Đề thi tỉnh Bến Tre
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH BẾN TRE
KỲ THI TUYỂN SINH THPT
NĂM HỌC 2016-2017
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian: 120 phút
Câu 1: (4 điểm)
Đọc đoạn văn sau, thực hiện các yêu cầu sau:
Uống sữa xong, Nho ngủ. Máy bay trinh sát vẫn nạo vét sự yên lặng của núi rừng. Chị Thao dựa vào tường, hai tay quàng sau gáy, không nhìn tôi:
- Hát đi, Phương Định, mày thích bài gì nhất, hát đi!
Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát trên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ mềm mại, dịu dàng. Tôi thích Ca-chiu-sa của hồng quân Liên Xô. Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. Đó là dân ca Ý trữ tình giàu có, phải lấy giọng thật trầm.Thích nhiều. Nhưng tôi không muốn hát lúc này. Tôi đâm cáu với chị Thao, mặc dù, tôi hiểu, những tình cảm gì đang quay cuồng trong chị. Chị cứ đưa mắt nhìn Nho, lấy tay sửa cái cổ áo, cái ve áo và tóc nó. Chị không khóc đó thôi, chị không ưa cả nước mắt. Nước mắt đứa nào chảy trong khi cần cái cứng cỏi của nhau này là bị xem như bằng chứng của một sự tự nhục mạ.
Không ai nói với ai, nhưng nhìn nhau, chúng tôi đọc thấy trong mắt nhau điều đó.
Chị Thao hát: “Đây Thăng Long, đây Đông Đô… Hà Nội…”. Nhạc sai bét, còn giọng thì chua, chị không hát trôi chảy được bài nào. Nhưng chị lại có ba quyển sổ dày, chép bài hát. Rỗi là ngồi chép bài hát. Thậm chí, say mê chép cả những lời tôi bịa ra nữa.
(Lê Minh Khuê, Những ngôi sao xa xôi,
Theo Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục 2005, trang 119)
a) Thế nào là câu rút gọn? Tìm hai câu rút gọn được sử dụng trong đoạn văn.Khi rút gọn cần lưu ý điều gì?
b) Câu “Nho ngủ” trong đoạn văn có phải là câu rút gọn không? Tại sao?
c) Viết đoạn văn diễn dịch (không quá 5 câu) trình bày cảm nhận của em về đoạn văn.
Câu 2: (6 điểm)
Bằng sự hiểu biết về bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, thực hiện các yêu cầu sau:
a) Cho biết hoàn cảnh ra đời Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Nêu nhận định chung về nội dung bài thơ bằng một câu khái quát.
b) Kết thúc Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật viết:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
(Theo Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục 2005, trang 132)
Viết bài văn nghị luận (không quá 400 từ) phân tích đoạn thơ trên, qua đó, em có suy nghĩ gì?
Câu | Ý | Nội dung |
1 | a | - Câu rút gọn là khi nói hoặc viết có thể lược bỏ một số thành phần của câu mà không làn thay đổi nội dung diễn đạt để thông tin nhanh hoặc tránh lặp từ. - Hai câu rút gọn trong đoạn trích trên là: + Thích ngồi bó gối mơ màng: “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh…”. + Thích nhiều. - Khi rút gọn cần lưu ý: + Không làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói. + Không biến câu nói thành một câu cộc lốc, khiếm nhã. |
| b | Câu “Nho ngủ” không phải là câu rút gọn, vì câu có đầy đủ hai thành phần là chủ ngữ và vị ngữ. “Nho ngủ” CN VN |
| c | - Hình thức: đoạn văn khoảng 5 dòng. - Nội dung: + Nói về sự khốc liệt của chiến tranh. + Ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của những cô gái thanh niên trên tuyến đường Trường Sơn. Trong mưa bom bão đạn, giữa chiến trường khốc liệt, họ vẫn lạc quan, yêu đời, có tâm hồn phong phú, trong sáng. |
2 | a | - Hoàn cảnh ra đời Bài thơ về tiểu đội xe không kính: bài thơ ra đời năm 1963, trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra ác liệt, các tuyến xe tiếp tế nhu yếu phẩm đang ngày đêm ra trận trên tuyến đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. - Nội dung bài thơ bằng một câu khái quát: Bài thơ khắc họa thành công hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trẻ trung, tinh nghịch, hồn nhiên, nhưng anh hùng, quả cảm, bất khuất; họ là đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. |
| b | 1. Giới thiệu chung - Phạm Tiến Duật là nhà thơ khoác áo lính, là gương mặt tiêu biểu của thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.Thơ ông gắn liền với hình ảnh người lính trên chiến trường với vẻ đẹp hồn nhiên, tinh nghịch, trẻ trung mà sâu sắc. + “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” viết năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang vô cùng ác liệt. Bài thơ in trong tập “Vầng trăng - Quầng lửa”, là một trong những bài thơ để lại ấn tượng mạnh trong lòng người đọc về hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn nói riêng và những người lính cụ Hồ nói chung. + Đoạn thơ trên nằm ở cuối bài, là khổ thơ hay nhất, đẹp nhất viết về những người lính lái xe Trường Sơn. 2. Phân tích a. Nội dung: - Hai câu đầu dồn dập, những mất mát, khó khăn do quân địch gieo xuống : không kính, không đèn, không mui, thùng xe có xước (biên pháp liệt kê). Điệp ngữ “không có” nhắc lại ba lần như nhân lên ba lần những thử thách khốc liệt. - Hai câu cuối âm điệu đối chọi lại, trôi chảy, êm ru. Hình ảnh đậm nét. Vậy là đoàn xe đã chiến thắng, vượt lên bom đạn, hăm hở hướng ra phía trước, hướng ra tiền tuyến lớn với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”. Hình ảnh “trong xe có một trái tim” là cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, gốc rể phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, đọng kết lại ở “trái tim” gan góc, kiên cường, giàu bản lĩnh và chan chứa tình yêu nước. => Hai câu cuối đã nêu lên chân lý của thời đại: sức mạnh quyết định chiến thắng không phải là vũ khí, là công cụ… mà là con người - Con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường, dũng cảm, niềm lạc quan và niền tin vững chắc. b. Nghệ thuật: - Sự tương phản giữa hiện thực tàn khốc và lí tưởng mạnh mẽ của con người. - Sử dụng hình ảnh hoán dụ, biện pháp điệp từ và liệt kê rất đặc sắc. 3.Tổng kết - Khổ thơ trên đã phác họa thât đẹp về những người lính lái xe trên tuyền đường Trường Sơn trong những năm chống Mĩ cứu nước gian khổ, ác liệt. Những câu thơ giản dị, hình ảnh sinh động cụ thể, sự đối lập giữa hiện thực và lí tưởng của con người, đặc biệt là phép hoán dụ đã tô đậm vẻ đẹp trẻ trung, yêu đời và tình yêu đất nước, tinh thần cách mạng sôi nổi của những người lính trẻ. Tuổi trẻ chúng ta hôm nay cần nâng cao lòng biết ơn và noi gương các thế hệ cha anh đi trước! |