Đề thi tỉnh Đà Nẵng (chuyên)
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐÀ NẴNG
KỲ THI TUYỂN SINH THPT NĂM HỌC 2016-2017
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÝ ĐÔN
MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian: 150 phút
Câu 1: (3 điểm)
Thánh Găng-đi có một phương châm : “ Chinh phục được mọi người ai cũng cho là khó, nhưng tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn”.
( Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đương, Ngữ văn 8, tập 1)
Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến trên
Câu 2: (7 điểm)
Cảm nhận của em về nỗi nhớ thương qua hai bài thơ sau:
QUÊ HƯƠNG
Chim bay dọc biển đem tin cá
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
"Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe".
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng,
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
(Tế Hanh, Ngữ văn 8, tập 2)
BẾP LỬA
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa!
Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi,
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy,
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay!
Tám năm ròng, cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà còn nhớ không bà?
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế.
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế,
Mẹ cùng cha công tác bận không về,
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe,
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học,
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà,
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?
Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặn cháu đinh ninh:
"Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!".
Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm,
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi,
Nhóm niềm xôi gạo mới, sẻ chung vui,
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ...
Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa!
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...
(Bằng Việt, Ngữ văn 9, tập 1)
Câu | Ý | Nội dung |
1 |
| Nghị luận xã hội |
| 1 | Giải thích -Tình thương là tình cảm giữa con người với con người, là sự rung động về cảm xúc khi ta nhìn thấy những cảnh đời khác ta, bất hạnh hơn ta. -Lòng nhân đạo: Chính là đỉnh cao của tấm lòng thương người, lúc đó, ta không còn thiết nghĩ đến bản thân, chỉ quan tâm đến sự đau đớn của người khác, vì họ mà lên tiếng. -Sự thông cảm: Là tình cảm cao đẹp, là tình cảm mà con người ta dẹp qua mọi sự ích kỉ của mình, để hiểu người khác, hiểu nổi khổ của họ mà đồng cảm với họ. => Con người muốn tạo mối quan hệ tốt với nhau thì phải có tình thương, lòng bao dung vô bờ |
| 2 | Bình luận, chứng minh a. Tại sao lại nói, chinh phục con người là một việc khó khăn -Bởi lòng người là thứ không thể đo đếm được. Mỗi chúng ta đều là những nguyên bản độc lập trong cuộc sống, không ai giống ai. - Mỗi người có những đòi hỏi khác nhau không dễ đáp ứng. - Con người luôn luôn thận trọng. b. Tại sao nói, tạo được tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn? - Trong chúng ta vốn có sự ích kỉ, thế nên, việc tạo lòng đồng cảm đã khó, mà hiện giờ, với tình trạng con người chạy theo đồng tiền thì tình yêu thương, lòng nhân ái giữa con người với con người lại càng trở nên khó khăn gấp bội. - Con người sinh ra không phải ai cũng có thể tạo được tình thương, lòng nhân đạo ngay lập tức, mà còn cần trải qua một quá trình rèn luyện nhận thức, tư duy, phải có một vốn sống đủ để nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo, đúng đắn. - Cách sống hiện nay của con người càng khiến chúng ta trở nên chai lì cảm xúc, chúng ta sợ khó, sợ khổ, sợ rắc rối, sợ người ta dị nghị, đàm tiếu. Tất cả, tất cả đã khiến mối quan hệ giữa người và người trở nên lỏng lẻo, nghèo nàn c. Cách sống - Sống biết yêu thương, quan tâm, sẻ chia. - Quan tâm bằng sự chân thành |
| 3 | Bài học hành động và liên hệ bản thân - Sống yêu thương. - Liên hệ bản thân |
2 | 1 | Nghị luận văn học Giải thích -Nỗi nhớ thương là một đề tài phổ biến trong văn học. Vì: + Văn học vốn là tiếng nói tình cảm của con người, là sự giải phóng những cảm xúc. + Nỗi nhớ thương là tình cảm vốn có, thường trực trong thế giới tình cảm của con người. =>Văn học hướng đến con người, cố gắng miêu tả những tâm hồn tinh tế, những rung động tế vi nhất, vì thế có những tác phẩm nói về nỗi nhớ thương. - Cả hai bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt và Quê hương –Tế Hanh đều nói về nỗi nhớ thương da diết, bỏng cháy theo suốt hành trình của nhân vật trữ tình. |
| 2 | Phân tích a. Nỗi nhớ thương trong Quê hương của Tế Hanh - Quê hương nhà thơ là một cù lao nổi giữa bốn bề sông nước. Dân làng sống bằng nghề chài lưới, cuộc đời gắn chặt với biển cả mênh mông. Làng nghèo giống như bao làng biển khác nhưng khi,đi xa, nhà thơ thương nhớ đến quặn lòng. Nhớ nhất là khung cảnh: Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng - Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Bầu trời cao lồng lộng đồng điệu với lòng người phơi phới. Hình ảnh các chàng trai xứ biển vạm vỡ và con thuyền băng băng lướt sóng đã in đậm trong tâm tưởng nhà thơ. - Đem so sánh cánh buồm là vật hữu hình với hồn làng một khái niệm vô hình thì quả là sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ. Con thuyền ra khơi mang theo những nỗi lo toan cùng niềm tin yêu, hi vọng của bao người. Nhiệt tình và sức sống của con người truyền sang cả vật vô tri khiến cho con thuyền dường như cũng có tâm hồn riêng, sức sống riêng. Nhịp thơ khỏe khoắn, tươi vui thể hiện khí thế sôi nổi và niềm khao khát hạnh phúc ấm no của người dân làng biển. Sáu câu thơ miêu tả đoàn thuyền ra khơi đánh cá vừa là bức tranh phong cảnh thiên nhiên tươi sáng, vừa là bức tranh lao động đầy hứng khởi. - Dân làng vui mừng đón đoàn thuyền đánh cá trở về trong không khí ồn ào, tấp nập. Những chiếc ghe đầy ắp những con cá tươi ngon thân bạc trắng trông thật thích mắt. Dân làng chân thành tạ ơn trời đất đã sóng yên biển lặng để đoàn ngư phủ được an toàn trở về với làng xóm thân yêu. - Nhà thơ đã phát hiện ra chất thơ trong đời sống vất vả, cực nhọc của dân quê, đó là điều đáng quý. Cũng vì vậy mà hình ảnh quê hương trong bài thơ tươi sáng, mang hơi thở nồng ấm của cuộc đời cần lao. - Ở bốn câu thơ kết, nhà thơ trực tiếp bộc bạch nỗi nhớ quê hương khôn nguôi của mình. b. Nỗi nhớ thương trong Bếp lửa của Bằng Việt -Nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ gắn với hình ảnh người bà. - Tình bà cháu thắm thiết, cảm động được khơi gợi từ hình ảnh bếp lửa: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm Một bếp lửa ấp iu nồng đượm Cháu thương bà biết mấy nắng mưa Bếp lửa hiện thân trong kí ức như tình bà ấm áp, như sự đùm bọc của bà. -Nỗi nhớ thương được đan xen những suy nghĩ về bà: đó là suy ngẫm về cuộc đời nhiều gian khổ nhưng giàu hi sinh, tần tảo của bà. Bà là người nhóm lửa, cũng là người giữ cho ngọn lửa luôn ám nóng và tỏa sáng trong mỗi gia đình. - Đứa cháu dù đi xa vẫn không thể quên bếp lửa của bà, không quên tấm lòng yêu thương đùm bọc của bà. Bếp lửa trở thành kỉ niệm ấm lòng, thành niềm tim nâng bước cháu trên chặng đường dài. - Kì diệu hơn, người cháu nhờ hiểu và yêu bà mà hiểu về nhân dân, dân tộc mình. Bếp lửa và bà đã trở thành biểu tượng cho hình ảnh quê hương, xứ sở. c. Nhận xét *Giống nhau: - Nỗi nhớ thương da diết, dạt dào. - Sử dụng thể thơ tám chữ, số dòng thơ tự do để thoải mái diễn tả cảm xúc. - Sử dụng những hình ảnh đặc sắc, có sức hấp dẫn, tạo ý nghĩa. * Khác nhau và lí giải - Mỗi nhà thơ có niềm nhớ thương riêng với những đối tượng cụ thể khác nhau, vì kỉ niệm trong tiềm thức mỗi người là khác nhau. - Do sáng tác trong những hoàn cảnh khác nhau. Bằng Việt đi học ở nước ngoài nên hình tượng có ý nghĩa biểu tượng cho nhân dân, đất nước. Không vì thế mà Tế Hanh ở trong nước không có ý nghĩa lớn lao. - Khác nhau còn do yêu cầu sáng tạo của nghệ thuật. |
| 3 | Tổng kết - Bài học sáng tao: người nghệ sĩ không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. - Bài học tiếp nhận: đặt tác phẩm trong hoàn cảnh để hiểu sâu sắc, người đọc đồng điệu, đồng sáng tạo với tác giả. |