Đề 1:
“Ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt, cứ như bây giờ là Bắc Bộ nước ta, có một vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, thường ở dưới nước, thỉnh thoảng lại lên cạn, sức khỏe vô địch, có nhiều phép lạ. Thần giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Hồ Tinh, Mộc Tinh những loài yêu quái làm hại dân lành. Thần dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Xong việc, thần thường về thủy cung với mẹ, khi có việc cần thần mới hiện lên.
Bấy giờ ở vùng đất cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần. Nghe tiếng vùng đất Lạc có nhiều hoa thơm cỏ lạ, nàng bèn tìm đến thăm. Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, đem lòng yêu nhau rồi trở thành vợ chồng, cùng chung sống ở trên cạn ở cung điện Long Trang.
[...]
Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô [5] ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình có tướng văn, tướng võ, con trai vua gọi là quan lang, con gái vua gọi là mị nương, khi cha chết thì được truyền ngôi cho con trưởng, mười mấy đời truyền nối ngôi vua đều lấy danh hiệu Hùng Vương, không hề thay đổi.
Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt Nam ta con cháu vua Hùng, thường nhắc đến nguồn gốc của mình là con Rồng cháu Tiên.”
(Trích truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?
Câu 2: Lạc Long Quân đã có những hành động nào để giúp dân?
Câu 3: Lời kể nào trong đoạn truyện có hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ? Nhận xét về ý nghĩa của lời kể đó?
Câu 4: Em thấy mình có trách nhiệm gì trong cuộc sống để bảo vệ và phát huy nguồn gốc cao quý của dân tộc?
Đề 2:
“Sau khi đuổi sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, lên làm vua được khoảng một năm, một hôm Lê Lợi cưỡi thuyền rồng quanh hồ Tả Vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền tiến ra giữa hồ, thì tự nhiên có một con rùa to lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt nước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng trên và nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang động đậy. Rùa Vàng không sợ người, nhô đầu cao lên nữa và tiến sát về phía thuyền vua. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói:
- Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long quân! Nghe nói thế, nhà vua bỗng hiểu ra, bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao, cung kính cảm tạ thần linh. Chỉ một lát, thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía Rùa Vàng. Nhanh như cắt, Rùa há miệng đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước. Cho đến khi cả gươm và Rùa đã chìm sâu xuống nước, người ta vẫn còn thấy vệt sáng le lói dưới mặt hồ xanh.
Khi thuyền của bá quan tiến kịp thuyền rồng, vua liền báo ngay cho họ biết:
- Đức Long Quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, Người sai Rùa lấy lại.
Từ đó, hồ bắt đầu được mang tên là Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm.”
(Trích Sự tích Hồ Gươm)
Câu 1. Long Quân sai Rùa Vàng lên đòi lại thanh gươm thần trong hoàn cảnh nào?
Câu 2. Em hiểu gì về tên gọi hồ Hoàn Kiếm?
Câu 3. Nêu ý nghĩa của hình ảnh vệt sáng le lói dưới mặt hồ xanh sau khi cả gươm và Rùa đã chìm sâu xuống nước.
Câu 4. Có một du khách nước ngoài đến Việt Nam và muốn tìm hiểu về Hồ Gươm. Nếu em là hướng dẫn viên cho du khách đó thì em sẽ giới thiệu những điều gì về địa danh này?
Đề 3 :“Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy. Bấy giờ, ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác. Thấy vậy, đức Long quân quyết định cho họ mượn thanh gươm thần để họ giết giặc”.
(Trích Sự tích Hồ Gươm)
Câu 1. Xác định ngôi kể của đoạn trích.
Câu 2. Nêu nội dung chính của đoạn trích.
Câu 3. Tìm những chi tiết liên quan đến sự thật lịch sử có trong đoạn văn trên? Những chi tiết ấy có ý nghĩa gì với câu chuyện được kể?
Câu 4: Việc giải thích nguồn gốc tên gọi của hồ Gươm gắn với cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống giặc Minh nói lên điều gì?
Là con Rồng, cháu Tiên và thân mật gọi nhau là “đồng bào”.