Đề thi tỉnh Quảng Bình
ĐỀ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT TỈNH QUẢNG BÌNH
NĂM HỌC: 2016 - 2017
Môn: Ngữ văn
Thời gian: 120 phút
Câu 1 (2,0 điểm)
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:
“(1) Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. (2) Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. (3) Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. (4) Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. (5) Nó ngơ ngác, lạ lùng. (6) Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động.”
(Chiếc lược ngà - Nguyễn Quang Sáng, Ngữ văn 9, Tập 1)
a. Xác định những từ láy được sử dụng trong đoạn văn.
b. Chỉ ra câu văn chứa thành phần khởi ngữ.
c. Xác định phép liên kết giữa câu thứ (4) và câu thứ (5).
d. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn.
Câu 2 (3,0 điểm)
Em hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 300 từ) trình bày suy nghĩ của mình về tác hại của sự thiếu trung thực trong thi cử.
Câu 3 (5,0 điểm)
Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân.
…Hết…
Câu | Ý | Nội dung |
1 | a | Từ láy được sử dụng trong đoạn trích là: ngơ ngác, lạ lùng. |
| b | Câu chứa thành phần khởi ngữ là câu 2 “Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh.” |
| c | Phép liên kết giữa câu thứ 4 và câu thứ 5 là phép thế. “Con bé” trong câu 4 được thay thế bằng “nó” ở câu 5. |
| d | Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là phương thức miêu tả. |
2 |
| Nghị luận xã hội |
| 2.1 | Giải thích - Trung thực là thành thật, ngay thẳng. Thiếu trung thực là không thành thật, không ngay thẳng, không làm thật. - Thi cử: một hình thức kiểm tra, đánh giá trong học tập nhằm giúp giáo viên theo dõi tình hình học tập của học sinh và để học sinh nhận ra năng lực của bản thân mình, phụ huynh biết tình hình học tập của con em mình. - Thiếu trung thực trong thi cử là gian lận, không thành thật, dối trá trong kiểm tra đánh giá để đạt kết quả cao, nhưng đó không phải là kết quả chính xác. - Thiếu trung thực trong thi cử là hành vi xấu, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ học sinh, cho những chủ nhân tương lai của đất nước nên phải được loại trừ ngay nhưng nó vẫn là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. |
| 2.2 | Phân tích, chứng minh, bình luận a. Nguyên nhân - Nhận thức lệch lạc về mục đích và tầm quan trọng của việc học đối với sự phát triển toàn diện năng lực và nhân cách của con người. - Nguồn gốc sâu xa của thiếu trung thực là học sinh lười biếng, thói giả dối. - Bệnh thành tích trong giáo dục: không muốn học nhưng lại mong muốn có kết quả cao. - Áp lực từ gia đình và xã hội, coi người có kết quả học tốt là số một nên dẫn đến học sinh gian lận để có kết quả cao, để bố mẹ không trách mắng. - Từ phía thầy cô: thầy cô muốn chạy đua thành tích, đánh giá thi đua khen thưởng của mình cao nên có khi cố ý nhắc bài cho học sinh trong giờ thi, kiểm tra. àNguyên nhân từ khách quan đến chủ quan, tổng hợp từ nhiều yếu tố khiến gian lận trong thi cử ngày càng báo động. b. Biểu hiện gian lận trong thi cử - Thiếu trung thực trong thi cử biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau như quay cóp, giở tài liệu, thi hộ, thi thay, sử dụng các thiết bị hiện đại để chép bài. - Giám thị, giáo viên coi thi cố tình nới lỏng cho thí sinh gian lận trong thi cử. - Trước ngày thi, “chạy” trước bằng tiền, bằng các mối quan hệ để chuẩn bị sẵn đỗ dù đề thi thế nào và làm bài ra sao. c. Tác hại của thiếu trung thực trong thi cử - Hiện tượng ngồi nhầm lớp. - Không tìm được người có tài năng thật sự, ảnh hưởng đến công tác khuyến học, khuyến tài, gây mất niềm tin trong xã hội. - Bằng cấp không có giá trị, trao bằng không đúng người có năng lực. - Ảnh hưởng nguy hại đến sự phát triển chung của xã hội. Với những người ngồi nhầm lớp mà lại làm quan to, những “tiến sĩ giấy” sẽ kéo lùi sự tiến bộ của đất nước. - Bất công trong xã hội giữa những người học thật thi thật với những người gian lận. - Người tài không được trọng dụng đúng. - Áp lực thi cử ảnh hưởng lớn đến tâm lí của học sinh khi làm bài thi, làm giảm đáng kể chất lượng bài thi. - Học tập chỉ vì thành tích mà không nhằm mục tiêu tích lũy kiến thức, nâng cao hiểu biết, phát triển năng lực. d. Giải pháp - Thực hiện đồng bộ ở mọi mức độ từ bộ giáo dục, sở giáo dục đến từng giáo viên, học sinh; trong tất cả các khâu ra đề,chấm bài và lên điểm. - Học thật thi thật. - “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. - Khen thưởng có tính giáo dục, nhằm khích lệ tinh thần học tập của học sinh. Không gây áp lực cho học sinh. - Giáo dục ý thức học sinh: việc học là để phát triển năng lực bản thân, trang bị kiến thức cho chính mình chứ không phải vì thành tích, vì sĩ diện. - Xử lí nghiêm minh với những trường hợp thiếu trung thực trong thi cử. - Công tác coi, chấm thi nghiêm túc, công bằng. - Đề thi đổi mới để không gian lận được trong thi cử. |
| 2.3 | Mở rộng, nâng cao - Thiếu trung thực trong thi cử là khởi nguồn của nhiều thứu giả dối, không thật thà khác. Nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội. - Khẳng định: Cái rễ của học tập thì cay đắng nhưng hoa quả của nó lại ngọt ngào, học thật thi thật bằng thực lực của mình là biểu hiện đầu tiên để trở thành người có ích cho xã hội. |
3 |
| Nghị luận văn học |
| 3.1 | 1. Giới thiệu chung - Tác giả là nhà văn hiện thực Việt Nam, là cây bút sở trường về truyện ngắn, am hiểu về đời sống sinh hoạt của nhân dân và nông thôn. - Tác phẩm được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. - Nhân vật chính trong truyện là ông Hai, một nông dân cần cù, chất phác, phải rời làng đi tản cư nhưng có lòng yêu làng, yêu nước sâu sắc, tinh thần kháng chiến cao, trung kiên với cách mạng. |
| 3.2 | Phân tích, chứng minh a. Tình huống tâm trạng - Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra: ông Hai muốn ở lại làng để tham gia kháng chiến nhưng vì hoàn cảnh gia đình buộc ông phải rời làng đi tản cư, lòng ông luôn day dứt nỗi nhớ làng. - Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống có ý nghĩa: là một nông dân suốt đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, nếp nhà, thửa ruộng và biết bao nhiêu người ruột thịt, xóm giềng. Vậy mà vì giặc ngoại xâm, ông phải rời xa quê hương đi tản cư, sống nhờ nơi đất khách. Do đó, lòng ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Ban ngày lo sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng buổi tối lại sang hàng xóm giãi bày nỗi nhớ của mình. Nỗi nhớ của ông đều bắt nguồn từ những kỉ niệm trong cuộc sống hàng ngày. =>Tình cảm của ông Hai thuần phác, trong sáng. b. Tình yêu làng hòa nhập, thống nhất với lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng. - Ông Hai đột ngột nghe tin dữ, làng Dầu theo giặc lập tề. + Tin ấy đến với ông vào buổi trưa, giữa lúc tâm trạng của ông đang phấn chấn vì nghe những tin thắng trận. =>tâm trạng đau đớn, nặng nề, tủi hổ tràn ngập lòng ông. Trước ông Hai hãnh diện, tự hào về làng bao nhiêu thì nay lại đau đớn, nhục nhã bấy nhiêu. + Nơm nớp tưởng người ta đang bàn tán chuyện làng Dầu. + Nhiều lúc, ông đã khóc. - Tác giả đã diễn tả rất sâu sắc, cụ thể tâm trạng nặng nề đến nỗi trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng ông Hai. - Tác giả tiếp tục đặt nhân vật vào thử thách mới. Đó là khi nghe tin có lệnh cấm không cho những người làng Dầu ở nơi tản cư nữa vì làng Dầu Việt gian theo Tây. Chính trong tình thế tưởng chừng như tuyệt vọng ấy lại càng bộc lộ tình yêu làng quê hòa hợp sâu sắc với lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng. Trở về làng là cam chịu kiếp sống nô lệ, nhục nhã. Bởi thế, ông đã quyết định một cách đau đớn nhưng dứt khoát: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù”. - Cao trào tâm trạng của nhân vật cũng là lúc bộc lộ một cách sâu sắc, cảm động nhất tình cảm chân thành, thiêng liêng của ông Hai với quê hương, đất nước, cách mạng. Đó là cảnh ông Hai trò chuyện với đứa con. Ông vẫn nhắc nhở con nhớ về quê hương của nó là làng Dầu, thủ thỉ với con như để ngỏ lòng mình, như để minh oan “Anh em đồng chí biết cho bố con ông, cụ Hồ trên đầu trên cổ soi xét cho bố con ông” - Nghe tin cải chính, làng Dầu không theo giặc: Vui sướng, tự hào, mặc dù nhà bị đốt nhưng ông không buồn. Ông đã coi đó là bằng chứng cho lòng trung thành của ông, của làng Dầu với cách mạng. c. Nhận xét - Nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện tâm lí, đặt nhân vật vào tình huống gay gắt, đấu tranh nội tâm căng thẳng để bộc lộ tâm trạng, tính cách nhân vật. - Nhà văn miêu tả nổi bật tính cách, tâm trạng nhân vật qua đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, qua ngôn ngữ, của chỉ, thái độ, hành động. |
| 3.3 | Tổng kết - Ông Hai tiêu biểu cho tầng lớp nông dân thời chống Pháp - Qua nhân vật ông Hai, tác giả muốn biểu đạt một cách thấm thía, xúc động tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp. |