Đề thi tỉnh Bình Phước
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO BÌNH PHƯỚC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT
Năm học: 2016-2017
Đề thi môn: Ngữ văn
Ngày thi: 10/06/2016
Thời gian làm bài: 120 phút
Câu 1: (1 điểm) Cho khổ thơ sau:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
(Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục, 2015)
a.Khổ thơ trên được trích trên văn bản nào? Tác giả là ai?
b. Nêu ngắn gọn nội dung chính của khổ thơ.
Câu 2: (1 điểm) Cho câu văn:
Người nói và viết thạo nhiều thứ tiếng ngoại quốc: Pháp, Anh, Hoa, Nga… và Người đã làm nhiều nghề.
(Phong cách Hồ Chí Minh, Lê Anh Trà)
a. Chỉ ra thành phần biệt lạp của câu văn trên và cho biết đó là thành phần biệt lập gì?
b. Xét về cấu tạo, câu văn trên thuộc kiểu câu gì? Vì sao?
Câu 3: (2 điểm) Viết một bài văn ngắn (khoảng 300 chữ) trình bày ý kiến của anh chị về tinh thần tự học.
Câu 4: (6 điểm)
Cảm nhận của em về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng (Kim Lân) (Phần trích Ngữ văn 9, Tập 1, NXB Giáo dục, 2015)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu | Ý | Nội dung |
1 | a | Khổ thơ trên được trích từ văn bản Đoàn thuyền đánh cá của tác giả Huy Cận |
| b | Nội dung: Khổ thơ miêu tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi vào lúc hoàng hôn và tâm trạng của người dân chài dạt dào niềm vui. |
2 | a | Thành phần biệt lập: thành phần phụ chú: Pháp Anh, Hoa, Nga… |
| b | Xét về cấu tạo, câu văn trên thuộc kiểu câu ghép. Vì câu có hai cụm chủ - vị |
3 | 3.1 | Giải thích - Tự học là sự chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và sự hình thành kĩ năng cho mình. - Vấn đề càn nghị luận: tự học. |
| 3.2 | Bình luận, chứng minh a.Vì sao phải tự học -Kiến thức là biển cả bao la, không ai có thể dạy hết, nên phải tự mình tích lũy. - Tự học, tự tìm tòi mới thấy say mê, mới phát hiện những cái hay, cái đẹp của tri thức. - Không bị bắt ép thì tinh thần thoải mái, kiến thức tiếp thu dễ dàng, không áp lực, gò bó. b. Biểu hiện - Khi nghe giảng, đọc sách hay làm bài tập, tích cực suy nghĩ, ghi chép, sáng tạo nhằm rút ra những điều cần thiết, tự mày mò tìm hiểu hoặc có sự chỉ bảo, hướng dẫn của thầy cô giáo. - Tự học ở trường, ở nhà, ở ngoài xã hội. - Tự học trong tất cả các lĩnh vực để bổ sung cho hiểu biết của bản thân. c. Lợi ích của tự học - Năng động, sáng tạo, không ỷ lại, phụ thuộc vào người khác, biết tự khắc phục những khuyết điểm để hoàn thiện bản thân, tiết kiệm thời gian, tiền bạc… - Phê phán lối sống thụ động, ỷ lại vào thầy cô, bạn bè của một số học sinh hiện nay. |
| 3.3 | Bài học hành động và liên hệ bản than - Tự học là cần thiết và quan trọng - Liên hệ bản thân. |
4 | 4.1 | Giới thiệu chung - Tác giả là nhà văn hiện thực Việt Nam, là cây bút sở trường về truyện ngắn, am hiểu về đời sống sinh hoạt của nhân dân và nông thôn. - Tác phẩm được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. - Nhân vật chính trong truyện là nhân vật ông Hai, một nông dân cần cù, chất phác, phải đi tản cư nhưng có lòng yêu làng, yêu nước sâu sắc, tinh thần kháng chiến cao, trung kiên với cách mạng. |
| 4.2 | Phân tích a.Tình huống tâm trạng - Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra: ông Hai muốn ở lại làng để tham gia kháng chiến nhưng vì hoàn cảnh gia đình buộc ông phải rời làng đi tản cư, lòng ông luôn day dứt nỗi nhớ làng. - Nhà văn đã đặt nhân vật vào tình huống có ý nghĩa: là một nông dân suốt đời sống ở quê hương, gắn bó máu thịt với từng con đường, nếp nhà, thửa ruộng và biết bao nhiêu người ruột thịt, xóm giềng. Vậy mà vì giặc ngoại xâm, ông phải rời xa quê hương, sống nhờ nơi đất khách. Do đó, lòng ông luôn đau đáu nỗi nhớ quê. Ban ngày lo sản xuất, ổn định cuộc sống, nhưng buổi tối lại sang hàng xóm giãi bày nỗi nhớ quê của mình. Nỗi nhớ của ông đều bắt nguồn từ những kỉ niệm trong cuộc sống hàng ngày. =>Tình cảm của ông Hai thuần phác, trong sáng. b. Tình yêu làng hòa nhập, thống nhất với lòng yêu nước, kiên trung với cách mạng. - Ông Hai đột ngột nghe tin dữ, làng Dầu theo giặc lập tề. - Tin ấy đến với ông vào buổi trưa, giữa lúc tâm trạng phấn chấn vì nghe những tin thắng trận => Tâm trạng đau đớn, nặng nề, tủi hổ tràn ngập lòng ông. Trước ông Hai hãnh diện, tự hào về làng bao nhiêu thì nay lại đau đớn, nhục nhã bấy nhiêu. + Nơm nớp tưởng người ta bàn chuyện làng Dầu. + Nhiều lúc, ông đã khóc. =>Tác giả đã diễn tả rất sâu sắc, cụ thể tâm trạng nặng nề đến nỗi trở thành một nỗi ám ảnh trong lòng ông Hai. - Tác giả tiếp tục đặt nhân vật vào thử thách mới. Đó là khi nghe tin có lệnh cấm không cho những người làng Dầu ở nơi tản cư vì làng Dầu Việt gian theo Tây. Chính trong tình thế tưởng chừng như tuyệt vọng ấy lại càng bộc lộ tình yêu làng hòa hợp sâu sắc với tình yêu nước, kiên trung với cách mạng. Trở về làng là cam chịu kiếp sống nô lệ, nhục nhã. Bởi thế, ông đã quyết định một cách đau đớn nhưng dứt khoát “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù” - Cao trào tâm trạng của nhân vật là lúc bộc lộ một cách sâu sắc, cảm động nhất tình cảm chân thành, thiêng liêng của ông Hai đối với quê hương, đất nước, cách mạng. Đó là cảnh ông Hai trò chuyện với đứa con. Ông vẫn nhắc nhở con về quê hương của nó là làng Dầu, thủ thỉ với con như để ngỏ lòng mình, như để minh oan “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ soi xét cho bố con ông”. - Nghe tin cải chính, làng Dàu không theo giặc: Vui sướng, tự hào, mặc dù nhà bị đốt nhưng ông không buồn. Ông coi đó là bằng chứng cho lòng trung thành của ông, của làng Dầu đối với cách mạng. c. Nhận xét - Nhà văn Kim Lân đã thành công trong việc xây dựng cốt truyện tâm lí, đặt nhân vật vào tình huống gay gắt, đấu tranh nội tâm căng thẳng để bộc lộ tính cách nhân vật. - Nhà văn miêu tả nổi bật tính cách, tâm trạng của nhân vật qua đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm, qua ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ, hành động. |
| 4.3 | Tổng kết - Ông Hai tiêu biểu cho tầng lớp nông dân thời chống Pháp. - Qua nhân vật ông Hai, tác giả muốn biểu đạt một cách thấm thía, xúc động tình yêu làng, yêu nước sâu sắc của người nông dân trong kháng chiến chống Pháp. - Tác giả viết bằng trái tim, tình cảm của mình nên dễ tìm được sự đồng cảm từ bạn đọc. |