Đề thi và Hướng dẫn giải đề thi THPT Quốc gia năm 2019 - 2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHÍNH THỨC | KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2019 – 2020 Bài thi: NGỮ VĂN Thời gian: 120 phút, không kể thời gian phát đề |
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm): Đọc đoạn trích:
Biết nói gì trước biển em ơi
Trước cái xa xanh thanh khiết không lời
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Cái trời kia biển mãi gọi người đi
Bao khát vọng nửa chừng tan giữa sóng
Vầng trán mặt giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm
Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng
Bay trên biển như bồ câu trên đất
Biển dư sức và người không biết mệ
Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa
Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi
(Trước biển, Vũ Quần Phương, Thơ Việt Nam 1945 – 1985, NXB Văn học, 1985, tr. 391)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?
Câu 2. Anh (chị) hiểu nội dung các dòng thơ sau như thế nào?
Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng
Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm
Câu 3. Hãy cho biết hiệu quả của phép điệp trong các dòng thơ sau:
Cái hào hiệp ngang tàng của gió
Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ
Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời
Cái giản đơn sâu sắc như đời
Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích gợi cho anh chị suy nghĩ gì?
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
Câu 2 (5 điểm)
Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc, nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lội màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng. Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng của người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Nếu chỉ mải mê nhìn ngắm khuôn mặt kinh thành của nó, tôi nghĩ rằng người ta sẽ không hiểu một cách đầy đủ bản chất của sông Hương với cuộc hành trình gian truân mà nó đã vượt qua, không hiểu thấu phần tâm hồn sâu thẳm của nó mà dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông? – Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, tập 1, NXB Giáo dục, Việt Nam, 2018, tr. 198)
Cảm nhận của anh (chị) về hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
--------------------HẾT--------------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
ĐÁP ÁN
I. ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể tự do.
Câu 2. Nội dung của 2 câu thơ:
- Đó là gương mặt của những con người trên hành trình theo đuổi khát vọng.
- Con người phải chấp nhận thử thách, đánh đổi, trả giá (giọt mồ hôi, cay đắng), thậm chí là cái giá rất đắt (kiếp người vùi trong đáy, mù tăm) trên cuộc hành trình này.
- 2 câu thơ không chỉ miêu tả và cho thấy được sự vất vả của con người trên cuộc hành trình theo đuổi khát vọng mà như còn ngầm chứa hàm ý: con người hãy biết chấp nhận thử thách, hi sinh, đánh đổi để đạt được những điều mình mong muốn.
- Ca ngợi những phẩm chất cần cù, chịu khó, hy sinh của con người.
- Thể hiện tấm lòng thương cảm, xót xa, yêu mến, trân trọng của tác giả đối với những con người gắn bó cuộc đời với biển cả, biết theo đuổi khát vọng, đam mê.
Câu 3. Phép điệp ngữ trong đoạn trích trên được thể hiện qua từ “cái”, theo sau đó là hàng loạt các phẩm chất: hào hiệp, ngang tàng, kiên nhẫn, nghiêm trang, giản đơn sâu sắc. Phép điệp ngữ này đã đưa ra hàng loạt những phẩm chất này là hành trang không thể thiếu đối với mỗi người. Đặc biệt khi đứng trước biển, trước cuộc đời rộng lớn mênh mông, con người càng phải có ý chí vững vàng, không được nhỏ bé.
Như vậy, phép điệp ngữ có tác dụng tạo nên nhịp điệu cho dòng thơ và khẳng định tầm quan trọng của ý chí, nghị lực để con người đạt được khát vọng trong cuộc sống.
Câu 4. Hành trình theo đuổi khát vọng của con người được thể hiện trong đoạn trích trên là cuộc hành trình gian lao: thử thách có, vấp ngã có, con người luôn phải đương đầu với nhiều chông gai giống như sự nhỏ bé của con người trước bão tố, biển cả rộng lớn. Như thế, đạt được khát vọng là điều không hề dễ dàng, bởi vậy, con người cần phải: ngang tàng, kiên nhẫn, có ý chí để đạt được khát vọng. Câu thơ kết thúc khổ thơ: “Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi” như một lời thôi thúc con người tiến về phía trước, đi đến cuối cuộc hành trình và đạt được khát vọng.
Gợi ý:
- Khát vọng là những ước mơ, mong muốn của con người trong cuộc sống.
- Hành trình theo đuổi khát vọng không bao giờ là đơn giản, thuận lợi, có những hi sinh, những mất mát.
- Nhưng trên tất cả là sự hiên ngang, ý chí nghị lực phi thường luôn sẵn sàng tiến về phía trước.
- Khi đủ đam mê để theo đuổi tận cùng khát vọng, bạn sẽ gặt hái những thành công, kinh nghiệm hay bài học quý giá.
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
1. Khái niệm
- “Ý chí”: là ý thức, tinh thần tự giác, quyết tâm dồn sức lực. trí tuệ đạt cho bằng được mục đích.
- Ý chí chính là con đường về đích sớm nhất, khiến con người đạt được ước mơ và hoàn thành được mục tiêu.
2. Vai trò của sức mạnh ý chí:
- “Ý chí” giúp con người có đủ niềm tin, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đạt được những thành công.
- Đối với học sinh, ý chí là điều vô cùng quan trọng giúp các em có đủ tự tin và thành công trong học tập. Gặp những bài toán khó, những bài văn với ý nghĩa sâu xa, thay vì việc “bó tay” hoặc bỏ cuộc, ý chí sẽ giúp các em có thêm niềm tin để tiếp tục tìm hiểu, khám phá và đi đến những kết quả cuối cùng.
3. Biểu hiện:
- Từ xưa tới nay, dân tộc ta với truyền thống đánh giặc giữ nước kiên cường, dân tộc ta được xem là dân tộc có ý chí. Từ Bà Trưng Bà Triệu – những nữ vương đánh giặc đến người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, đến những nghĩa sĩ Cần Giuộc,… họ đều tay không bắt giặc mà vẫn làm nên những kì tích. Ngày nay, thời bình, thế hệ con cháu lại càng cần có ý chí hơn nữa để đưa đất nước phát triển vững mạnh….
- Con người trên hành trình cuộc đời cũng vậy, như bơi giữa biển lớn, nếu không có ý chí khát vọng, làm sao có thể cập bến hạnh phúc. Khổ thơ của Vũ Quần Phương bên cạnh việc ngợi ca khát vọng còn đề cao sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.
4. Phản đề: Nếu không có ý chí thì sao?
- Ý chí là thứ sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi trở lực, đạp bằng mọi chông gai, ngay cả những thử thách cam go nhất.
- Thật đáng buồn cho những kẻ không có ý chí, thấy khó khăn là nản lòng, thấy thử thách là chùn bước. Những kẻ đó sẽ chỉ trông vào sự thương hại và giúp đỡ của người khác mà thôi.
5. Làm thế nào để có ý chí?
- Ý chí không tự sinh ra, cũng không phải là thiên hướng bẩm sinh nên đừng tự nhủ là bản thân không có ý chí, đó chỉ là sự bao biện.
- Hãy rèn luyện cho bản thân có ý chí thép từ những hành động nhỏ nhất.
- Liên hệ bản thân và rút ra bài học: Ý chí có vai trò quan trọng trong công việc, học tập, Mỗi người cần phải rèn luyện ý chí cho bản thân để khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.
Câu 2 (5 điểm)
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm và trích đoạn, dẫn vào yêu cầu của đề.
II. Thân bài
1. Khái quát
- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm là bài kí xuất sắc của Hoàng Phủ ngọc Tường được viết tại Huế, vào ngày 4-1-1981, sau đó in trong tập sách cùng tên.
- Vị trí đoạn trích: Đoạn trích trên trích trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, thuộc phần cảm nhận về dòng sông Hương khi nằm ở giữa lòng thành phố Huế.
- Hình tượng con sông Hương là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã quan sát và miêu tả con sông Hương ở nhiều thời điểm khác nhau, không chỉ ở chiều sâu văn hóa mà còn ở bề dày lịch sử, truyền thống. Hình tượng con sông Hương vừa đẹp như một người con gái đẹp nằm ngủ mơ màng, vừa như cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại, lại như người mẹ của vùng văn hóa xứ sở.
- Khái quát giá trị nội dung đoạn trích: trong đoạn trích này, bên cạnh việc miêu tả dòng sông Hương khi nằm giữa lòng thành phố Huế, tác giả còn đưa ra những nhận xét, phát hiện độc đáo về dòng sông giàu truyền thống văn hóa, lịch sử này.
2. Phân tích hình tượng con sông Hương trong đoạn trích trên
a. Sông Hương chỉ thuộc về một thành phố duy nhất.
- Khác với những dòng sông như sông Xen của Pari, Đa-nuýp của Bu-đa-pét, sông Hương chỉ thuộc về một thành phố duy nhất -> sông Hương vượt qua hành trình gian truân để đến với Huế và chỉ thuộc về Huế -> sông Hương là người con gái chung tình.
- Ta nhận thấy sự gắn bó từ hai phía: sông Hương mang nguồn nước, tức nguồn sống cho Huế; Huế lại dùng bóng mát của những cây đa, cây cưa, những cây cổ thụ để che chở cho dòng sông xinh đẹp, yêu quý của mình.
b. Vẻ đẹp tâm hồn của con sông Hương:
- Con sông Hương là người con gái đẹp, là người mẹ của vùng văn hóa xứ sở:
+ Sông Hương là dòng sông đẹp, dòng sông với Hoàng Phủ Ngọc Tường mang trong mình bóng dáng của một người con gái đẹp. Sông Hương là đứa con gái yêu dấu, đứa con cưng của rừng già Trường Sơn, rừng già Trường Sơn chính là người mẹ đã sinh thành ra dòng sông này. Người mẹ ấy đã dồn hết tâm huyết, tài năng, nhân phẩm, trí tuệ, sắc đẹp để trao cho đứa con mình.
+ Vì thế, sông Hương không chỉ đẹp ở hình dáng bên ngoài mà còn mang vẻ đẹp tâm hồn – vẻ đẹp bản lĩnh và gan dạ, vẻ đẹp của tâm hồn tự do và trong sáng. Nhà văn nhấn mạnh sông Hương đẹp dịu dàng và trí tuệ chính là vẻ đẹp sắc sảo. Sông Hương mang vẻ đẹp vô cùng mặn mà. Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi là vẻ đẹp sâu thẳm.
=> Sông Hương trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở: Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút là cây bút kết hợp tài tình giữa trữ tình và triết luận, giữa triết học với lịch sử, địa lí, văn hóa nên ẩn đằng sau lớp vỏ ngôn ngữ chính là chiều sâu ý nghĩa. Nói sông Hương là người mẹ, chúng ta nên hiểu: Theo quy luật tự nhiên, tất cả mọi nền văn minh đều sinh thành bên cạnh một dòng sông. Chúng ta có văn minh sông Hằng, sông Ấn, Hồng, Cửu Long thì không có lí gì không có văn minh sông Hương. Hương giang đã bồi đắp để Huế trở thành một vùng văn hóa, tạo ra văn hóa Huế.
- Con sông Hương mang vẻ đẹp của cuộc sống đời thường: Trở lại đời thường, làm người con gái dịu dàng của đất nước. Nếu với Nguyễn Khoa Điềm, dòng sông được góp nên bởi những con rồng nằm im. Với Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một cố nhân, một tình nhân, kẻ thù số một thì sông Hương không chỉ là cô gái Digan, người mẹ phù sa, người gái đẹp mà còn là người con gái dịu dàng, ý tứ, nết na. Đây chính là một trong những vẻ đẹp độc đáo của sông Hương: tài giỏi, xinh đẹp, trí tuệ nhưng dịu dàng, nết na, in đậm vẻ đẹp của người con gái Huế.
3. Nhận xét về cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường:
- Tác giả đã đưa ra những phát hiện độc đáo về con sông Hương:
+ Sông Hương chỉ thuộc về một thành phố duy nhất
+ Vẻ đẹp tâm hồn của con sông Hương: vừa dịu dàng, vừa phóng khoáng, vừa mạnh mẽ, bản lĩnh, kiên cường.
- Viết như thế, HPNT đã thể hiện am hiểu triết học cũng như văn hóa địa lí vùng đất này, con sông này.
- Đồng thời, thông qua cách viết này đã cho thấy tình cảm đặc biệt của Hoàng Phủ Ngọc Tường với con sông Hương. Đây không chỉ là tài năng mà còn là cái tâm của người cầm bút. Tài năng và tâm huyết ấy đã tạo nên áng văn trữ tình độc đáo.
III. Kết bài
- Khẳng định lại tài năng, sự am hiểu của Hoàng Phủ Ngọc Tường về con sông Hương.
- Nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của dòng sông, cũng như vẻ đẹp của quê hương đất nước.