Báo cáo học liệu
Mua học liệu
Mua học liệu:
-
Số dư ví của bạn: 0 coin - 0 Xu
-
Nếu mua học liệu này bạn sẽ bị trừ: 2 coin\Xu
Để nhận Coin\Xu, bạn có thể:
Bài 2. Đặc điểm địa hình (phần 1) SVIP
1. Đặc điểm chung của địa hình
a. Địa hình đồi núi chiếm ưu thế
- Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích phần đất liền, nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình núi cao trên 2 000 m chỉ chiếm 1% diện tích cả nước.
- Đồi núi nước ta chạy dài 1 400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Nhiều vùng núi lan ra sát biển hoặc bị biển nhấn chìm thành các quần đảo (như vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh trong vịnh Bắc Bộ).
- Địa hình đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích phần đất liền và chia thành nhiều khu vực, phân bố ở phía Đông và phía Nam. Các đồng bằng được hình thành do sự bồi đắp phù sa của sông và biển.
b. Địa hình nước ta được nâng lên ở giai đoạn Tân kiến tạo và tạo thành nhiều bậc kế tiếp nhau
- Lãnh thổ nước ta đã được hình thành vững chắc ở giai đoạn Cổ kiến tạo. Sau đó, các hoạt động ngoại lực đã tác động đến địa hình đồi núi cổ, tạo nên các bề mặt san bằng, thấp và thoải.
- Đến Tân kiến tạo, địa hình nước ta tiếp tục được nâng lên và phân thành nhiều bậc kế tiếp nhau.
+ Từ cao xuống thấp có các bậc địa hình chính là đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa. Trong các bậc địa hình chính lại chia thành các bậc nhỏ hơn.
+ Ví dụ: Trong bậc địa hình đồi núi có núi cao, núi thấp, sơn nguyên, cao nguyên, đồi, bán bình nguyên.
- Trong các bậc địa hình ở nước ta, đồi và núi thấp (dưới 1 000 m) chiếm diện tích lớn nhất.
- Địa hình thấp dần từ đất liền ra biển, trùng với hướng Tây Bắc - Đông Nam của các dãy núi và các dòng sông lớn.
c. Địa hình nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa
- Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm, đá bị phong hoá mạnh mẽ nên bề mặt địa hình được che phủ bởi một lớp vỏ phong hoá dày.
- Khí hậu nhiệt đới gió mùa với lượng mưa lớn và tập trung theo mùa làm cho địa hình bị xâm thực, xói mòn mạnh, càng khiến địa hình bị chia cắt. Bề mặt địa hình dễ bị biến đổi do hiện tượng trượt lở đất đá khi mưa lớn theo mùa.
- Lượng mưa lớn làm quá trình hoà tan đá vôi mạnh mẽ, tạo nên các dạng địa hình các-xtơ độc đáo, nước ngầm xâm thực sâu vào lòng núi đá hình thành những hang động lớn.
- Các quá trình của ngoại lực như xâm thực, xói mòn, rửa trôi, bồi tụ,... đã làm thay đổi bề mặt địa hình. Ở các vùng núi dốc, đặc biệt là những nơi mất lớp phủ thực vật, vào mùa mưa thường xảy ra hiện tượng như đất trượt, đá lở, lũ quét,... thay đổi bề mặt địa hình.
d. Địa hình nước ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của con người
- Con người tác động vào địa hình để làm nơi sinh sống và sản xuất. Các tác động tích cực của con người góp phần bảo vệ địa hình và tăng hiệu quả sản xuất, tạo nên các môi trường nhân tạo mới, tạo nên cảnh quan đẹp và nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Tuy nhiên, con người cũng khai thác tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế,... làm biến đổi các dạng địa hình tự nhiên, đồng thời tạo ra ngày càng nhiều các dạng địa hình nhân tạo như đê, đập, hầm mỏ,...
2. Các khu vực địa hình
a. Địa hình đồi núi
Địa hình đồi núi nước ra chia thành bốn vùng là Đông Bắc, Tây Bắc, Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam.
Vùng núi | Vị trí | Cấu trúc, đặc điểm |
Đông Bắc |
- Nằm ở phía bờ trái của sông Hồng. - Từ dãy núi Con Voi đến vùng đồi núi ven biển Quảng Ninh. |
- Là vùng đồi núi thấp, độ cao trung bình phổ biến dưới 1 000 m. - Đặc trưng là những cánh cung núi lớn (Sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều) và vùng đồi (trung du) phát triển mở rộng (như ở Phú Thọ, Bắc Giang,...). - Địa hình các-xtơ khá phổ biến, tạo nên những cảnh quan đẹp như vùng hồ Ba Bể, vịnh Hạ Long. |
Tây Bắc | Nằm giữa sông Hồng và sông Cả. |
- Địa hình cao nhất cả nước với độ cao trung bình 1 000 - 2 000 m, nhiều đỉnh cao trên 2 000 m. - Trong vùng có nhiều dãy núi cao (như dãy Hoàng Liên Sơn, dãy Pu Đen Đinh) và những cao nguyên hiểm trở chạy song song, kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. - Đặc trưng là địa hình bị chia cắt mạnh, xen giữa các vùng núi đá vôi là các cánh đồng, thung lũng các-xtơ,... |
Trường Sơn Bắc | Kéo dài khoảng 600 km từ phía Nam sông Cả tới dãy Bạch Mã. |
- Là vùng có độ cao trung bình khoảng 1 000 m, một số đỉnh cao trên 2 000 m như Pu Xai Lai Leng (2 711 m), Rào Cỏ ( 2 235 m). - Có nhiều nhánh núi đâm ngang ra biển, chia cắt đồng bằng duyên hải miền Trung. |
Trường Sơn Nam | Từ cực Nam Trung Bộ đến Nam Bộ. |
- Chủ yếu là núi và cao nguyên, có độ cao lớn hơn vùng Trường Sơn Bắc. - Dạng địa hình nổi bật là các cao nguyên rộng lớn, xếp tầng, bề mặt phủ đất đỏ badan. Các khối núi cao nằm ở phía Bấc và phía Nam của vùng có nhiều đỉnh cao trên 2 000 m như Ngọc Linh (2 598 m), Chư Yang Sin ( 2 405 m), Lang Biang ( 2 167 m),... - Địa hình có hướng vòng cung, hai sườn Đông và Tây của dãy Trường Sơn Nam không đối xứng. - Chuyển tiếp giữa miền núi, cao nguyên với miền đồng bằng là địa hình bán bình nguyên Đông Nam Bộ với những thềm phù sa cổ, có nơi cao tới 200 m. |
b. Địa hình đồng bằng
Địa hình đồng bằng nước ta bao gồm đồng bằng châu thổ các sông và các đồng bằng duyên hải miền Trung.
- Đồng bằng sông Hồng:
+ Có diện tích khoảng 15 000 km2, lớn thứ hai nước ta, được hình thành chủ yếu do phù sa của hệ thống sông Hồng bồi đắp.
+ Dọc theo các bờ sông ở đồng bằng sông Hồng, nhân dân ta đã xây dựng hệ thống đê chống lũ khiến đồng bằng bị chia cắt, tạo thành những ô trũng, khu vực trong đê không còn được bồi đắp tự nhiên.
- Đồng bằng sông Cửu Long:
+ Là đồng bằng lớn nhất nước ta, có diện tích trên 40 000 km2, được bồi đắp bởi phù sa của hệ thống sông Mê Công.
+ Phần thượng châu thổ có địa hình tương đối bằng phẳng với nhiều gờ đất cao (giồng đất), phần hạ châu thổ cao trung bình từ 2 - 3 m so với mực nước biển. Trên bề mặt đồng bằng không có đê lớn để ngăn lũ. Vào mùa lũ, nhiều vùng đất trũng rộng lớn bị ngập úng sâu và khó thoát nước như vùng Đồng Tháp Mười, vùng Tứ giác Long Xuyên.
+ Đồng bằng có hệ thống kênh rạch tự nhiên và nhân tạo dày đặc có tác dụng tiêu nước, thau chua, rửa mặn.
- Các đồng bằng duyên hải miền Trung:
+ Có tổng diện tích khoảng 15 000 km2, bị các nhánh núi đâm ngang và ăn sát ra biển chia cắt thành nhiều đồng bằng nhỏ hẹp, rộng nhất là đồng bằng Thanh Hoá có diện tích 3 100 km2.
+ Ít màu mỡ hơn so với hai đồng bằng châu thổ hạ lưu sông do đất có nguồn gốc hỗn hợp từ phù sa sông và phù sa biển, trong đồng bằng có nhiều cồn cát.
c. Địa hình bờ biển và thềm lục địa
- Bờ biển nước ta dài 3 260 km từ Móng Cái đến Hà Tiên, có hai kiểu là bờ biển bồi tụ và bờ biển mài mòn.
+ Bờ biển bồi tụ (tại các châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long) có nhiều bãi bùn rộng, rừng cây ngập mặn phát triển, thuận lợi cho nuôi trồng thuỷ sản.
+ Bờ biển mài mòn (tại các vùng chân núi và hải đảo như đoạn bờ biển từ Đà Nẵng đến Vũng Tàu) rất khúc khuỷu, có nhiều vũng, vịnh nước sâu, kín gió và nhiều bãi cát.
- Thềm lục địa tại các vùng biển Bắc Bộ và Nam Bộ nông và mở rộng, ở vùng biển miền Trung sâu hơn và thu hẹp.
Bạn có thể đánh giá bài học này ở đây