Phần I (6 điểm)
Mở đầu bài thơ “Đồng chí”, tác giả Chính Hữu có viết:
“Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”
Và kết thúc là những vần thơ:
“Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”
Câu 1: Nêu hoàn cảnh sáng tác bài thơ? Hoàn cảnh đó cho em hiểu điều gì về cuộc sống chiến đấu của người lính trong thời kì này?
Câu 2: Xác định một thành ngữ trong hai câu mở đầu của bài thơ và giải nghĩa thành ngữ đó. Hãy chép lại một câu thơ khác trong chương trình Ngữ văn 9 có sử dụng thành ngữ (ghi rõ tên tác giả, tên tác phẩm)
Câu 3: Trong hai câu thơ mở đầu của bài thơ, ta thấy những người lính xuất thân từ những hoàn cảnh khác nhau, vậy mà ở những câu sau, Chính Hữu lại viết: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hãy tìm và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật điệp ngữ được sử dụng trong câu thơ trên?
Câu 4: Dựa vào khổ thơ cuối của bài thơ trên, hãy viết một đoạn văn khoảng 12 câu theo phương pháp lập luận diễn dịch để làm rõ được bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ. Trong đoạn văn có sử dụng câu phủ định và thành phần phụ chú. (gạch chân và chú thích rõ)
Phần II (4 điểm)
Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi:
“Đọc sách không cốt nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh đọc cho kĩ. Nếu đọc được mười quyển sách không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thật sự có giá trị. Nếu đọc được mười quyển sách mà chỉ lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần.“Sách cũ trăm lần xem chẳng chán - Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách. Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về.”
Câu 1: Đoạn văn trên có trong tác phẩm nào? Do ai sáng tác? Nêu luận điểm của đoạn văn?
Câu 2: Trong câu văn “Đọc ít mà đọc kỹ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích lũy, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm mắt hoa, ý loạn, tay không mà về”, tác giả đã sử dụng phép tu từ gì? Nêu hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng phép tu từ ấy trong đoạn trích.
Câu 3: Dựa vào đoạn văn trên và những hiểu biết xã hội, em hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 2/3 trang giấy thi nêu suy nghĩ của em về việc đọc sách của giới trẻ trong hoàn cảnh thế giới công nghệ thông tin đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
Bài thơ Đồng chí với những câu văn dung dị, mộc mạc nhưng đã toát lên vẻ đẹp sáng ngời về những người lính bộ độ cụ Hồ năm xưa. Họ xuất thân từ những miền quê khác nhau, bỏ lại sau lưng là ruộng đồng, gia đình để lên đường chiến đấu cho độc lập dân tộc. Gặp nhau nơi rừng thiên nước độc, giữa tiếng đạn bom, giữa những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng họ không hề lo sợ, nao núng tinh thần. Họ đã cùng nhau sống, chiến đấu và gắn bó thân thiết như anh em ruột thịt:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
“Đầu súng trăng treo”, câu thơ ngắn gọn mà cô đọng những ý nghĩa sâu xa. Sự đối lập giữa hai hình ảnh súng và trăng, đối lấp giữa hiện tại chiến tranh ác liệt và khát vọng hòa bình tươi sáng. Giữa rừng khuya thanh vắng, các anh cùng sát bên nhau làm nhiệm vụ, ánh trăng trên cao như người bạn đồng hành cùng chiến đấu. Ánh trăng như giúp các anh tạm quên đi những ngày tháng chiến đấu vất vả, ánh trăng của khát khao hòa bình dân tộc, ánh trăng gợi nhớ về quê hương yên bình.
Anh với tôi từ xa lạ mà thành thân quen, rồi sát cánh bên nhau những ngày chiến đấu, tình cảm nối lại thành tình đồng chí. Câu thơ cuối bài có ý nghĩa thật đẹp, là hình ảnh chan hòa giữa con người với thiên nhiên, đất nước, là khát vọng về ngày hòa bình của dân tộc. Ánh trăng cuối bài thơ như tỏa ánh sáng dịu dàng, soi rọi cho tình đồng chí gắn bó keo sơn.