Đề thi thử chuyên ngoại ngữ môn khoa học xã hội
PHẦN TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Từ bình thản trái nghĩa với từ nào?
A. Ê chề B.Sốt ruột C. Nhanh nhảu D. Mơ mộng
Câu 2: Hãy sắp xếp các câu sau đâu theo trình tự logic
(1) Ông gọi đó là tĩnh điện
(2) Cách đây chừng 2500 năm, nhà bác học Hi Lạp Talet đã phát hiện ra điện khi chà sát một mảnh vải len vào hổ phách
(3) Vì nó quá phân tản và không bền nên người ta rất khó sử dụng nó
(4) Điện luôn luôn tồn tại trong thiên nhiên.
(5) Khi ấy, hổ phách (một loại nhựa hóa thạch) hút được các vật nhẹ như tóc.
A. 2-1-5-3-4 B. 4-2-5-1-3 C. 2-5-3-1-4 D. 4-2-1-5-3
Câu 3: Từ KÌ CỤC dưới đây đồng nghĩa với từ nào?
Tôi mặc một chiếc áo bằng tấm da dê, vạt áo dài tới khoảng lưng chừng hai bắp đùi và một cái quần loe đến đầu gối cũng bằng da dê; quần may bằng tấm da của một con dê đực già, lông dê thõng xuống mỗi bên đến giữa bắp chân, chẳng khác nào quân dài; tôi không có bít tất mà cũng chẳng có giày, nhưng đã làm cho mình được một đôi, chẳng biết gọi là gì, giống như đôi ủng, giống như bắp chân và buộc dây hai bên… nhưng hình dáng hết sức kì cục, chẳng khác gì quần áo của tôi.
A. Trông buồn cười, lạ hoắc B. Nhìn hoàn toàn ngớ ngẩn
C. Khác thường đến mức vô lí D. Hình dáng không cố định
Câu 4: Để nói về tình huống nguy hiểm và bị động, chúng ta dùng câu thành ngữ nào dưới đây?
A. Cá lớn nuốt cá bé B. Cá chậu chim lồng
C. Cá nằm trên thớt D. Trèo cao ngã đau
Câu 5: Các câu sau đây liên kết với nhau bằng phép liên kết nào?
Chàng trai trẻ, thay vì nói chuyện với đồng nghiệp về trách nhiệm công việc hoặc tìm cách thảo luận về vấn đề này với cấp trên, đã tự mình gánh vác hết mọi chuyện. Không lâu sau, anh bắt đầu đuối sức.
(Quà tặng diệu kì, Bí mật đưa bạn đến hạnh phúc và thành công)
A. Phép thế và phép lặp C. Phép lặp và phép liên tưởng
B. Phép lặp và phép nối D. Phép nối và phép thế
Câu 6: Tác giả đã dùng biện pháp nghệ thuật tu từ nào trong câu sau đây?
Anh ấy nói như thế có nghĩa là anh ấy coi trời bằng vung.
A. Chơi chữ B.Nói quá C.Nói tránh D. Hoán dụ
Câu 7: Hãy xác định một từ mà nghĩa của nó không cùng loại với các từ còn lại.
A. Mù mờ B. Lù mù C. Mờ mịt D. Lờ mờ
Câu 8: Hãy hoàn thành câu sau đây:
Trên sân Vicente calderon, với sự tỏa sáng của chân sút………người Pháp Atonie Griezmann, Alentico đã nhẹ nhàng……………đội khách Rayo Vallecano với tỉ số 1-0 để tiếp tục duy trì ………….của mình so với hai đối thủ Barca và Real trong cuộc chiến giành ngôi vương
A. Bất tử - chiến thẳng - khẩu độ C. Uy tín - đánh bại – tiến công
B. Hàng đầu - vượt qua - nhịp độ D. Mãnh liệt - lấn lướt - tiến độ
Câu 9: “Người ta như cây, uốn cây phải uốn từ non” (trích trong Bà nội – Ngữ văn 9) có hàm ý gì?
A. Quá trình uốn người cũng như uốn cây gặp nhiều khó khăn
B.Việc uốn cây phải làm khi cây còn non
C. Mỗi người phải được giáo dục từ nhỏ
D. Uốn người phải mất nhiều thời gian hơn uốn cây
Câu 10: Tác giả dùng biện pháp nghệ thuật tu từ nào trong câu ca dao dưới đây:
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
A. So sánh, chơi chữ C. Chơi chữ, ẩn dụ
B. Nhân hóa, ẩn dụ D. Nhân hóa, hoán dụ
Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu 11 đến câu 15
(1) Bắt đầu từ năm 1990, nhà tâm lý học Peter Salovey ở ĐH Yale và John Mayer ở ĐH New Hampshire đã đưa ra thuật ngữ Trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence, hoặc Emotional Quotient - EQ). Thực tế cho thấy, cảm xúc chỉ đạo trí thông minh có lẽ còn hơn cả logic toán học. Bằng phân tích cấu tạo của bộ não và các xung thần kinh, người ta đã chứng minh được lý trí, mà đại diện là trí thông minh, không có ở dạng thuần túy mà được nuôi dưỡng bởi cảm xúc, và chính phần neocortex (phụ trách suy luận trên não) là nhạc trưởng, nó chỉ đạo, phối hợp, kiểm soát các cảm xúc đột ngột và gán cho chúng một ý nghĩa.
(2) EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác ít nhiều giống với khái niệm mà Gardner gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người. Hơn thế, nó còn là khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc. Người có EQ cao do vậy dễ thích nghi, luôn tìm được sự hòa hợp trong một tập thể, dễ dàng nhận được sự hợp tác hơn những "thiên tài đơn độc" (mà trong thời đại hiện nay, tính tập thể trong làm việc việc hết sức quan trọng). Sau đó, nhà tâm lý học Daniel Goleman xác định cụ thể và có hệ thống hơn trong tác phẩm của ông mang tên Emotional Intelligence.
(3) EQ một phần là bẩm sinh nhưng cũng do giáo dục, rèn luyện mà có được. Việc giáo dục tình cảm phải được thực hiện từ khi trẻ còn nhỏ, hệ thần kinh chưa trưởng thành, có nhiều cơ hội tiếp nhận những cảm xúc mới. EQ không đối lập với IQ, mà mục đích của giáo dục là phát triển song song hai chỉ số này. Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai.
(4) Càng ngày, người ta càng cho rằng EQ quan trọng hơn IQ, như người ta thường nói "với IQ người ta tuyển lựa bạn, nhưng với EQ, người ta đề bạt bạn". Những người thành đạt không phải là người có IQ cao nhất mà có EQ cao nhất.
Câu 11: Đoạn trích trên có sự kết hợp của hai phương thức biểu đạt nào?
A. Thuyết minh và nghị luận C. Biểu cảm và nghị luận
B. Tự sự và nghị luận D. Miêu tả và nghị luận
Câu 12:
Câu: EQ thể hiện khả năng của một người hiểu rõ chính bản thân mình cũng như thấu hiểu người khác ít nhiều giống với khái niệm mà Gardner gọi là trí thông minh trong người và thông minh giữa người.”
Và câu “Hơn thế, nó còn là khả năng chế ngự cảm xúc để thích ứng với hoàn cảnh và kiểm soát các cảm xúc.” có quan hệ gì với nhau?
A. Móc xích B. Nhân quả C. Tương phản D. Tương đồng
Câu 13: Câu: Có những người được thiên phú cả hai, nhưng không ít người lại thiếu cả hai. Trong đoạn (3) diễn tả ý nghĩa nào?
A. EQ và IQ có thể thiếu, có thể thừa’
B. EQ và IQ là do trời đất ban cho mọi người
C. Không phải tất cả mọi người đều có IQ và EQ
D. Những người có IQ và EQ suy nghĩ trái ngược với những người không có IQ và EQ
Câu 14: Đoạn văn trả lời cho câu hỏi “EQ là gì?”
A. Đoạn (1) B. Đoạn (2) C. Đoạn (3) D. Đoạn (4)
Câu 15: Theo nội dung trong một đoạn trích, tại sao người có EQ cao luôn tìm được sự hòa hợp trong tập thể?
A. Vì họ biết kiểm soát cảm xúc dựa trên sự thấu hiểu
B. Vì họ hoàn toàn thích nghi được với mọi hoàn cảnh
C. Vì họ có khả năng hợp tác cao hơn “nhưng thiên tài đơn độc” nhiều.
D. Vì EQ họ là bẩm sinh, giúp họ được người ta đề bạt.
Đọc đoạn trích sau và trả lời từ câu 16 đến 20
Cái mạnh của người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỷ luật rất cao và thái độ rất nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi. Tiếc rằng ngay trong mặt mạnh này của chúng ta cũng lại ẩn chứa những khuyết tật không tương tác chút nào với một nền kinh tế công nghiệp hoá chứ chưa nói tới nền kinh tế tri thức. Người Việt nam ta cần cù thì cần cù thật nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ. Khác với người Nhật vốn cũng nổi tiếng cần cù lại thường rất cẩn trọng trong khâu chuẩn bị công việc, làm cái gì cũng tính toán chi ly từ đầu, người Việt Nam ta thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm “nước đến chân hãy nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”. Do còn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nhỏ và cách sống ở nơi thôn dã vốn thoải mái và thanh thản nên người Việt Nam chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương. Ngay bản tính “sáng tạo’ một phần nào đó cũng có mặt trái ở chỗ ta hay loay hoay “cải tiến”, làm tắt, không coi trọng nghiêm ngặt quy trình công nghệ. Trong một xã hội công nghiệp và “hậu công nghiệp” những khuyết tật ấy sẽ là những vật cản ghê gớm.
(Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới – Vũ Khoan)
Câu 16: Từ thoải mái in đậm trong đoạn văn đồng nghĩa với từ nào dưới đây?
A. Dễ chịu B. Nhẹ nhàng C.Tự do D. Độc lập
Câu 17: Câu: Cái mạnh của người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỷ luật rất cao và thái độ rất nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi” được liên kết với nhau chủ yếu bằng phương thức liên kết nào?
A. Phép nối B. Phép liên tưởng C. Phép lặp D. Phép thế
Câu 18: Tác giả muốn nói đến đức tính nào của con người Việt Nam: Khác với người Nhật vốn cũng nổi tiếng cần cù lại thường rất cẩn trọng trong khâu chuẩn bị công việc, làm cái gì cũng tính toán chi ly từ đầu, người Việt Nam ta thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm “nước đến chân hãy nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”.
A. Tính tháo vát là đức tính được người Việt Nam coi trọng nhất
B. Làm gì cũng vội vội vàng vàng, dù cũng biết lo liệu
C. Không có kế hoạch và xử lí mọi việc theo tình huống nhất thời
D. Rất bình tĩnh, tự tin, không bao giờ phải lo lắng gì cả vì biết chắc thế nào
Câu 19: Đoạn trích trên chủ yếu nói đến điều gì?
A. Khẳng định người Việt Nam có nhược điểm là thiếu đức tính tỉ mỉ và không cẩn trọng
B. Phê phán một số nhược điểm của người Việt Nam
C. So sánh điểm mạnh và điểm yếu của người Việt Nam
D. Lí giải nguyên nhân hình thành và phê phán đặc điểm thiếu sự tỉ mỉ, cẩu thả của con người Việt Nam.
Câu 20: Đoạn văn trên được viết theo quy tắc nào?
A. Song hành B.Móc xích C.Tổng phân hợp D. Diễn dịch
Câu 21: Dựa vào bẳng 20, hãy cho biết nhận định nào sau đây không đúng?
A. Dân cư nước ta tập trung đông nhất ở Đồng bằng sông Hồng
B. Dân cư nước ta tập trung thưa thớt nhất ở Tây Nguyên
C. Dân cư nước ta tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam hơn phía Bắc
D. Dân cư nước ta phân bố không đồng đều
Vùng | Mật độ dân số (người/km2) |
Cả nước | 265 |
Đồng bằng sông Hồng | 1250 |
Trung du miền núi Bắc Bộ | 130 |
Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ | 199 |
Tây Nguyên | 97 |
Đông Nam Bộ | 631 |
Đồng bằng sông Cửu Long | 427 |
Câu 22: Thời cơ Cách mạng tháng Tám chín muồi là khi nào?
A. Nhật vào Đông Dương
B. Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương
C. Phát xít Đức đầu hàng, phe Đồng Minh phối hợp Đồng Minh tiêu diệt phát xít Nhật
D. Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh
Câu 23: Việc làm nào dưới đây thể hiện tính tự chủ?
A. Trong một trận bóng đá, các cầu thủ kiên quyết không chấp nhận quyết định của trọng tài vì cho là quyết định không hợp lí.
B. Cứ mỗi lần đến ngày sinh hoạt đoàn, Hoàng đều đến trường tham gia đúng kế hoạch.
C. Trong giờ học, Minh chủ động làm việc mà em muốn mà không quan tâm tới người hướng dẫn.
D. Để giúp đỡ những người khó khăn, ông trưởng thôn X quyết định yêu cầu mỗi gia đình nộp 50.000 đồng mỗi năm để sung quỹ.
Câu 24: Lựa chọn đáp án đúng điền vào chỗ trống:
Cộng hòa liên bang Đức đối với Liên minh châu Âu (EU) như Việt Nam đối với …………………
A. Đông Nam Á B. Liên hợp quốc C.ASEAN D. Châu Á
Câu 25: Lựa chọn đáp án đúng điền vào chỗ trống:
Ngày 4/7 đối với Mĩ cũng giống như ngày……… đối với Việt Nam.
A.7/5 B.10/3 (âm lịch) C.2/9 D.20/11
PHẦN TỰ LUẬN
Câu 1: Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.
(Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi)
Hình ảnh “Em đứng bên đường như quê hương” gợi lên cảm xúc gì? (trả lời không quá 20 từ)
Câu 2: Đọc đoạn văn sau:
Phải, người họa sĩ già vừa nói chuyện, tay vừa bất giác hí hoáy vào cuốn sổ tì lên đầu gối. Hơn bao nhiêu người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời. Ông thấy ngòi bút của ông bất lực trên từng chặng đường đi nhỏ của ông, nhưng nó như là một quả tim nữa của ông, hay chính là quả tim cũ được “đề cao” lên, do đó mà ông khao khát, mà ông yêu thêm cuộc sống. Thế nhưng, đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc, gian nan. Làm một bức chân dung, phác họa như ông làm đây, hay rồi vẽ dầu, làm thế nào làm hiện lên được mẫu người ấy? Cho người xem hiểu được anh ta, mà không phải hiểu như một ngôi sao xa? Và làm thế nào đặt được chính tấm lòng của nhà họa sĩ vào giữa bức tranh đó? Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành được sáng tác còn là một chặng đường dài. Mặc dù vậy, ông đã chấp nhận sự thử thách.
(Trích Lặng lẽ Sa Pa – Nguyễn Thành Long)
Anh chị hãy trình bày cảm nhận về dụng ý nghệ thuật thể hiện trong phần in đậm ở trên bằng một đoạn văn (150 – 200 từ)
PHẦN TRẮC NGHIỆM
1. B
2. B
3. C
4. C
5. D
6. B
7. A
8. B
9. C
10. B
11. A
12. A
13. C
14. B
15. A
16. C
17. D
18. C
19. B
20. A
21. C
22. C
23. A
24. C
25. C
PHẦN TỰ LUẬN
Câu 1:
Hình ảnh "Em đứng bên đường như quê hương" gợi ra sự gắn bó, kề vai sát cánh của tiền tuyến với hậu phương.
Câu 2:
- Sự bất lực của ngòi bút người nghệ sĩ trước nghệ thuật chính là quả tim nữa của ông.
- Dụng ý nghệ thuật của tác giả: Con người là bất toàn và con đường đi đến nghệ thuật là không hề dễ dàng bởi thế mới khiến con người ta mãi hứng thú, theo đuổi. Đó là cả một cuộc đời, là nguồn sống cho những người nghệ sĩ có đam mê.