Kiểm tra giữa học kì I trường THPT Văn Lang - Hà Nội (2018 - 2019)
PHẦN I. ĐỌC – HIỂU (5 điểm): Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
“Ngày nào bà lão cũng đi chợ vắng. Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm. Tấm vừa bước ra đã cầm lấy chổi quét dọn nhà cửa sạch sẽ, rồi đi vo gạo thổi cơm, hái rau ở vườn nấu canh giúp bà hàng nước. Đoạn Tấm lại thu hình bé nhỏ như cũ rồi chui vào vỏ quả thị. Lần nào đi chợ về, bà lão cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm ngon canh ngọt sẵn sàng thì lấy làm lạ.
Một hôm bà hàng nước giả vờ đi chợ, đến nửa đường lại lén trở về, rình ở bụi cây sau nhà. Trong khi đó, Tấm từ quả thị chui ra rồi cũng làm các việc như mọi lần. Bà lão rón rén lại nhìn vào các khe cửa. Khi thấy một cô gái xinh đẹp thì bà mừng quá, bất thình lình xô cửa vào ôm choàng lấy Tấm, đoạn xé vụn vỏ thị. Từ đó Tấm ở với bà hàng nước, hai người thương yêu nhau như hai mẹ con. Hàng ngày Tấm giúp bà lão các việc thổi cơm, nấu nước, gói bánh, tên trầu để cho bà ngồi bán hàng.
Một hôm vua đi chơi ra khỏi hoàng cung. Thấy có quán nước bên đường sạch sẽ bèn ghé vào. Bà lão mang trầu nước dâng lên vua. Thấy trầu têm cánh phượng, vua sực nhớ tới trầu vợ mình têm ngày trước cũng y như vậy, liền phán hỏi:
- Trầu này ai têm?
- Trầu này con gái già têm, bà lão đáp.
- Con gái của bà đâu, gọi ra đây cho ta xem mặt.
Bà lão gọi Tấm ra, Tấm vừa xuất hiện, vua nhận ra ngay vợ mình ngày trước, có phần trẻ đẹp hơn xưa. Vua mừng quá, bảo bà hàng nước kể lại sự tình, rồi truyền cho quân hầu đưa đơn kiện rước Tấm về cung.”
(Trích truyện cổ tích Tấm Cám – SGK Ngữ Văn 10, tập 1)
Câu 1 (1 điểm): Chỉ ra các nhân tố giao tiếp có trong đoạn trích trên?
Câu 2 (1 điểm): Ý nghĩa của chi tiết “Từ trong quả thị chui ra một cô gái thân hình bé nhỏ như ngón tay nhưng chỉ trong chớp mắt đã biến thành Tấm”.
Câu 3 (2 điểm): Hình ảnh “miếng trầu têm cánh phượng” gợi cho em suy nghĩ gì?
Câu 4 (1 điểm): Ước mơ, tư tưởng của nhân dân, bài học rút ra qua truyện cổ tích?
PHẦN II. LÀM VĂN (5 điểm)
Trình bày cảm nhận của em về nhân vật An Dương Vương trong “Truyện An Dương và Mị Châu - Trọng Thủy”.
PHẦN I
Câu 1.
1. Các nhân vật tham gia giao tiếp:
- Vua (cao quý).
- Bà lão hàng nước (già, nhân hậu)
2. Hoàn cảnh giao tiếp: Khi vua đi chơi ngoài hoàng cung, ghé thăm quán nước và nom miếng trầu têm cánh phượng giống miếng trầu của Tấm và hỏi bà cụ.
3. Nội dung giao tiếp: Vua hỏi bà lão về người têm miếng trầu cánh phượng.
4. Mục đích giao tiếp: Vua muốn gặp mặt người đã têm miếng trầu cánh phượng.
5. Phương tiện giao tiếp: ngôn ngữ, lời nói.
6. Cách thức giao tiếp: đối thoại.
Câu 2.
Đây là chi tiết kì ảo nói về sự hóa thân thần kì và sức sống mãnh liệt của cô Tấm. Cô Tấm sau nhiều lần bị mẹ con Cám hãm hại thì bị đẩy ra ngoài hoàng cung, không có cơ hội tái sinh và sống bên vua nữa nhưng lại có cơ hội trở lại là cô Tấm hiền thảo sống bên bà cụ hàng nước.
Câu 3.
- "Miếng trầu têm cánh phượng" là biểu tượng nói về nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam: miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu trở thành tập tục khi con người có như cầu giao tiếp, đối thoại với nhau. Trầu cau không chỉ để ăn hàng ngày mà còn là lễ vật khi đôi lứa giao duyên (sính lễ cưới hỏi),...
- "Miếng trầu têm cánh phượng" thể hiện sự thơm thảo, khéo léo của người têm. Gián tiếp nói đến sự khéo léo và tấm lòng của cô Tấm.
- "Miếng trầu têm cánh phượng" chính là sợi dây liên kết, là tín vật để vua nhận ra cô Tấm.
Câu 4.
- Ước mơ của nhân dân: Thiện luôn thắng ác trong cuộc đấu tranh thiện - ác. Cái thiện luôn được phù trợ và giúp đỡ.
- Bài học rút ra được: Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Muốn có hạnh phúc thì phải đấu tranh, không thể mãi trông chờ kì vọng vào sự may mắn hay lực lượng thần kì.
PHẦN II
Cảm nhận về nhân vật An Dương Vương
1. Mở bài
2. Thân bài
a. An Dương Vương anh minh sáng suốt gắn với công cuộc dựng nước và giữ nước
- Những công lao to lớn của An Dương Vương trong quá trình dựng nước và giữ nước:
+ An Dương Vương dời đô, tiếp nối sự nghiệp của các Vua Hùng. => quyết định táo bạo nhưng rất sáng suốt: dời dô từ Nghĩa Lĩnh về Cổ Loa. Dựa vào đồi núi hiểm trở thì có thể bảo vệ đất nước nhưng không phát triển được. Khi đất nước được bảo vệ, cần phát triển nên cần dời đô.
+ Xây thành Cổ Loa: về đồng bằng mới có cơ hội lưu thông phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa. An Dương Vương tự chuẩn bị cho mình sự che chở nhân tạo là chín vòng thành. Nhưng ngày xây thì đêm đổ. An Dương Vương nhận được sự trợ giúp của Rùa Vàng, chín vòng thành được xây kiên cố, tạo thành cơ hội phát triển. Qua đó thể hiện nhà vua biết trân trọng hiền tài và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ. Đó là vị vua gần dân, đáng kính trọng.
+ Chuẩn bị vũ khí đánh giặc, lo xa: Thành xây xong, Rùa Vàng từ biệt ra về, vua bèn bộc lộ niềm băn khoăn: “Nếu có giặc ngoài thì lấy gì mà chống?”. Rùa Vàng bèn tháo móng vuốt tặng An Dương Vương, nhà vua tìm người tài là Cao Lỗ chế tạo nỏ thần. Chi tiết này thể hiện trí tuệ hơn người, nhãn quan sáng suốt, tinh thần cảnh giác cao độ của người đứng đầu quốc gia.
=> Vị vua anh minh, sáng suốt: dời đô, các biện pháp chống lại sự xâm lược từ bên ngoài.
=> Kết quả: chiến thắng Triệu Đà lần thứ nhất.
=> Nhận xét:
+ An Dương Vương anh minh, sáng suốt, có tinh thần cảnh giác cao độ và có ý chí quyết tâm đánh giặc. Đây là một vị vua lí tưởng trong quan niệm dân gian.
+ Mỗi khi An Dương Vương gặp khó khăn lại nhận được sự trợ giúp của thần linh (Rùa Vàng) chứng tỏ những việc làm của An Dương Vương là chính nghĩa.
b. An Dương Vương mất cảnh giác và bi kịch mất nước
* Nguyên nhân:
- An Dương Vương mất cảnh giác:
+ Triệu Đà biết không thể chống lại vũ khí đánh xa và chín vòng thành của An Dương Vương nên tìm cách trì hoãn bằng cách cầu hòa. An Dương Vương không nhận ra mưu sâu kế hiểm ấy nên nhận lời. Hơn nữa, việc chấp nhận lời cầu hòa cũng là giải pháp của người xưa để tránh việc binh đao, gây oai oán tang thương cho nhân dân.
+ Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho Trọng Thủy. => An Dương Vương cũng không mảy may nghi ngờ, nhận lời gả đứa con gái cưng duy nhất của mình cho con trai kẻ thù. An Dương Vương không hề có kế sách đối phó.
+ An Dương Vương cho Trọng Thủy sang ở rể theo tục lệ của nước Âu Lạc.
=> An Dương Vương không mảy may nghi ngờ, cực kì mất cảnh giác:
+ Người đứng đầu quốc gia như vậy thì con gái là Mị Châu cũng không hề nghi ngờ, để con trai kẻ thù là nội gián.
+ Trước đây cảnh giác bao nhiêu, An Dương Vương còn thông minh sáng suốt dời đô về đồng bằng để khẳng định chủ quyền và chủ động kế sách ứng phó đánh giặc. Ngài đã chuẩn bị chín vòng thành và vũ khí đánh xa nhưng đến đây hoàn toàn không chút cảnh giác.
- An Dương Vương chủ quan: khi quân lính báo tin Triệu Đà xâm lược lần hai, An Dương Vương vẫn cả cười nói rằng: Đà không sợ nỏ thần của trẫm sao => vẫn tin tưởng vào sức mạnh vạn năng của nỏ thần.
=> An Dương Vương đã đánh mất sự anh minh, sáng suốt của mình.
Cách lí giải thứ nhất: Rùa Vàng là vị thần trí tuệ, khi Rùa Vàng bên cạnh An Dương Vương thì anh minh, sáng suốt nhưng khi Rùa Vàng đi thì trí tuệ rời xa.
Cách lí giải thứ hai: Tâm lí dễ hiểu: khi chiến thắng người ta dễ chủ quan, chiến thắng kẻ thù không khó nhưng chiến thắng tiếng kèn ăn mừng, chiến thắng mình mới khó.
=> An Dương Vương phải đối mặt với bi kịch
* Bi kịch thứ nhất: bi kịch mất nước
- An Dương Vương trước đây hùng mạnh, khiến kẻ thù phải tháo chạy thì nay vì chủ quan, mất cảnh giác mà tự tay làm mất nước.
- An Dương Vương thua trận nhưng ngay cả khi chạy trốn vẫn bị kẻ thù truy đuổi đến cùng đường. Đây là đau khổ nhất của người đứng đầu quốc gia.
* Bi kịch thứ hai: bi kịch của người cha phải tự tay chém đầu đứa con gái yêu – người thân duy nhất của mình
- Mọi thứ không gì quý giá bằng Mị Châu. Thậm chí lúc phải bỏ nước, chạy rút lui, An Dương Vương không hề mang theo vàng lụa, gia sản, ấn tín mà chỉ mang theo đứa con gái yêu. Nhưng nào ngờ, Mị Châu lại ngây thơ, nhẹ dạ tin theo lời dặn, rắc lông ngỗng để Trọng Thủy đuổi theo.
- Lời tố cáo của Rùa Vàng giúp An Dương Vương nhận ra sự thật. Rút kiếm chém con là gạt bỏ tư cách người cha để sống trong tư cách công dân, xử phạt đứa con, người thân duy nhất của mình – rất đau đớn nhưng không thể làm khác.
=> Nhận xét:
+ An Dương Vương đánh mất mình, trở nên mất cảnh giác, chủ quan, mơ hồ với âm mưu của kẻ thù.
+ Hình ảnh An Dương Vương cầm sừng tê bảy nước rẽ nước đi xuống biển là motip nối dài sự sống của văn học dân gian dành cho những người có công. Cái chết của An Dương Vương được bất tử hóa, mĩ lệ hóa. An Dương Vương tuy có tội nhưng là vô tình nên được nối dài sự sống như một sự đền bù nào đó. Nhưng vẫn là tội nên không được tiếp tục sống trên trần gian, cũng không có cái kết huy hoàng như Thánh Gióng.
=>Thái độ của dân gian và sự sâu sắc trong việc lựa chọn chi tiết xây dựng nhân vật của tác giả dân gian.
3. Kết bài.