Bài học cùng chủ đề
- Đọc văn bản: Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây
- Đọc văn bản: Gặp Ka-ríp và Xi-la
- Đọc kết nối chủ điểm: Ngôi nhà truyền thống của người Ê-đê
- Thực hành tiếng Việt
- Đọc mở rộng theo thể loại: Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời
- Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội
- Nói và nghe: Thuyết trình về một vấn đề xã hội có sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ
- Ôn tập
- Phiếu bài tập kĩ năng đọc - Phần 1 (Tự luận)
- Phiếu bài tập kĩ năng đọc - Phần 2 (Tự luận)
- Phiếu bài tập tiếng Việt (Tự luận)
- Phiếu bài tập kĩ năng viết (Tự luận)
- Phiếu bài tập kĩ năng đọc - Phần 1
- Phiếu bài tập kĩ năng đọc - Phần 2
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Phiếu bài tập kĩ năng đọc - Phần 1 SVIP
Yêu cầu đăng nhập!
Bạn chưa đăng nhập. Hãy đăng nhập để làm bài thi tại đây!
ĐĂM SĂN CHIẾN THẮNG MTAO MXÂY
(Trích Đăm Săn, sử thi Ê-đê)
(Lược dẫn: Hơ Nhị, vợ Đăm Săn bị Mtao Mxây bắt cóc. Đăm Săn cùng dân làng đi đánh Mtao Mxây để cứu vợ mình và chàng đã giành chiến thắng oanh liệt. Phần văn bản dưới đây kể về sự việc này).
Nhà Mtao Mxây cột sàn hiên đẽo hình mặt trăng, đầu cầu thang đều đẽo hình chim ngói. Ngôi nhà của lão tù trưởng nhà giàu này quả là đẹp thật. Cầu thang rộng một lá chiếu, người nối đuôi nhau lên xuống mà khiêng một ché đuê vẫn không sợ chật.
Đăm Săn: - Ơ diêng, ơ diêng, xuống đây! Ta thách nhà ngươi đọ dao với ta đấy!
Mtao Mxây: - Ta không xuống đâu diêng ơi. Tay ta đang bận ôm vợ (của) hai chúng ta ở trên nhà này cơ mà.
Đăm Săn: - Xuống, diêng! Xuống, diêng! Ngươi không xuống ư? Ta sẽ lấy cái sàn hiên của nhà ngươi ta bổ đôi, ta sẽ lấy cái cầu thang của nhà người ta chẻ ra kéo lửa, ta hun cái nhà của nhà ngươi cho mà xem!
Mtao Mxây: - Khoan, diêng, khoan! Để ta xuống. Ngươi không được đâm ta khi ta đang đi xuống đó, nghe!
Đăm Săn: - Sao ta lại đâm ngươi khi đang đi xuống nhỉ? Ngươi xem, đến cả con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đâm nữa là!
Mtao Mxây: - Ta sợ ngươi đâm ta khi ta đang đi lắm.
Đăm Săn: - Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi nhỉ? Ngươi xem, đến con trâu của nhà ngươi trong chuồng, ta cũng không thèm đâm nữa là!
Thế là Mtao Mxây phải đi ra. Bà con xem, khiên hắn tròn như đầu cú. Gươm hắn óng ánh như cái cầu vồng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần. Hắn đóng một cái khổ sọc gấp bỏ múi, mặc một cái áo dày nút, đi từ nhà trong ra nhà ngoài, dáng tần ngần do dự, mỗi bước mỗi đắn đo, giữa một đám đông mịt mù như trong sương sớm.
Đăm Săn: - Ngươi múa trước đi, ơ diêng!
Mtao Mxây: - Ngươi mới là người múa trước, ơ diêng! Ta như gà làng mới mọc cựa kliê, như là gà mới mọc cựa êchăm, chưa ai giẫm phải mà đã gãy mất cánh.
Đăm Săn: - Ngươi cứ múa đi, ơ diêng!
Mtao Mxây rung khiên múa vậy. Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô. Hắn múa một mình. Đăm Săn không nhúc nhích.
Đăm Săn: - Ngươi múa một mình, múa kêu lạch xạch như quả mướp khô. Miếng múa ấy ngươi học ai vậy? Ngươi múa chơi đấy phải không, diêng?
Mtao Mxây: - Ta học ai à? Có cậu, ta học cậu. Có bác, ta học bác. Có thần Rồng, ta học thần Rồng.
Đăm Săn: - Thế ư? Ta thì đâu có cậu mà học cậu, đâu có bác mà học bác! Chỉ có hai ta đây, ngươi múa đi ta xem nào!
Mtao Mxây: - Thế ngươi không biết ta đây là một người đã quen đi đánh thiên hạ, bắt tù binh, xéo nát đất đai thiên hạ hay sao?
Đăm Săn: - Vậy thì ngươi hãy xem ta đây!
Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Chàng chạy vun vút qua phía đông, vun vút qua phía tây. Còn Mtao Mxây thì bước cao bước thấp chạy hết bãi tây sang bãi đông. Hắn vung dao chém phập một cái, nhưng chỉ vừa trúng một cái chão cột trâu.
Đăm Săn: - Sao ngươi lại chém cái chão cột trâu? Còn khoeo chân ta, ngươi dành làm gì?
Đến lúc này, Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quăng cho hắn một miếng trầu, nhưng Đăm Săn đã đớp được miếng trầu. Chàng nhai trầu, sức chàng tăng lên gấp bội.
Đăm Săn: - Bớ diêng, bây giờ ngươi lại chạy, ta đuổi coi!
Thế là Đăm Săn lại múa. Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. Chòi lẫm đổ lăn lóc. Cây cối chết rụi. Khi chàng múa dưới thấp, vang lên tiếng đĩa khiên đồng. Khi chàng múa trên cao, vang lên tiếng đĩa khiên kênh. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung.
Cây giáo thần, cây giáo dính đầy những oan hồn của chàng nhằm đùi Mtao Mxây phóng tới, trúng nhưng không thủng. Chàng đâm vào người Mtao Mxây, cũng không thủng.
Đến lúc này, Đăm Săn đã thấm mệt. Chàng vừa chạy vừa ngủ, mộng thấy ông Trời.
Đăm Săn: - Ối chao, chết mất thôi, ông ơi! Cháu đâm mãi mà không thủng hắn!
Ông trời: - Thế ư, cháu? Vậy thì cháu lấy một cái chày mòn cháu ném vào vành tai hắn là được.
Đăm Săn bừng tỉnh, chộp ngay một cái chày mòn, ném trúng vành tai kẻ địch. Cái giáp của Mtao Mxây tức thì rơi loảng xoảng. Mtao Mxây tháo chạy. Hắn tránh quanh chuồng lợn, Đăm Săn phá tan chuồng lợn. Hắn tránh quanh chuồng trâu, Đăm Săn phá tan chuồng trâu. Cuối cùng hắn ngã lăn quay ra đất.
[...]
(Lược một đoạn: Đăm Săn giết Mtao Mxây. Sau trận đánh, tôi tớ và dân làng của Mtao Mxây mang của cải, tài sản về theo Đăm Săn rất đông).
Đoàn người đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến mối. Bà con xem, thế là Đăm Săn nay càng thêm giàu có, chiêng lắm, la nhiều. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước.
Họ đến bãi ngoài làng, rồi vào làng.
Đăm Săn: - Ơ các con, ơ các con, hãy đi lấy rượu bắt trâu! Rượu năm ché, trâu dâng một con để cúng thần, cáo tổ tiên, cầu sức khoẻ cho ta mới đi đánh kẻ thù, bắt tù binh, giẫm nát đất đai một tù trưởng nhà giàu về. Rượu bảy ché, trâu bảy con để cúng thần, cầu cho ta được bình yên vô sự, nạn khỏi tai qua, lớn lên như sông nước, cao lên như cây rừng, không còn ai bì kịp. Hỡi anh em trong nhà, hỡi bà con trong làng, xin mời tất cả đến với ta! Chúng ta sẽ mở tiệc ăn mừng năm mới, chúng ta sẽ ăn lợn ăn trâu, đánh lên các chiêng cái, trống to, đánh lên các cồng hlong, hoà nhịp cùng chũm choẹ, sao cho kêu lên rộn rã, để voi đực voi cái ra vào sàn hiên không ngớt, dây cồng dây chiêng không lúc vào vắng bớt trên giá treo chiêng, các chuỗi thịt trâu, thịt bò treo đen nhà, chậu thau âu đồng nhiều không còn chỗ để.
Tôi tớ: - Đánh chiêng nào, thưa ông?
Đăm Săn: - Hãy đánh lên các chiêng có tiếng âm vang, những chiêng có tiếng đồng tiếng bạc! Từ gùi quý hãy lấy ra các vòng nhạc rung lên! Hãy đánh lên tất cả cho ở dưới vỡ toác các cây đòn ngạch, cho ở trên gãy nát các cây xà ngang, cho tiếng chiêng vang vọng khắp đó đây, khiến voi, tê giác trong rừng quên không cho con bú, ếch nhái dưới gầm sàn, kì nhông ngoài bãi phải ngừng kêu, tất cả đều ngày đêm lặng thinh để nghe tiếng chiêng ăn đông uống vui như mừng mùa khô năm mới của ta vậy.
Thế là, bà con xem, nhà Đăm Săn đông nghịt khách, tôi tớ chật ních cả nhà ngoài. Các khách tù trưởng đều từ phương xa đến. Còn Đăm Săn, bà con xem, chàng nằm trên võng, tóc thả trên sàn, hứng tóc chàng ở dưới đất là một cái nong hoa. Chàng mở tiệc ăn uống linh đình, thịt lợn thịt trâu ăn không ngớt, thịt lợn ăn đến cháy đen hết ống le, thịt dê ăn đến cháy đen hết ống lồ ô, tiết bò tiết trâu đọng đen khắp sàn hiên, dây cồng dây chiêng giăng như mạng nhện, chỉ vàng chỉ đỏ như hoa dam piết. Cảnh đó đời ông bác, ông cậu xưa kia làm gì có!
Bà con xem, chàng Đăm Săn uống không biết say, ăn không biết no, chuyện trò không biết chán. Cả một vùng nhão ra như nước. Lươn trong hang, giun trong bùn, rắn hổ, rắn mai đều chui lên nằm trên cao sưởi nắng. Ếch nhái dưới gầm nhà, kì nhông ngoài bãi thì kêu lên inh ỏi suốt ngày đêm. Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. Các cô gái đi lại vú đụng vú. Cảnh làng một tù trưởng nhà giàu sao mà vui thế! Rõ ràng là tù trưởng Đăm Săn đang giàu lên, chiêng lắm la nhiều. Rõ ràng là Đăm Săn có chiêng đống voi bầy, có bè bạn như nêm, như xếp. Làm sao mà có được một tù trưởng, đầu đội khăn nhiễu vai mang nải hoa, đánh đâu đập tan đó, vây đâu phá nát đó như chàng?
Vì vậy, danh vang đến thần, tiếng lừng khắp núi, đông tây đâu đâu cũng nghe danh tiếng Đăm Săn. Từ khắp mọi miền, người ta khiêng rượu, khiêng lợn đến. Cả miền Ê-đê Ê-ga ai ai cũng ca ngợi Đăm Săn là một trang dũng tướng chắc chết mười mươi vẫn không lùi bước. Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt linh lợi như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù trưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc: Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ.
Tiệc tùng linh đình, ăn uống đông vui kéo dài suốt cả mùa khô. Đến đây, rượu đã nhạt, ché đã phai, ai ở đâu về đấy, khách lần lượt ra về.
(Trích Đăm Săn, in trong Sử thi Ê-đê, Nhiều tác giả, Nguyễn Hiểu Thấu dịch và chú thích, NXB Khoa học và Xã hội, Hà Nội, 1988, tr.190 - 196)
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Chi tiết nào sau đây không xuất hiện trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây?
Vì sao trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây tác giả dân gian dành nhiều câu miêu tả cảnh ăn mừng chiến thắng hơn cảnh đổ máu trong giao tranh?
Nhân vật Đăm Săn được miêu tả chủ yếu bằng thủ pháp nghệ thuật nào?
GẶP KA-RÍP VÀ XI-LA
(Trích Ô-đi-xê, sử thi Hy Lạp)
(Lược một đoạn: Về đến đảo Ai-ai-ê (Aizie), chôn cất En-pê-no (Elpenor) và lại lên đường vượt biển cả tìm về quê nhà, Ô-đi-xê được Xi-ếc-xê (Circe) báo trước chàng còn phải gặp những nỗi gian nan khác nữa đồng thời căn dặn chàng cách vượt thoát những hiểm nguy).
Nàng nói vậy, và liền khi đó Rạng đông ngự ngai vàng xuất hiện. Vị thần lừng danh đi vào đảo, còn tôi thì trở lại thuyền, cổ vũ các bạn đồng hành cởi buộc lái ra đi. Họ vội vã lên thuyền, ngồi xuống trước những cọc chèo, ngang hàng thẳng lối, rồi đập mái chèo xuống mặt biển làm bọt nước sôi lên. Từ sau chiếc thuyền mũi đen của chúng tôi, một ngọn gió thổi tới, làm căng những cánh buồm, và đây là một người bạn đường tốt, do Xi-ếc-xê tóc quăn xinh đẹp, vị nữ thần khủng khiếp nói tiếng người, đưa lại. Thế là chúng tôi sắp đặt các dụng cụ trên thuyền, rồi ngồi xuống vì đã có gió thuận, và người hoa tiêu đưa thẳng chúng tôi tới đích. Lòng bồn chồn lo lắng, tôi nói với các bạn đồng hành:
- Các bạn ơi! Xi-ếc-xê lừng danh đã tiên đoán cho ta một điều, và điều này không nên chỉ để cho một người biết. Vậy ta xin nói lại với các bạn, để chúng ta đều rõ điều gì có thể dẫn chúng ta đến một nạn diệt vong, điều gì có thể khiến ta thoát được các yêu nữ hung ác. Xi-ếc-xê bảo ta trước hết phải coi chừng các nàng Xi-ren quyến rũ, coi chừng giọng hát và cánh đồng cỏ đầy hoa của họ. Nàng khuyên chỉ nên để một mình ta nghe hát mà thôi. Nhưng các bạn phải lấy dây trói chặt ta vào cột buồm, để buộc ta phải đứng yên một nơi. Nếu ta van xin hoặc ra lệnh cho các bạn cởi trói cho ta, thì các bạn cứ việc trói chặt thêm nữa vào.
Tôi giải thích mọi việc tỉ mỉ như vậy cho các bạn tôi hiểu rõ ngọn ngành; trong lúc đó, nhờ gặp gió thuận chiếc thuyền vững chắc của chúng tôi đi rất nhanh và đã đến gần đảo của các nàng Xi-ren, mặc dù chúng tôi chẳng phải bỏ ra một chút công phu nào hết. Vừa lúc đó, gió bỗng tắt hẳn, cảnh vật yên lặng, không một hơi gió thoảng qua, một vị thần đã khiến sóng êm phăng phắc. Các bạn tôi đứng lên cuốn buồm lại, bỏ vào khoang thuyền, rồi ngồi xuống, đập mái chèo bằng gỗ thông láng bóng xuống biển, làm bọt nước trào lên trắng xoá. Còn tôi, với thanh kiếm đồng mài sắc, tôi cắt lấy một bánh sáp to rồi nhào nhuyễn trong đôi tay vạm vỡ. Chẳng bao lâu sáp mềm ra dưới sức mạnh và ánh nắng rực rỡ của Hê-li-ôx (Helios), con trai quyền thế của Hi-pê-ri-ông (Hyperion). Tôi lần lượt nút chặt tai cho các bạn đồng hành, còn họ thì buộc tay chân tôi lại. Tôi đứng dưới cột buồm, và họ lấy dây thừng trói tôi vào đấy. Thế rồi họ ngồi xuống, đập mái chèo xuống mặt biển ngầu bọt xám. Khi chúng tôi chỉ còn cách đảo nọ khoảng chừng một tiếng hú, các bạn tôi hối hả chèo nhanh hơn nữa, nhưng vì thuyền chúng tôi nhấp nhô trên sóng đi gần đảo quá nên không lọt khỏi mắt các nàng Xi-ren. Họ bèn cất tiếng du dương lên hát:
- Hỡi Ô-đi-xê nức tiếng gần xa, quang vinh vô tận của người A-cai (Achae), mời chàng hãy lại đây, dừng thuyền nghe chúng em hát đã. Xưa nay chưa từng có người nào đi thuyền đen qua đây mà không dừng lại nghe tiếng hát dịu dàng êm ái của chúng em, khi ra đi ai cũng say mê và cảm thấy mình thông thái hơn. Vì chúng em biết, do ý muốn của thần linh, quận Tơ-roa và quân Ác-gốt (Argos) đã phải đau khổ như thế nào trên đất Tơ-roa bao la, và chúng em cũng biết mọi sự xảy ra trên mặt đất nuôi sống muôn loài.
Họ cất tiếng du dương hát lên như vậy. Và tôi, lòng nao nức muốn nghe họ quá, tôi nhích lông mày ra hiệu để các bạn đồng hành cởi trói cho tôi, nhưng họ càng ra sức cúi rạp xuống mái chèo, trong khi Pê-ri-mét (Perimedes) và Ơ-ri-lô-cốt (Eurylochus) vội vàng đứng lên, lấy thêm dây trói tôi càng chặt hơn nữa. Khi đã đi khỏi các nàng Xi-ren, không nghe thấy tiếng nói và giọng hát của họ nữa, các bạn trung thành của tôi mới rút sáp ở tai ra và cởi trói cho tôi.
Vừa đi khỏi đảo, tôi bỗng thấy bụi nước bắn lên như một làn sóng từ những ngọn sóng lớn và nghe tiếng sóng đập ầm ầm.
Các bạn tôi sợ quá, đánh tuột cả mái chèo, khiến chúng rơi tõm xuống biển và trôi là là mặt nước. Thuyền đứng ngay lại, vì họ không điều khiển những mái chèo thon dài nữa. Tôi bèn đi từ đầu đến cuối thuyền, dừng lại bên mỗi người, lựa lời dịu ngọt khuyến khích họ:
- Các bạn ơi! Chúng ta chẳng phải là những người chưa qua thử thách. Tai hoạ đang chờ chúng ta chưa hẳn đã ghê gớm hơn hồi tên Xi-clốp (Cyclop) đem cả sức mạnh hung tàn của hắn, nhốt chúng ta trong hang. Nhưng nhờ có lòng dũng cảm, với lời khuyên và mưu trí của ta, nên chúng ta cũng đã thoát nạn, chắc các bạn vẫn còn nhớ rõ.
Và bây giờ các bạn hãy can đảm lên, tất cả hãy nghe ta. Các bạn ngồi bên cọc chèo, hãy đập sâu mái chèo xuống nước, thủ xem may ra Dớt (Zeus) có cho ta qua được bước nguy nan này và thoát chết chăng. Còn bạn hoa tiêu, hãy nghe lệnh ta và nhớ cho kĩ, vì bạn cầm lái chiếc thuyền trũng này. Bạn phải lái tránh màn sương và những ngọn sóng kia, cẩn thận cho thuyền ven theo dãy đá ngầm nọ, kẻo nó đi chệch hướng trong lúc bạn sơ tâm không biết, rồi trôi ào tới đằng kia mà đẩy chúng ta vào chỗ chết đó.
Tôi nói vậy, và họ vội vã tuân theo. Tôi không đả động gì tới Xi-la, tai hoạ không sao tránh khỏi, vì họ sợ quá, không chèo thuyền nữa mà trốn cả xuống khoang chăng. Thế là tôi quên khuấy mất lời dặn dò ác nghiệt của Xi-ếc-xê. Nàng cấm tôi không được cầm khí giới, nhưng tôi đã mặc bộ áo giáp quang vinh của tôi và nắm trong tay hai ngọn lao dài, ra đứng ở mũi thuyền, tưởng rằng đứng đấy tôi có thể nhận được ngay Xi-la khi nó ở núi đá hiện lên, xông vào các bạn tôi để hãm hại. Nhưng tôi mỏi mắt nhìn khắp dãy núi đá mờ mịt hơi sương mà vẫn không thấy nó đâu.
Chúng tôi vừa than vãn vừa chèo thuyền tiến thẳng vào eo biển hiểm nghèo, một bên là Xi-la, một bên là Ka-ríp ùng ục ngốn nước biển. Mỗi lần nó nhả nước ra, cả biển khơi đều chuyển động, sôi lên như nước trong chảo đặt trên một bếp lửa hồng, bọt nước phun lên cao và rơi xuống cả hai dãy núi. Rồi khi nó lại nuốt nước vào thì làm biển sùng sục cuộn lên; vách đá xung quanh kêu réo ghê sợ, và đáy biển lộ ra với mặt cát đen thẫm. Các bạn đồng hành của tôi hoảng hốt, sợ tái xanh cả mặt.
Trong lúc sợ chết, chúng tôi chỉ chú ý đến Ka-ríp, nhưng lúc đó, Xi-la bỗng bắt mất trong thuyền sáu tay chèo khoẻ nhất của tôi. Khi tôi quay nhìn lại chiếc thuyền nhanh nhẹn và các bạn đồng hành, thì chỉ còn thấy chân tay họ giãy giụa trên không. Họ hoảng sợ kêu thét lên, gọi tên tôi lần chót. Cũng như người đi câu ngồi trên mỏm đá cao, từ đầu cần câu dài tung xuống biển cái sừng bò hoang đựng mồi cho cá nhỏ rồi quăng lên bờ những con cá câu được, còn giãy đành đạch; các bạn đồng hành của tôi bị lôi vào đá cũng giãy lên như vậy, và Xi-la ăn thịt họ ở cửa hang, trong khi họ đang kêu gào, hoảng hốt giơ tay về phía tôi cầu cứu. Đó chính là cảnh thương tâm nhất mà mắt tôi thấy được trong thời gian lênh đênh trên mặt biển tìm đường.
Theo Ô-đi-xê - Hô-me-rơ, Phan Thị Miến dịch, NXB Văn học, Hà Nội, 1983, tr. 85 – 89.
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Những thử thách mà Ô-đi-xê gặp phải trên đường trở về quê hương cho thấy điều gì?
Dòng nào nói đúng về ngôi kể của văn bản Gặp Ka-ríp và Xi-la?
Cảm hứng chủ đạo của đoạn trích là gì?
Dòng nào sau đây là đúng?
ĐĂM SĂN ĐI CHINH PHỤC NỮ THẦN MẶT TRỜI
(Trích Đăm Săn, sử thi Ê-đê)
(Lược dẫn: Sau một chuyến đi dài phiêu lưu, mạo hiểm, bất chấp mọi lời can ngăn, vượt qua bao nhiêu thử thách, Đăm Săn cũng đến được nhà của nữ thần Mặt Trời).
Thế là Đăm Săn ra đi. Chàng đi hết rừng rậm đến núi xanh, cỏ tranh xé tay, gai mây đâm chân, không màng ăn uống. Chàng đi, đi mãi, rừng núi quạnh hiu, vắng như không, không như vắng. Nhưng rồi chàng cũng đến được bãi thả trâu bò, rồi bãi thả diều làng ông Đu, ông Điê.
Chàng nhác thấy bóng đàn ông một người, bóng đàn bà một người. Sau đó là cảnh người đi lại như trong sương mù. Chàng liền đến giếng làng xem, thì thấy dưới giăng dây đồng, trên giăng dây vàng, ở giữa là những máng nước son nước Grư ửng lên một màu đỏ rực. Cảnh làng của người anh giữ mặt trời, người em giữ mặt trăng này Đăm Săn thấy quả là đẹp. Chỗ anh em họ ở là một cánh núi ngăn một dòng nước đục chảy cho đến nơi đất giáp với trời. Chàng đi đến nhà cô gái không chồng, nàng Hơ Kung của chàng Y Đu. Nàng thì đã vào ở giữ mặt trăng, còn chàng thì đã vào ở giữ mặt trời. Ở đây sấm nổ ầm ầm, mưa đổ ào ào, tiếng vó ngựa ngày đêm rầm rập. Từ đây Đăm Săn đúng ngắm ngôi nhà của nữ thần Mặt Trời. Cầu thang trông như cái cầu vồng. Cối giã gạo bằng vàng, chày cũng bằng vàng. Chày nhà tù trưởng giàu có này giã gạo trông cứ lấp la lấp lánh.
Đăm Săn xuống ngựa, tháo yên. Chàng vươn bước lên cầu thang thì trong nhà người ta đã nghe. Chàng vươn người trên sàn hiên thì trong nhà người ta đã nghe. Chàng dậm chân bước trên sàn hiên thì người ta đã thấy. Chàng vào nhà. Toà nhà dài dằng dặc, voi đúng vây chặt sàn hiên, chiêng xếp đầy nhà ngoài, cồng chất đầy nhà trong, tôi trai tớ gái như con ong đi lấy nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, các xà ngang và dọc đều dát vàng. Quả thật chàng chưa hề thấy một ngôi nhà nào như vậy cả.
Đăm Săn gác chà gạc lên rồi đến ngồi trên ghế. Người đi ra đi vào nhà trong nhà ngoài đưa mắt nhìn chàng, thấy chàng oai như một vị thần. Tiếng xì xào ca ngợi chàng đã vọng tới tai nữ thần Mặt Trời ở nhà trong.
NỮ THẦN: - Ơ các con, ơ các con, khách nào ở ngoài ấy?
NGƯỜI HẦU: - Thưa bà, chúng con không được quen. Khách này mặc một áo lụa đẹp, thêm một áo chiến cũng thật là đẹp. Lông chân như chải, lông đùi như chuốt. Tiếng nghe như chong chóng gõ mõ. Khắp các tù trưởng đầu làng không có một ai như khách cả.
Nữ thần bó váy cũ mặc váy mới. Chưa hài lòng với váy này, nàng lấy váy kia. Nàng mặc một váy ánh như sét, loáng như chớp. Mái tóc nàng vén bên tai trông thật là đẹp. Nàng từ trong buồng đi ra, cửa buồng liền bừng sáng. Nàng đi trông như diều bay ó liệng, như nước lững lờ trôi cũng không bằng. Khi lỡ chân hụt bước, nàng dừng lại đứng yên. Đầu nghiêng cúi xuống, hay nàng ngồi thụp xuống, đầu nhè nhẹ ngẩng lên. Tiếng nàng lanh lảnh, người chưa tới mà tiếng đà vẳng lại. Thật không thấy có một ai như nàng cả. Trước mặt Đăm Săn là người con của thần Đất và thần Trời, với một thân hình như cái nụ tai, với một cái cổ như cổ con công.
NỮ THẦN: - Hỡi người con của trần thế, ngươi muốn gì?
ĐĂM SĂN: – Tôi đến đây, tôi muốn có người nấu cơm canh tôi ăn, dệt khố áo tôi mặc.
NỮ THẦN: – Thế phải chăng ngươi còn là lưỡi dao chưa tra cán, còn là cái then chưa tra chốt, là gái còn ở không, là trai còn ở rỗi?
ĐĂM SĂN: Tôi là lưỡi dao đã vướng cán, là lưỡi giáo đã có tay cầm. Dưới trần gian, trai gái nào mà không có đôi có lứa.
NỮ THẦN: – Thế sao bây giờ ngươi còn ưa đằng lưng, còn ưng đằng bụng, còn nói nói cười cười? Ngươi nghĩ gì vậy?
ĐĂM SĂN: - Tôi muốn có hai vợ lẽ, tôi muốn cả ba vợ tôi đều là những nàng tiên xinh đẹp. Tôi muốn đưa nàng xuống trần làm juê, làm êngai, làm chị làm em với Hơ Nhị, Hơ Bhị.
NỮ THẦN: - Ủa, sao lạ lại đi? Tạo hoá đã định quê hương đất tổ của Mặt Trời, Mặt Trăng là nơi cuối đất chân trời này rồi cơ mà.
ĐĂM SĂN: – Nàng dù không đi thì tôi cũng đã rẽ đất đến đầu gối, lội bùn đến ngang hông, đội đất đội bùn để đến nhà nàng rồi.
NỮ THẦN: - Nhưng nếu ta đi thì lợn dưới gà trên, cọp, tê giác, ngựa, trâu sẽ chết hết. Chết cả người Khơ-me, người Lào vì hết đất làm nương. Chết cả người Ê-đê Ê-ga vì không còn nước uống. Chết cả gầm ghì cu xanh vì không còn trái ăn. Nếu ta đi, cây trong rừng sẽ tuyệt diệt, cây trên rú sẽ chết khô, lau lách sẽ ngừng đâm chồi, cỏ cây sẽ tàn lụi, đất đai sẽ nứt nẻ, sông suối sẽ cạn khô. Thôi, người hãy đi lấy gùi nước về đi! Ta sắp ra đi đây.
ĐĂM SĂN: - Tôi không về. Tôi đã cầm cây chà gạc phát rẫy mới này, tôi rạch rừng, tôi giết tê giác trong thung, giết cọp beo trên núi, giết kên kên, quạ dữ trên ngọn cây, chém ma thiêng quỷ ác trên đường đi. Tôi thương nàng da diết, lòng dạ tôi không nguôi, vì vậy tôi đã đến đây với nàng, muốn cùng nàng nên nghĩa vợ chồng, có lấy được nàng tôi mới về.
NỮ THẦN:- Thôi, người hãy xuống khỏi cái sàn nhà này ra về đi! Ta là con của Trời, dù người mới chỉ được ăn cơm, tắm nước lã, hương nghệ chưa vương cũng mặc!
ĐĂM SĂN: – Tôi nghĩ tôi thương nàng, hỡi người con của thần Trời. Nhưng cho đến bây giờ đằng lưng nàng đã không ra, đằng bụng nàng cũng không ưng, cả tiếng nói tiếng cười với tôi nàng cũng tiếc. Tôi đành quay về làng hoang nhà cũ của tôi vậy. Tôi quay về ăn thịt trâu thịt bò của tôi vậy.
NỮ THẦN: - Ấy, người đừng ra về vội! Ta ra đi đây. Ngươi chết mất.
ĐĂM SĂN: - Mặc, sống được chết đành! Tôi về đây.
Thế là Đăm Săn ra về. Chàng nhảy lên ngựa ra đi.
Lúc này, mặt trời mới ló lên ở đầu núi, ngựa của Đăm Săn kiệu vẫn còn êm. Khi ngựa đến giữa Rừng Đen thì mặt trời đã lên cao, mỗi lúc một thêm cao, ngựa bắt đầu bị dính ở chân. Mặt trời lên cao nữa, khi nó chấm ngang cây xà dọc phía đông thì đất loãng ra. Ngựa tuy nhiên vẫn còn chạy được, nó tiếp tục chạy nhưng lún dần, cho đến khi ngập ngang đầu gối. Từ đó, nó phải đi bước một, cứ bước một đi mãi. Khi mặt trời đã chênh chếch cây xà dọc phía đông thì ngựa đã lún đến sát bẹn, nhưng nó vẫn ráng bước tới. Cho đến khi mặt trời đứng bóng thì ngựa không sao bước tới được nữa.
(Trích Đăm Săn, in trong Sử thi Ê-đê, Nhiều tác giả, Nguyễn Hữu Thấu dịch và chú thích, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988, tr. 210 – 214)
Đọc văn bản và trả lời câu hỏi:
Không gian của sử thi được thể hiện như thế nào trong văn bản?
Nhân vật Đăm Săn có đặc điểm nào của kiểu nhân vật trong Sử thi?
Vì sao khi nhắc đến Đăm Săn, người kể chuyện sử dụng giọng điệu thương tiếc nhưng không nhuốm màu bi lụy?