Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Hài kịch và truyện cười SVIP
TRI THỨC ĐỌC HIỂU: HÀI KỊCH VÀ TRUYỆN CƯỜI
1. Hài kịch
a. Khái niệm
b. Đặc điểm
- Hài kịch mang đầy đủ các đặc điểm chung của kịch, đồng thời thể hiện đặc điểm riêng qua các yếu tố như: nhân vật, hành động, xung đột, lời thoại, thủ pháp trào phúng,…
- Nhân vật của hài kịch là đối tượng của tiếng cười, gồm những hạng người hiện thân cho các tật xấu hay những gì thấp kém trong xã hội. Tính cách của nhân vật hài kịch được thể hiện qua những biến cố dẫn đến sự phơi bày, phê phán cái xấu.
- Hành động trong hài kịch là toàn bộ hoạt động của các nhân vật (bao gồm lời thoại, điệu bộ, cử chỉ,…) tạo nên nội dung của tác phẩm hài kịch. Hành động thể hiện qua lời thoại dưới các dạng: tấn công – phản công; thăm dò – lảng tránh; chất vấn – chối cãi; thuyết phục – phủ nhận/ bác bỏ; cầu xin – từ chối;… Mọi hành động lớn nhỏ trong kịch nói chung, hài kịch nói riêng đều dẫn tới xung đột và giải quyết xung đột; qua đó, thể hiện chủ đề của tác phẩm.
- Trong hài kịch có nhiều hình thức xung đột, nhưng phổ biến nhất là sự không tương xứng giữa cái bên trong với cái bên ngoài. Xung đột kịch biểu hiện qua hành động kịch với các sự việc, tình huống gây cười. Ví dụ: xung đột trong vở hài kịch Bệnh sĩ của Lưu Quang vũ là mâu thuẫn giữa sự chân thực, thật thà với bệnh giả dối, ảo tưởng. Nhưng cũng có mâu thuẫn giữa cái xấu với cái xấu, ví dụ: mâu thuẫn giữa sự dốt nát của ông Giuốc-đanh (Jourdain) và mưu mô lừa lọc của gã phó may trong vở Trưởng giả học làm sang của Mô-li-e.
- Lời đối thoại trong hài kịch mang đậm tính khẩu ngữ; cấu trúc đối thoại dựa trên những nội dung đối nghịch. Do gắn với nhân vật, giúp nhân vật bộc lộ đặc điểm, tính cách nên lời thoại trong hài kịch thường là ngôn ngữ hài hước, gây cười. Ví dụ: “Cụ lớn”, ồ, ồ, cụ lớn! Chú mày thong thả tí đã. Cái tiếng “cụ lớn” đáng thưởng lắm. “Cụ lớn” không phải là một tiếng tầm thường đâu nhé. Này, cụ lớn thưởng cho các chú đây.
- Thủ pháp trào phúng trong hài kịch chủ yếu là nghệ thuật phóng đại, tạo tình huống kịch tính, cải trang; dùng điệu bộ gây cười; dùng thủ pháp phóng đại, chơi chữ, gây hiểu lầm, thoại bỏ lửng, nhại,… Ví dụ: Trong Đổi tên cho xã (trích vở kịch Bệnh sĩ – Lưu Quang Vũ), những lời phát biểu của ông Chủ tịch xã đã được phóng đại lên nhiều lần bằng các lời lẽ hoa mĩ, sáo rỗng để người đọc thấy rõ bệnh khoa trương, hình thức đến mức giả dối, lố bịch.
2. Truyện cười
a. Khái niệm
Truyện cười là một thể loại tự sự có dung lượng nhỏ, dùng tiếng cười vừa để chế giễu những thói hư tật xấu, những điều trái tự nhiên, trái thuần phong mĩ tục của con người vừa nhằm mục đích giải trí. Đây được xem là một trong những biểu hiện sinh động cho tính lạc quan, trí thông minh sắc sảo của tác giả dân gian. Truyện cười thường là truyện dân gian, tuy nhiên cũng có cả ở hình thức truyện kể của văn học viết.
b. Đặc điểm
- Truyện cười thường ngắn, cốt truyện tập trung vào sự việc có yếu tố gây cười, tình huống trớ trêu, những nghịch lí trong đời sống,… Cuối truyện thường có sự việc bất ngờ, đẩy mâu thuẫn đến đỉnh điểm, lật tẩy sự thật, từ đó tạo ra tiếng cười
- Bối cảnh được xây dựng trong truyện cười thường bị cường điệu so với thực tế, có yếu tố bất ngờ. Bối cảnh thường không được miêu tả cụ thể, tỉ mỉ, có thể là bối cảnh không xác định, cũng có thể là bối cảnh gần gũi, thân thuộc thể hiện đặc điểm thiên nhiên, văn hóa, phong tục gắn với từng truyện.
- Nhân vật chính trong truyện cười thường là đối tượng bị chế giễu. Nhân vật thường có hai loại:
+ Loại thứ nhất thường là những nhân vật mang thói xấu phổ biến trong xã hội như: lười biếng, tham ăn, keo kiệt,… hoặc mang thói xấu gắn với bản chất của một tầng lớp xã hội cụ thể. Đây chính là những đối tượng mà tiếng cười hướng đến. Bằng các thủ pháp trào phúng, tác giả dân gian biến các kiểu nhân vật này thành những bức chân dung hài hước, lạ đời, tạo nên tiếng cười vừa mang ý nghĩa xã hội vừa có giá trị thẩm mĩ.
+ Loại thứ hai thường là những nhân vật tích cực, dùng trí thông minh, sự sắc sảo, khôn ngoan để vạch trần, chế giễu, đả kích những hiện tượng và những con người xấu xa của xã hội phong kiến (truyện Trạng Quỳnh, Xiển Bột,…) hoặc dùng khiếu hài hước để thể hiện niềm vui sống, tinh thần lạc quan trước sự trù phú của môi trường thiên nhiên hay những thách thức do chính môi trường sống mang lại (truyện Bác Ba Phi,…)
- Ngôn ngữ thường ngắn gọn, súc tích, hài hước, mang nhiều nét nghĩa hàm ẩn,…
- Các thủ pháp gây cười khá đa dạng, linh hoạt. Dưới đây là một số thủ pháp thường gặp:
+ Tạo tình huống trào phúng bằng một trong hai cách sau hoặc kết hợp cả hai cách:
- Tô đậm mâu thuẫn giữa bên trong và bên ngoài, giữa thật và giả, giữa lời nói và hành động,…
- Kết hợp khéo léo lời người kể chuyện và lời nhân vật hoặc lời của các nhân vật, tạo nên những liên tưởng, đối sánh bất ngờ, hài hước, thú vị.
+ Sử dụng các biện pháp tu từ giàu tính trào phúng (lối nói khoa trương, phóng đại, chơi chữ,…)
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây