Bài học cùng chủ đề
Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Viết bài văn kể lại một câu chuyện SVIP
I. ĐỊNH HƯỚNG
* Khái niệm
Trong bài văn kể lại một chuyến đi, người viết kể lại các sự việc của chuyến đi mà mình đã tham gia (một chuyến đi), có kết hợp với yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc cả hai yếu tố này để tăng sự sinh động cho bài viết.
* Yêu cầu đối với kiểu văn bản
- Kể lại một chuyến đi theo ngôi thứ nhất.
- Nêu được các thông tin cơ bản về chuyến đi; miêu tả quang cảnh, không gian, thời gian diễn ra chuyến đi.
- Kết hợp với yếu tố miêu tả hay biểu cảm, hoặc cả hai yếu tố để bài văn thêm sinh động, hấp dẫn.
- Bố cục bài viết cần đảm bảo:
II. HƯỚNG DẪN PHÂN TÍCH KIỂU VĂN BẢN
Về Ba Tri thăm Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu
Mỗi chuyến đi mà chúng ta tham dự thường để lại trong mỗi người những bài học, những ý nghĩa riêng. Đối với tôi (*) và nhiều bạn trong lớp, chuyến đi thăm Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) là một trong những chuyến đi như vậy. Chuyến tham quan này được tổ chức cho học sinh khối lớp Bảy của trường vào cuối tháng Ba năm ngoái.(1)
Hôm ấy là một ngày đẹp trời, tất cả chúng tôi háo hức (**) dậy từ rất sớm. 6 giờ 30 phút, đoàn chúng tôi khởi hành. Ba chiếc xe du lịch chở hơn một trăm học sinh của trường từ từ lăn bánh, rồi tăng tốc, bon bon chạy về Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. (2), (2a)
Xe vừa chuyển bánh đã nghe tiếng anh chị hướng dẫn vồn vã chào hỏi, chúc mừng mọi người trong đoàn. Sau khi nêu các quy định cần thực hiện khi vào điểm tham quan, các anh chị thay nhau giới thiệu cho chúng tôi nghe sơ lược về cuộc đời, thơ văn cụ Đồ Chiểu. Nhờ đó, chúng tôi biết rõ hơn cụ Đồ Chiểu là ai, hoàn cảnh riêng của cụ trong hoàn cảnh chung của đất nước hồi bấy giờ như thế nào, tại sao tuy bị mù loà mà cụ vẫn sáng tác được thơ văn, và vẫn có thể hăng hái góp sức mình vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. (2b) (***)
Khoảng 8 giờ 30 phút, xe đến điểm tham quan. Chúng tôi xuống xe tập hợp theo đội hình và theo anh chị hướng dẫn du lịch đi vào khu di tích. (2c) Điểm đầu tiên chúng tôi vào thăm là khu đền thờ, gồm đền thờ cũ và đền thờ mới. Đền thờ cũ cổ kính lưu giữ vết tích của thời gian. Đền thờ mới khang trang cho thấy tấm lòng kính trọng, biết ơn của hậu thế đối với cụ Đồ. Nhưng điểm tham quan thu hút nhất đối với tôi là đền thờ mới. (2d) Đó là một khu nhà kiên cố dựng theo hình tròn thoáng đãng, mái ngói màu xanh, nền lát gạch bóng, rất khang trang, trên các cửa ra vào và trần nhà trang trí hình hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá, hay trống đồng,... Theo bảng chỉ dẫn, chúng tôi bước lên tầng trên của ngôi đền, nơi đặt bức tượng cụ Nguyễn Đình Chiểu bằng đồng to cao như hình người thật. (***) Chúng tôi đứng theo hình vòng cung ngắm nhìn chân dung cụ Đồ, các bức phù điêu hoành tráng phía sau và nghe cô hướng dẫn viên kể về thân thế, sự nghiệp của cụ. Giọng cô thật truyền cảm, vừa trong trẻo vừa ấm áp, nhất là khi cô đọc thơ cụ:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. (**)
Cô cho biết: hằng năm, vào dịp ngày sinh và ngày mất của cụ Đồ (ngày 1 và ngày 3 tháng Bảy), chính quyền và nhân dân trong tỉnh tổ chức lễ hội truyền thống với nhiều chương trình phong phú. Đây là dịp thể hiện tình cảm tốt đẹp mà nhân dân địa phương và cả nước dành cho cụ. Tôi ước gì có thể đến đây đúng dịp ấy để được tham gia các hoạt động tưởng niệm như dâng hương, đọc văn tế, nói thơ Vân Tiên, thi hoá trang, xem trích đoạn cải lương Lục Vân Tiên – Kiều Nguyệt Nga và tham gia các hoạt động vui chơi sôi nổi khác. (**)
Theo kế hoạch, đoàn còn tham quan một số điểm quan trọng khác như: nhà bia, phòng trưng bày, khu lăng mộ,.. Sau đó, đến giờ hẹn, chúng tôi đi ra điểm tập kết để lên xe trở về trường. (2đ)
Với tôi, đây thật sự là một chuyến đi đáng nhớ và có nhiều ý nghĩa. Trên đường về, tôi cứ nghĩ miên man với câu hỏi: Trong hoàn cảnh khó khăn như cụ Đồ, liệu có mấy người vẫn có thể sống có ích, vẫn đấu tranh và làm việc nghĩa được như cụ...? Càng nghĩ, tôi càng khâm phục tấm lòng yêu nước thương dân, cốt cách bình dị, gần gũi, nghị lực phi thường và những gì mà cụ Đồ Chiểu đã làm được cho đời. Trong tâm trí tôi lại văng vẳng giọng đọc truyền cảm của cô hướng dẫn khu di tích về cốt cách cụ Đồ: (3)
Nhân nghĩa sáng ngời vầng nhật nguyệt,
Văn chương tỏ rạng ánh sao Khuê.
(Nhóm biên soạn)
Chú thích:
(1) Giới thiệu chung về chuyến đi và cảm nhận chung của người viết về chuyến đi.
(2), (2a), (2b), (2c), (2d), (2d) Kể lại diễn biến các hoạt động chính trong chuyến đi: thời gian, địa điểm.
(*) Dùng ngôi thứ nhất.
(**) Kết hợp miêu tả và biểu cảm.
(***) Kết hợp kể chuyện với miêu tả, biểu cảm.
(3) Nêu cảm nhận sâu đậm về chuyến đi.
Từ bài viết trên, xác định các đặc điểm của kiểu văn bản kể lại một chuyến đi bằng cách thực hiện các yêu cầu sau:
1. Đoạn mở bài, kết bài trong văn bản trên đã đáp ứng yêu cầu của kiểu bài kể lại một chuyến đi như thế nào?
2. Liệt kê các sự việc được kể, xác định sự việc chính và trình tự kể về các sự việc trong phần thân bài.
3. Tìm một số, câu văn, từ ngữ trong văn bản cho thấy người viết đã kết hợp kể với miêu tả, biểu cảm. Việc kết hợp các yếu tố đó có tác dụng gì?
- Kết hợp kể với miêu tả (các từ ngữ in đậm), ví dụ:
Ba chiếc xe du lịch chở hơn một trăm học sinh của trường từ từ lăn bánh, rồi tăng tốc, bon bon chạy về Di tích lịch sử Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Đó là một khu nhà kiên cố dựng theo hình tròn thoáng đãng, mái ngói màu xanh, nền lát gạch bóng, rất khang trang, trên các cửa ra vào và trần nhà trang trí hình hoa sen, cuốn thư, ngòi bút, hoa lá, hay trống đồng,...
- Kết hợp kể, miêu tả với biểu cảm (các cụm từ in đậm), ví dụ:
Giọng cô thật truyền cảm, vừa trong trẻo vừa ấm áp, nhất là khi cô đọc thơ cụ...
Trên đường về, tôi cứ nghĩ miên man với câu hỏi: Trong hoàn cảnh khó khăn như cụ Đồ, liệu có mấy người vẫn có thể sống có ích, vẫn đấu tranh và làm việc nghĩa được như cụ...? Càng nghĩ, tôi càng khâm phục tấm lòng yêu nước thương dân, cốt cách bình dị, gần gũi, nghị lực phi thường và những gì mà cụ Đồ Chiểu đã làm được cho đời.
4. Theo người viết, ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi là gì? Ý nghĩa đó được thể hiện trong bài viết bằng cách nào? Việc sử dụng ngôi thứ nhất để kể lại chuyến đi có tác dụng gì trong việc thể hiện ý nghĩa đó?
Ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi được thể hiện trực tiếp trong đoạn kết bài.
Ngôi thứ nhất giúp người viết thể hiện những quan sát, cảm xúc cũng như những trải nghiệm thực tế của bản thân; gây được niềm tin về tính xác thực và việc giao tiếp với người đọc cũng thuận lợi hơn;...
5. Từ bài viết trên, em rút ra được lưu ý gì khi viết bài văn kể lại một chuyến đi?
Tham khảo:
- Cần sắp xếp các sự việc theo trình tự thời gian.
- Cần tạo điểm nhấn để tránh dàn trải, dài dòng khi viết.
- ...
III. HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH VIẾT
Đề bài: Viết bài văn kể lại một chuyến đi đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc (bài viết có sử dụng yếu tố miêu tả hoặc biểu cảm hoặc kết hợp cả hai yếu tố ấy).
Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết
- Trả lời các câu hỏi sau để xác định yêu cầu của đề bài:
+ Chuyến đi nào đã để lại cho em nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc?
+ Mục đích viết bài này là gì (chia sẻ trải nghiệm của em với bạn bè, thầy cô hay để tham gia một cuộc thi viết)?
+ Người đọc bài này có thể là ai? Họ muốn thu nhận được điều gì từ bài viết?
+ Với mục đích và người đọc đó, nội dung và cách viết sẽ như thế nào?
- Để thực hiện được yêu cầu của đề bài, em cần:
+ Xem lại đặc điểm của kiểu bài.
+ Nhớ lại, tập hợp và ghi chép những tư liệu liên quan về chuyến đi mà em đã tham gia.
+ Tìm thêm các tư liệu liên quan đến chuyến đi để bảo đảm sự đa dạng và độ tin cậy của thông tin.
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Em hãy:
- Xác định rõ: hoàn cảnh, lí do, mục đích thực hiện chuyến đi; những người cùng tham dự; phương tiện di chuyển, khung cảnh, không khí chuyến đi; trình tự các hoạt động từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc.
- Xem lại các tư liệu vừa thu thập, đánh dấu và lọc ra các ý cần cho bài viết (ví dụ: các tư liệu liên quan đến địa điểm, thời gian, trình tự diễn biến...).
- Liệt kê các sự kiện cụ thể cần thuật lại, chọn sự kiện chính làm điểm nhấn trong văn bản.
- Liệt kê sự việc, cảnh vật, con người... trọng tâm cho bài viết; lưu ý kết hợp miêu tả hay thể hiện suy nghĩ, tình cảm khi kể.
- Dự kiến một số kiểu câu, từ ngữ quan trọng nhằm tạo điểm nhấn cho bài viết.
- Sắp xếp các ý đã ghi theo trình tự hợp lí vào sơ đồ dàn ý sau:
+ Mở bài:
- Giới thiệu về chuyến đi.
- Nêu ấn tượng ban đầu về chuyến đi.
+ Thân bài:
- Nêu những thông tin cơ bản về chuyến đi.
- Thuật lại chuyến đi (thời gian, địa điểm, sự kiện, cảm xúc,...); kết hợp kể với miêu tả.
- Nêu ấn tượng đặc biệt của người viết khi tham gia chuyến đi.
+ Kết bài:
- Khẳng định lại tình cảm hay suy nghĩ sâu sắc của bản thân qua chuyến đi.
- Nêu giá trị hay bài học từ chuyến đi.
Bước 3: Viết bài
Triển khai bài viết dựa trên dàn ý. Khi viết, cần chú ý đảm bảo các yêu cầu của kiểu bài.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm
- Viết xong, dùng bảng kiểm sau để tự chỉnh sửa bài văn:
Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn kể lại một chuyến đi
- Đọc lại bài văn trong vai người đọc và trả lời các câu hỏi dưới đây:
+ Điều gì của bài văn này làm em thích/ chưa thích?
+ Nên điều chỉnh những gì để bài viết hay hơn?
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây