tiến Duật?
4. Từ việc cảm nhận phẩm chất của những người lính trong bài thơ trên và những hiểu biết xã hội của bản thân, em hãy trình bày suy nghĩ (khoảng nửa trang giấy thi) về lòng dũng cảm.
Phần II (5,0 điểm)
Dưới đây là đoạn trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng):
Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.
Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.
- Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.
Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:
- Ba...a...a...ba!
Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng "ba" mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng "ba" như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang tay ôm chặt lấy cổ ba nó.
(Trích Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục, 2014).
1. Trong truyện ngắn Chiếc lược ngà, những tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu?
2. Chỉ ra 2 lời dẫn trực tiếp trong đoạn trích trên và chuyển chúng thành những lời dẫn gián tiếp.
3. Viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ tình cảm cha con sâu nặng, cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay, trong đó có sử dụng kiểu câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định và phép lặp để liên kết (gạch dưới câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định và các từ ngữ được sử dụng trong phép lặp)
Phần I
Câu 1.
- Bài thơ "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (0,25đ)
- Tác giả: Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, năm 1964 gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. (0,5đ)
- Sáng tác năm 1969 lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt (0,25đ)
Câu 2.
- Hình ảnh ẩn dụ: trời xanh hoặc trái tim (0,25đ)
- Nêu được tác dụng của hình ảnh ẩn dụ: làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho điều tác giả muốn thể hiện (0,75đ)
Câu 3 Hình ảnh những chiếc xe không kính rất độc đáo vì:
- Đó là những chiếc xe có thực trên tuyến đường Trường Sơn trong thời kì chống Mĩ và đã đi vào thơ Phạm Tiến Duật cũng rất thực, không một chút thi vị hóa. (0,5đ)
- Hình ảnh ấy vừa nói lên cái khốc liệt của chiến tranh vừa làm nổi bật chân dung tinh thần của người lính; thể hiện phong cách thơ của Phạm Tiến Duật: nhạy cảm với nét ngang tàng, tinh nghịch, yêu thích cái lạ (0,5đ)
Câu 4 Học sinh phải đảm bảo những yêu cầu về: (2,0đ)
- Nội dung: Từ việc cảm nhận lòng dũng cảm của những người lính lái xe trong bài thơ, bày tỏ được những suy nghĩ về lòng dũng cảm: Thế nào là dũng cảm? Những biểu hiện của lòng dũng cảm trong cuộc sống? Vì sao có thể khẳng định đây là phẩm chất cao quý của con người? Em sẽ rèn luyện như thế nào để trở thành người dũng cảm?
- Hình thức: văn nghị luận, có thể kết hợp với các phương thức biểu đạt khác, diễn đạt sinh động, độ dài theo quy định...
* Lưu ý: khuyến khích học sinh có suy nghĩ riêng, tuy nhiên phải lí giải hợp lí, thuyết phục
Phần II
Câu 1
- Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách nhưng bé Thu không nhận ra cha, đến lúc bé nhận ra cha và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi. (0,25đ)
- Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con nhưng chưa kịp trao thì ông đã hi sinh. (0,25đ)
Câu 2
- Học sinh chỉ đúng 2 lời dẫn trực tiếp (0,5đ)
- Chuyển thành lời dẫn gián tiếp đạt yêu cầu (0,5đ)
Câu 3
* Đoạn văn diễn dịch
- Phần mở đoạn đạt yêu cầu (0,25đ)
- Phần thân đoạn gồm khoảng 12 câu với đầy đủ dẫn chứng và lí lẽ để làm rõ: tình cảm cha con sâu nặng, đầy cảm động của ông Sáu và bé Thu trong cảnh chia tay
- Tình huống éo le: ông Sáu phải vào chiến trường sau ba ngày phép, lúc này bé Thu mới nhận ra ba (0,25đ)
- Tình yêu thương mãnh liệt bé Thu dành cho ba thể hiện ở các chi tiết như tiếng gọi ba, cử chỉ, hành động dành cho ba... (1,0đ)
- Tình yêu thương con sâu sắc ở ông Sáu biểu lộ qua những chi tiết
- diễn tả tâm trạng, cử chỉ, đặc biệt là ánh nhìn của ông dành cho con... Từ những cảm nhận trên, cần khẳng định thành công của tác giả trong việc tạo tình huống, miêu tả tâm lí nhân vật nhằm làm nổi bật tình cha con sâu nặng và cao đẹp trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. (1,0đ)
* Có sử dụng phép lặp (gạch dưới) (0,25đ)
* Có câu phủ định mang ý nghĩa khẳng định (gạch dưới)
Lưu ý: Nếu đoạn văn quá dài hoặc quá ngắn trừ 0.5 điểm