Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 0 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Thực hành đọc hiểu: Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ SVIP
Nội dung này do giáo viên tự biên soạn.
THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU: TÌNH CẢNH LẺ LOI CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ
(Trích Chinh phụ ngâm)
Nguyên tác chữ Hán: Đặng Trần Côn
Bản diễn Nôm hiện hành: Chưa rõ tác giả
I. Đọc và tìm hiểu chung
1. Tác giả: Đặng Trần Côn
- Sống ở thế kỉ XVIII, chưa rõ năm sinh năm mất.
- Quê ở Hà Nội.
2. Tác phẩm
- Xuất xứ: Trích từ tác phẩm Chinh phụ ngâm, khúc ngâm do Đặng Trần Côn sáng tác bằng chữ Hán khoảng năm 1741. Sau đó được diễn Nôm thành nhiều bản khác nhau. Bản hiện hành được coi là thành công nhất và được thể hiện bằng thơ song thất lục bát, dài 412 dòng. Lâu nay, bản này được cho là của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), nhưng có người cho là của Phan Huy Ích (1750 - 1822)
- Vị trí đoạn trích: Trích từ dòng 209 - dòng 228.
- Nội dung đoạn trích: Thể hiện nỗi nhớ chồng da diết và khát vọng hạnh phúc sum vầy của người chinh phụ.
- Bố cục: 2 phần
+ Phần 1: Tám câu thơ đầu: Nỗi thương nhớ chồng nơi phương xa của người chinh phụ.
+ Phần 2: Sáu câu thơ tiếp: Nỗi cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ.
+ Phần 3: Sáu câu thơ cuối: Khát vọng hạnh phúc gửi gắm qua bức tranh thiên nhiên.
II. Tìm hiểu văn bản
1. Đề tài, chủ đề
Thể thơ song thất lục bát rất phù hợp trong việc thể hiện đề tài, chủ đề này. Nó thích hợp để diễn tả những tâm tư, tình cảm của con người, đặc biệt là những tình cảm ai oán, xót thương của ngâm khúc bởi có sự kết hợp tính chất của hai thể loại: thất ngôn (cổ kính, trang trọng) và lục bát (bình dị, trữ tình). Giọng điệu của thể song thất lục bát da diết, âm điệu xoắn xuýt, hòa quyện giữ câu thất và câu lục bát.
2. Tâm trạng của người chinh phụ trong hoàn cảnh chiến tranh
a. Nỗi thương nhớ chồng nơi phương xa của người chinh phụ
- Nỗi thương nhớ chồng được thể hiện rất rõ qua các hình ảnh ước lệ: "gió đông", "nghìn vàng", "non Yên" kết hợp với câu hỏi tu từ: "Lòng này gửi gió đông có tiện?"
+ Gió đông: gió mùa xuân, gió báo tin vui, thể hiện sự sum họp, đoàn viên.
+ Nghìn vàng: tượng trưng cho tình cảm tha thiết của người vợ.
+ Non Yên: núi Yên Nhiên, nơi phương bắc xa xăm – nơi người chồng đang chinh chiến.
- Không gian: xa cách, rộng lớn
+ Những hình ảnh ước lệ "non Yên", "đường lên bằng trời" cùng với tính từ "thăm thẳm" đã gợi nên sự xa cách muôn trùng giữa người chinh phu và người chinh phụ. Không gian trong đoạn thơ đã được mở rộng ra về chiều kích và nỗi nhớ của người chinh phụ gửi tràn vào cả không gian bao la rộng lớn ấy.
+ Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ: điệp vòng "non Yên", "trời", kết hợp với từ láy "thăm thẳm" đã khắc họa rõ nét khoảng cách về không gian cũng như gợi nên tâm trạng thương nhớ khôn nguôi của người chinh phụ.
- Thời gian: dài
Không chỉ tràn vào không gian, nỗi nhớ chồng còn đượm trong thời gian chia li. Tác giả đã sử dụng từ "đằng đẵng" để diễn tả điều này.
Từ "thăm thẳm" không chỉ gợi nên không gian cao rộng mà còn gợi nên thời gian xa cách dài lâu và cả độ sâu của nỗi nhớ.
=> Nỗi nhớ của nàng chinh phụ đã được cụ thể hóa, có thể đo đếm được bằng độ dài của thời gian và độ rộng của không gian. Không gian thì vô tận, thời gian thì đằng đẵng, nỗi nhớ thì vô cùng.
- Không chỉ thể hiện nỗi nhớ qua các hình ảnh thơ, qua khắc họa không gian, thời gian, người phụ nữ còn bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ của mình: "Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời", "Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong".
- Tâm trạng của người chinh phụ thấm vào cảnh vật, khi người "thiết tha lòng" thì cũng khiến cho "cảnh buồn". Câu thơ "Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun" đã gợi ra bức tranh cảnh vật buồn thương, vắng vẻ, u sầu. Hình ảnh "cành cây sương đượm" gợi nên hình ảnh buốt giá, lạnh lẽo, kết hợp với âm thanh của "tiếng trùng mưa phun" càng làm tăng thêm sự ảo não, tăng thêm nỗi sầu nhớ da diết.
b. Nỗi cô đơn, lẻ loi của người chinh phụ
Nỗi cô đơn, sầu muộn của người chinh phụ được thể hiện qua bức tranh thiên nhiên trong sáu câu sau.
- Hình ảnh thiên nhiên não nùng, lạnh lẽo được khắc họa qua những động từ mạnh: "Sương như búa, bổ mòn gốc liễu"; "Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô". Vì nỗi nhớ nhung, nỗi cô đơn trong lòng, người chinh phụ nhìn thiên nhiên mà thấy sự khắc nghiệt, tàn phá của nó. Miêu tả thiên nhiên dữ dội, tác giả đồng thời thể hiện sự buồn khổ, héo hắt giày vò trái tim người phụ nữ.
- Âm thanh xuất hiện trong bức tranh thiên nhiên cũng góp phần miêu tả tâm trạng của người chinh phụ.
+ Tác giả đã lấy cái động để tả cái tĩnh, lấy tiếng chuông chùa để gợi nên sự vắng lặng của không gian.
+ Tiếng "sâu tường" vang lên đơn điệu, nhàm chán càng làm tăng sự hiu quạnh nơi đây.
+ Tiếng dế kêu, tiếng gió thốc càng điểm thêm vào không gian ấy sự hắt hiu.
c. Khát vọng hạnh phúc gửi gắm qua bức tranh thiên nhiên
- Thiên nhiên ở trong sáu câu thơ cuối vẫn góp phần đắc lực trong việc thể hiện tâm trạng của con người. Tác giả đã sử dụng những hình ảnh "hoa", "nguyệt" trong sự quấn quýt, gắn bó trong phép điệp từ thể hiện khát khao tha thiết về hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ trong hoàn cảnh chiến tranh. Những khát khao ấy như từng đợt sóng ùa vào lòng người phụ nữ cô đơn, lẻ loi ấy.
- Câu cảm thán đã thể hiện trực tiếp nỗi lòng của nàng. Từ "xiết đâu" không chỉ là nỗi khát khao không tả xiết về hạnh phúc, mà nó còn thể hiện sự thất vọng trước thực tại chia li.
III. Tổng kết
1. Nội dung
Đoạn trích khắc họa tình cảnh cô đơn, lẻ loi và tâm trạng nhớ thương mãnh liệt, đợi chờ mòn mỏi, da diết của người phụ nữ có chồng đi chinh chiến. Đó không phải hoàn cảnh riêng của một người mà nó là đại diện cho những người phụ nữ bất hạnh nói chung. Từ đó ta không khỏi cảm thông cho số phận của những người phụ nữ ấy, đồng thời phê phán, lên án chiến tranh phi nghĩa đã chia rẽ hạnh phúc của con người.
2. Nghệ thuật
- Những hình ảnh ước lệ, tượng trưng giàu sức gợi.
- Biện pháp điệp ngữ gợi sự da diết, nỗi nhớ vơi đầy.
- Những từ láy, từ tượng hình, tượng thanh giàu sức biểu cảm.
- Bút phảp tả cảnh ngụ tình đặc sắc.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây