Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Phần 2 SVIP
2.2. Sáng tác chữ Nôm
a. Giới thiệu chung về sáng tác chữ Nôm
- Sáng tác chữ Nôm của Nguyễn Du hiện còn lưu giữ được gồm: Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu, Thác lời trai phường nón, Văn tế thập loại chúng sinh (Văn chiêu hồn), Truyện Kiều.
- Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu được viết theo thể văn tế, Thác lời trai phường nón được viết bằng thể lục bát. Hai tác phẩm đã thể hiện những cảm xúc tình tứ, lãng mạn; có giọng điệu trẻ trung hài hước, ngôn ngữ mang đậm dấu ấn của ca dao, tục ngữ.
- Văn tế thập loại chúng sinh được viết bằng thể thơ song thất lục bát; là tiếng khóc thương cho kiếp nhân sinh mong manh, bất hạnh; phản chiếu thực trạng xã hội đương thời và đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa lâu dài.
b. Kiệt tác Truyện Kiều
Nguồn gốc và vị trí của Truyện Kiều trong văn hóa
- Truyện Kiều được viết theo hình thức truyện thơ Nôm, thể lục bát, gồm 3254 câu, kể về cuộc đời mười lăm năm chìm nổi của Thuý Kiều.
- Ngay từ khi ra đời, Truyện Kiều đã có sức cuốn hút mãnh liệt không chỉ với giới trí thức mà cả với độc giả bình dân. Truyện Kiều còn hoà nhập vào đời sống hình thành những hình thức sinh hoạt văn hoá, văn học độc đáo của người Việt như vịnh Kiều, lẩy Kiều, đố Kiều, bói Kiều... Hơn hai trăm năm qua, Truyện Kiều là nguồn đề tài, nguồn cảm hứng lớn cho nhiều loại hình nghệ thuật; là đối tượng khám phá của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Đến nay, tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới (hơn 70 bản dịch).
Tóm tắt cốt truyện
- Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước.
- Phần thứ hai : Gia biến và lưu lạc.
- Phần thứ ba : Đoàn tụ.
Giá trị tư tưởng
- Cảm hứng tôn vinh vẻ đẹp của con người, đặc biệt là người phụ nữ. Nguyễn Du thuộc số ít tác giả thời trung đại quan tâm, trân trọng con người một cách toàn diện - cả tâm hồn và thể xác. Ông xây dựng nhân vật Thuý Kiều với nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành”, lại có trí tuệ, tài năng, đức hạnh. Khi gia đình gặp đại hoạ, Thuý Kiều hi sinh bản thân để cứu cha và em. Trong tình yêu, nàng mạnh mẽ, táo bạo mà dịu dàng đằm thắm, thuỷ chung. Trong cách ứng xử với người đời, Thuý Kiều nhân hậu, bao dung, vị tha, trọng lẽ phải. Dù rơi vào hoàn cảnh nào, nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du cũng không để mất ý thức về phẩm giá, tinh thần phản kháng và không chấp nhận tha hoá.
- Cảm thương cho số phận của những kiếp người tài hoa nhưng bạc mệnh. Người phụ nữ tài sắc, đức hạnh vẹn toàn như Thúy Kiều đã phải gánh chịu một số phận chồng chất khổ đau, bất hạnh: thân xác bị hành hạ, giày vò, nhân phẩm bị chà đạp, tình yêu và hạnh phúc bị tước đoạt: “Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi!”. Từ câu chuyện về một kiếp hồng nhan bạc mệnh, Nguyễn Du đã bày tỏ nỗi đau đớn khôn nguôi trước thân phận con người, và đó cũng là cách Nguyễn Du phủ định một thực trạng bất công phi lí, cất tiếng đòi quyền sống cho con người.
- Nguyễn Du đồng cảm, đồng tình với những khát vọng chính đáng, vượt ra ngoài một số khuôn phép phản nhân văn của tư tưởng phong kiến:
+ Khát vọng tình yêu
+ Khát vọng sống tự do được Nguyễn Du thể hiện qua nhân vật Từ Hải: “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Giấc mơ công lí cũng được chuyển qua phiên toà Thúy Kiều báo ân báo oán, đó là biểu hiện cho sự vùng lên đấu tranh của những con người thiệt thòi, yếu thế đòi lại quyền bình đẳng trong một xã hội bất công, đen bạc.
- Đọc Truyện Kiều, người đời sau còn “trông thấy” bức tranh hiện thực của xã hội, thời đại Nguyễn Du - thời phong kiến suy tàn. Trong xã hội ấy, đồng tiền “lên ngôi”; cái ác tự do hoành hành. Những kẻ đại diện cho giai cấp thống trị hiện lên với bản chất tham lam, tàn độc; người dân lương thiện phải gánh chịu những đau khổ, oan khuất tày trời. Lời xót thương, bị phẫn cho thân phận bạc mệnh của Thuý Kiều đã trở thành “lời chung”, có ý nghĩa tố cáo, lên án xã hội mạnh mẽ, sâu sắc.
Giá trị nghệ thuật
- Về cốt truyện, tác phẩm vẫn gồm ba phần Gặp gỡ - Thử thách - Đoàn tụ nhưng khi Thúy Kiều đoàn tụ với gia đình, nhìn hình thức là kết thúc có hậu nhưng bản chất là bi kịch: nàng gặp lại người yêu nhưng không bao giờ gặp lại tình yêu, sống với Kim Trọng trong cảnh “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.
- Về nhân vật, Nguyễn Du gần như giữ nguyên hệ thống nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện. Song tính cách của hầu hết các nhân vật đều được thay đổi, phù hợp với chủ đề mới, với văn hoá và tâm hồn dân tộc. Trong rất nhiều sự kiện, biến cố (bán mình, trao duyên, báo ân báo oán, đoàn viên,...), nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du luôn có cách suy nghĩ, ứng xử khác hẳn nhân vật Thuý Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân.
+ Trong Kim Vân Kiều truyện, các nhân vật như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư này ít có đời sống nội tâm và gần như không có bi kịch nhưng ở Truyện Kiều, mỗi người đều có nỗi đau riêng.
+ Các nhân vật trong Truyện Kiều được khắc họa một cách chân thực, sinh động từ ngoại hình, lời nói, cử chỉ, hành động đến diễn biến nội tâm. Nguyễn Du đã cá thể hoá ngoại hình của nhiều nhân vật; sử dụng rất thành công các chi tiết bề ngoài để khắc họa tính cách (Thuý Kiều, Thuý Vân, Tú Bà, Mã Giám Sinh,...). Nhiều nhân vật trong Truyện Kiều có giọng điệu và vốn ngôn ngữ riêng phản ánh chân thực nguồn gốc, lai lịch, tính cách và diễn biến tâm trạng. Nhiều đoạn ngôn ngữ đối thoại có khả năng bộc lộ những biến động tinh tế, phức tạp trong tâm hồn nhân vật.
- Về ngôn ngữ, Truyện Kiều khẳng định vị trí vững chắc và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tiếng Việt trong lịch sử văn học dân tộc. Nguyễn Du đã phát huy vẻ đẹp phong phú, kì diệu của tiếng Việt; sử dụng một cách sáng tạo các yếu tố ngôn ngữ vay mượn để làm giàu cho tiếng mẹ đẻ. Hệ thống điển cố trong Truyện Kiều hoà nhập vào câu thơ Nguyễn Du một cách nhuần nhuyễn. Tác giả Truyện Kiều cũng là bậc thầy trong nghệ thuật đưa ngôn ngữ đời thường vào thơ ca. Các thành ngữ, tục ngữ vốn chặt chẽ cũng trở nên uyển chuyển qua ngòi bút Nguyễn Du. Thế mạnh của các từ láy, từ đồng nghĩa được tận dụng làm tăng sức biểu đạt cho ngôn ngữ thơ. Truyện Kiều là “bằng chứng” về công lao vĩ đại của Nguyễn Du với sự phát triển ngôn ngữ dân tộc và hoàn thiện thể thơ lục bát truyền thống.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây